Dự thảo Thông tư Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 30/05/2017
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phùng Xuân Nhạ
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       / 2017/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày      tháng      năm 2017

DỰ THẢO
(30/5/2017)

 

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO VÀ ĐÌNH CHỈ TUYỂN SINH, THU HỒI QUYẾT ĐỊNH MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh,thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Điều kiện mở ngành đào tạo

Các cơ sở đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ đại học khi bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Ngành đào tạo:

a) Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo, được Hội đồng đại học, Hội đồng trường, Hội đồng quản trị quyết nghị thông qua;

b) Tên ngành đăng ký đào tạo có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định (gọi là Danh mục đào tạo);

Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong Danh mục đào tạo (gọi là ngành mới), cơ sở đào tạo phải làm rõ:

- Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành đào tạo này (trong đó có ít nhất 02 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 02 cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo);

- Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 02 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng (trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc liên quan đến an ninh, quốc phòng).

2. Đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu (gọi là giảng viên cơ hữu) bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo của các ngành đang đào tạo khác, trong đó có ít nhất 01 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội, cụ thể:

a) Có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo có trình độ thạc sĩ trở lên; trong đó có ít nhất 01 tiến sĩ và 04 thạc sĩ, hoặc 02 tiến sĩ và 02 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

b) Đối với những ngành thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài (trừ các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung) phải có ít nhất 06 giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo có trình độ thạc sĩ trở lên; trong đó có 01 tiến sĩ và 03 thạc sĩ, hoặc 02 tiến sĩ và 01 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

c) Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe:

- Giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khoẻ theo quy định;

- Số lượng giảng viên cơ hữu đảm nhận các môn học thuộc kiến thức giáo dục chuyên nghiệp của chương trình đào tạo đối với một số ngành cụ thể như sau:

Ngành Y đa khoa: mỗi môn học phải có ít nhất 01 giảng viên cơ hữu có bằng thạc sĩ trở lên, có văn bằng, luận văn, luận án phù hợp với môn học chịu trách nhiệm giảng dạy; trong đó có tối thiểu 02 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 06 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học lâm sàng, 01 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

[...]