Thông tư liên tịch 216/2004/TTLT-BTCQT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính Đảng do Ban Tài chính-Quản trị Trung ương - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 216/2004/TTLT-BTCQT-BTC
Ngày ban hành 29/03/2004
Ngày có hiệu lực 01/01/2004
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tài chính-Quản trị Trung ương,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng,Đặng Hữu Hải
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

LIÊN TỊCH
BAN TÀI CHÍNH-QUẢN TRỊ TW - BỘ TÀI CHÍNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 216/2004/TTLT-BTCQT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2004

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐẢNG

Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX;
Căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ngân sách Nhà nước.
Liên tịch Bộ Tài chính – Quản trị Trung ương và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính đảng như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tài chính, tài sản của Đảng Cộng sản Việt Nam do Đảng thống nhất quản lý, điều hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ kết hợp với phân cấp quản lý, đảm bảo tính độc lập tự chủ trong công tác quản lý ngân sách nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ của từng cấp ủy và của toàn Đảng.

2. Trung ương Đảng quy định thống nhất nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng. Các cấp ủy Đảng chịu trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản của cấp mình và chịu sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Ban Tài chính – Quản trị Trung ương, Văn phòng hoặc Ban Tài chính – Quản trị các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện chức năng cơ quan tài chính của cấp ủy các cấp thừa ủy quyền cấp ủy làm chủ sở hữu tài sản của Đảng.

3. Ngân sách nhà nước các cấp có trách nhiệm đảm bảo cân đối kinh phí cho hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam:

- Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các cơ quan Đảng ở trung ương;

- Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí cho hoạt động của các cấp ủy và các cơ quan của cấp ủy ở địa phương theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Sở Tài chính phối hợp với Văn phòng hoặc Ban Tài chính – Quản trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Ủy ban nhân dân và Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy xây dựng phương án phân cấp ngân sách cho các huyện ủy, quận ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo một trong hai phương án sau đây:

+ Huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh là đơn vị dự toán thuộc ngân sách đảng cấp tỉnh.

+ Huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh là đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp huyện.

- Kinh phí hoạt động của đảng ủy xã, phường, thị trấn; tổ chức Đảng các cấp thực hiện theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 84-QĐ/TW ngày 01/10/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng và thông tư liên tịch của Ban Tài chính – Quản trị Trung ương và Bộ Tài chính hướng dẫn.

4. Các cơ quan tài chính đảng và các đơn vị dự toán trực thuộc mở tài khoản tiền gửi tại kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Cơ quan tài chính nhà nước các cấp thực hiện việc cấp kinh phí đảm bảo chi cho hoạt động thường xuyên của Đảng bằng hình thức lệnh chi tiền;

Các nguồn kinh phí khác (chi đầu tư xây dựng cơ bản, nghiên cứu khoa học, chương trình mục tiêu quốc gia, …) thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

5. Niên độ thực hiện ngân sách đảng theo niên độ ngân sách Nhà nước.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. NGUỒN THU VÀ NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH ĐẢNG:

1.1. Nguồn thu của ngân sách Đảng:

1.1.1. Thu nội bộ:

a. Các nguồn thu cân đối vào chi thường xuyên:

- Thu sự nghiệp từ các đơn vị sự nghiệp (xuất bản báo, tạp chí và các đơn vị sự nghiệp khác).

- Thu khác (Thu thanh lý tài sản cố định, các khoản thu ủng hộ, biếu tặng …)

b. Các nguồn thu không cân đối vào chi thường xuyên:

- Thu đảng phí: Số thu đảng phí của các cấp ngân sách đảng được quản lý, sử dụng theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 09-QĐ/TW ngày 24/9/2001 của Bộ Chính trị.

- Thu từ các doanh nghiệp của Đảng (trừ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước theo luật định). Khoản thu này chỉ dùng lập quỹ dự trữ của Đảng ở các cấp; việc quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định của Trung ương Đảng.

1.1.2. Kinh phí bố trí dự toán năm trước chưa thực hiện chuyển sang (nếu có).

[...]