Thông tư liên tịch 36/2011/TTLT-BYT-BQP hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 36/2011/TTLT-BYT-BQP
Ngày ban hành 17/10/2011
Ngày có hiệu lực 22/12/2011
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng,Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên,Lê Hữu Đức
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ - BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 36/2011/TTLT-BYT-BQP

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC KHÁM SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Căn cứ Luật Nghĩa vụ Quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; đã được sửa đổi, bổ sung ngày 21 tháng 12 năm 1990; sửa đổi, bổ sung ngày 22 tháng 6 năm 1994; sửa đổi, bổ sung ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, bao gồm: Kiểm tra sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe, giám định sức khỏe và quản lý sức khỏe công dân Việt Nam trong độ tuổi được gọi làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ; quân nhân dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội (sau đây gọi tắt là quân nhân dự bị) và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, phân loại, kết luận sức khỏe đối với đối tượng là quân nhân dự bị.

2. Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ bộ sức khỏe đối với đối tượng là công dân được gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trước mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.

3. Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với các đối tượng là công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự.

4. Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận lại sức khỏe đối với đối tượng là chiến sĩ mới nhập ngũ.

5. Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc sử dụng phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ để khám, kết luận về tình trạng sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo.

6. Hồ sơ sức khỏe nghĩa vụ quân sự là tài liệu về tình hình sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, bao gồm phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự và các tài liệu liên quan đến sức khỏe.

7. Phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự là tài liệu y khoa tổng hợp những thông tin cơ bản về sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự.

Điều 3. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Kinh phí bảo đảm cho việc khám sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, giám định sức khỏe, làm các xét nghiệm cho công dân thuộc diện thực hiện nghĩa vụ quân sự được sử dụng từ ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành.

Chương II

KHÁM SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Điều 4. Kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

1. Nội dung kiểm tra sức khỏe:

a) Kiểm tra về thể lực.

b) Lấy mạch, huyết áp.

[...]