Đốt vàng mã trước hay rải gạo muối trước khi cúng rằm tháng Giêng 2025?
Nội dung chính
Đốt vàng mã trước hay rải gạo muối trước khi cúng rằm tháng Giêng 2025?
Trong nghi lễ cúng rằm tháng Giêng, việc rải gạo muối và đốt vàng mã đều mang ý nghĩa quan trọng, nhưng cần thực hiện theo trình tự đúng để thể hiện lòng thành kính và tránh phạm vào điều kiêng kỵ. Theo quan niệm dân gian, gia chủ nên rải gạo muối trước, sau đó mới đốt vàng mã.
Việc rải gạo muối nhằm bố thí cho các vong linh, cô hồn, tránh để họ quấy nhiễu gia đình. Khi rải, cần thực hiện từ trong ra ngoài, không rải ngược vào nhà để tránh mất lộc.
Sau khi hoàn tất việc rải gạo muối, gia chủ mới tiến hành đốt vàng mã để gửi đến thần linh và gia tiên. Khi đốt, nên khấn rõ tên người nhận, hóa từng loại vàng mã theo thứ tự: tiền vàng, áo quần, các vật dụng khác. Ngoài ra, cần lưu ý đốt gọn gàng, không đốt quá nhiều gây ô nhiễm môi trường, và tránh đổ tro vàng mã ra đường hoặc nơi ô uế.
Như vậy, để đảm bảo đúng phong tục và tránh phạm điều kiêng kỵ, gia chủ nên rải gạo muối trước, đốt vàng mã sau khi cúng rằm tháng Giêng 2025.
Bài cúng rằm tháng Giêng 2025
Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) là một trong những ngày rằm quan trọng nhất trong năm, mang ý nghĩa cầu mong bình an, may mắn và tài lộc cho gia đình. Vào ngày này, nhiều gia đình Việt Nam thường chuẩn bị mâm cỗ cúng trang trọng và thành kính dâng lên gia tiên, thần linh.
Việc đọc bài cúng rằm tháng Giêng giúp bày tỏ lòng thành, tri ân tổ tiên và cầu mong một năm mới suôn sẻ, hanh thông. Dưới đây là bài cúng rằm tháng Giêng 2025 mà gia chủ có thể tham khảo.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc bá đệ huynh, cô di tỷ muội nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:... ngụ tại:..
Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được vạn sự tốt lành, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hoá Thông tin).
Đốt vàng mã trước hay rải gạo muối trước khi cúng rằm tháng Giêng 2025 (Hình từ Internet)
Đọc văn khấn ngày rằm tháng Giêng có phải là một hình thức mê tín dị đoan không?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
2. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội....
Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL có quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng như sau:
Quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng
...
4. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.
Như vậy, đọc văn khấn vào rằm tháng Giêng có thể xem là một hoạt động tín ngưỡng truyền thống, nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên và những người đã khuất, không bị coi là mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, nếu một cá nhân hoặc tổ chức sử dụng văn khấn vào các mục đích truyền bá mê tín dị đoan thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.