Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư liên tịch 88/2014/TTLT-BTC-BNNPTNT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 88/2014/TTLT-BTC-BNNPTNT
Ngày ban hành 04/07/2014
Ngày có hiệu lực 22/08/2014
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung,Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/2014/TTLT-BTC-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản;

Thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 theo quy định tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình, gồm: Ngân sách nhà nước, theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Điều 4. Nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án do ngân sách Trung ương bảo đảm

1. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:

a) Rà soát, lập hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển, các khu bảo tồn vùng nước nội địa do trung ương quản lý;

b) Thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào một số lưu vực sông và hồ chính thuộc khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập;

c) Hợp tác quốc tế về điều tra nguồn lợi thủy sản (trên biển và nội địa), quản lý các loài cá di cư, quản lý các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa xuyên quốc gia, chống đánh bắt bất hợp pháp với các nước thuộc lưu vực sông Mêkông;

d) Duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản (bao gồm thu thập, xử lý và trao đổi thông tin) trên quy mô toàn quốc;

đ) Hoạt động của các Ban Quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa do trung ương quản lý;

e) Hoạt động của các Trạm cứu hộ động vật biển do trung ương quản lý;

g) Chi khác liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:

a) Điều tra nguồn lợi hải sản tại các vùng biển xa bờ, trong đó ưu tiên điều tra nguồn lợi một số nhóm đối tượng khai thác chủ lực, có giá trị kinh tế, có sản lượng lớn;

b) Điều tra nguồn lợi hải sản vùng ven biển, khả năng cho phép khai thác bền vững; trong đó ưu tiên điều tra khu vực tập trung các bãi giống, bãi đẻ của các loài hải sản;

c) Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng, trong đó ưu tiên điều tra tại các lưu vực sông, hồ lớn, có các giống loài thủy sản đặc hữu, có tính đa dạng sinh học cao;

[...]