Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Văn bản hợp nhất 4618/VBHN-BTP hợp nhất Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4618/VBHN-BTP
Ngày ban hành 12/06/2013
Ngày có hiệu lực 12/06/2013
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4618/VBHN-BTP

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2011, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,[1]

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

Điều 2. Vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế

1. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Về công tác xây dựng pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gửi Bộ Tư pháp để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp để lập dự kiến chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình tiến độ thực hiện các chương trình khi được phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật dài hạn, hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

c) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

d) Chủ trì thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc do cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ký ban hành;

đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tham gia góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được gửi xin ý kiến;

g) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.

2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

[...]