Thông tư liên tịch 61-TT/LB năm 1992 quy trình nghiệp vụ thu thuế xuất nhập khẩu tiểu ngạch do Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 61-TT/LB |
Ngày ban hành | 24/10/1992 |
Ngày có hiệu lực | 24/10/1992 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính,Tổng cục Hải quan |
Người ký | Nguyễn Thanh,Phan Văn Dĩnh |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC HẢI QUAN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61-TT/LB |
Hà Nội , ngày 24 tháng 10 năm 1992 |
Thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Quốc hội thông qua ngày 26-12-1991 và quyết định 115-HĐBT ngày 9-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng;
Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Tất cả hàng hoá được phép xuất khẩu tiểu ngạch biên giới phải thông qua các cửa khẩu được quy định và phải nộp thuế xuất khẩu tiểu ngạch theo đúng quy định tại quyết định số 115-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
2- Các tỉnh biên giới có hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch đều phải tổ chức thành lập các trạm thu thuế liên ngành để kiểm soát và thu thuế xuất nhập khẩu tiểu ngạch theo đúng tinh thần quyết định 115-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
3- Tổ chức và cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu tiểu ngạch biên giới phải có giấy phép kinh doanh các mặt hàng trong danh mục của Bộ Thương mại và du lịch quy định và nộp đủ, nộp đúng số thuế phải nộp theo luật định.
4- Cơ quan Hải quan có trách nhiệm giám sát và kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới tại các trạm liên ngành ở cửa khẩu.
5- Cơ quan thuế có trách nhiệm thu đúng thu đủ thuế với mọi hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch ở trạm liên ngành theo biên lai thu thuế xuất nhập khẩu tiểu ngạch.
II- QUY TRÌNH THU THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU TIỂU NGẠCH
1- Trách nhiệm của chủ hàng:
- Tất cả các tổ chức, cá nhân được phép xuất nhập khẩu tiểu ngạch biên giới, khi có hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu đều phải làm thủ tục hải quan và nộp thuế.
- Khi làm thủ tục phải:
+ Xuất trình giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu tiểu ngạch biên giới do Uỷ ban nhân dân cấp.
+ Nộp 3 tờ khai hàng theo mẫu do Tổng cục Hải quan thống nhất quản lý và phát hành. Trong tờ khai phải khai đúng đủ từng cột mục theo quy định.
+ Nộp đúng nộp đủ thuế xuất nhập khẩu trước khi đưa hàng qua biên giới hoặc vào nội địa.
+ Chủ hàng phải tự kê khai đầy đủ số lượng chủng loại hàng hoá thực tế xuất nhập khẩu tại trạm liên ngành ở cửa khẩu vào tờ khai hải quan.
2. Trách nhiệm của Hải quan:
- Tờ khai Hải quan do Tổng cục Hải quan in ấn và phát hành cho các trạm thu thuế.
- Hải quan phải mở sổ đăng ký tờ khai có số thứ tự đăng ký tờ khai từ đầu năm đến cuối năm (từ 1-1 đến 31-12). Khi tờ khai được đăng ký cán bộ Hải quan phải ghi số đăng ký tờ khai lên góc phía bên trái tờ khai và đóng dấu "đã đăng ký" vào ô giữa tờ khai, cán bộ Hải quan khi tiếp nhận và đăng ký tờ khai phải ký và ghi rõ họ tên đồng thời đóng dấu đã đăng ký tờ khai.
- Khi tiếp nhận tờ khai, phải kiểm tra xem chủ hàng và hàng hoá có đúng là đối tượng được phép xuất nhập khẩu tiểu ngạch không. Nếu đúng thì tiếp nhận và cho đăng ký tờ khai. Trường hợp có ý kiến khác nhau khi xác nhận đối tượng là tiểu ngạch hay chính ngạch thì cần có sự bàn bạc để thống nhất. Nếu không thống nhất được phải lập biên bản và trưởng trạm liên ngành tại cửa khẩu sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau đó Trưởng trạm liên ngành thay mặt các thành viên báo cáo với các ngành hữu quan để bàn bạc thống nhất cách giải quyết. Đồng thời các thành viên của trạm có trách nhiệm phản ánh kịp thời lên cấp trên trực tiếp thuộc ngành mình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Sau khi đăng ký, tờ khai được chuyển cho bộ phận kiểm tra hàng.
- Thủ tục kiểm tra Hải quan:
+ Chủ hàng có trách nhiệm xuất trình và tự tháo mở các kiện hàng hoá của mình để Hải quan kiểm tra tại nơi quy định theo yêu cầu của Hải quan;
+ Cán bộ nhân viên Hải quan kiểm tra thực tế hàng trước sự chứng kiến của chủ hàng, bằng cách đối chiếu thực tế hàng hoá với tờ khai về tên hàng, số lượng, trọng lượng, quy cách phẩm chất hàng.
Người kiểm tra phải ghi kết quả kiểm tra và ký, ghi rõ họ và tên trên cả 3 tờ khai, thông báo cho chủ hàng biết để ký xác nhận kết quả kiểm hoá. Sau đó căn cứ vào bảng giá do Bộ Tài chính ban hành hoặc bảng giá của địa phương đã được Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan chấp nhận để xác định giá tính thuế và thuế suất của từng loạt hàng vào tờ khai. Đối với những loại hàng chưa có giá trong bảng giá thì kết hợp với cán bộ cục thuế để xây dựng giá tính thuế, theo nguyên tắc quy định tại quyết định số 340-TC/TCT ngày 1 tháng 8 năm 1992 của Bộ Tài chính.
3- Trách nhiệm của cán bộ thuế: