Thông tư liên tịch 161/1998/TTLT/TC-GTVT chế độ quản lý tài chính và chế độ cấp phát thanh toán đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt do Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 161/1998/TTLT/TC-GTVT
Ngày ban hành 16/12/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Bộ Tài chính
Người ký Đào Đình Bình,Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 161/1998/TTLT/TC-GTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 161/1998/TTLT/TC-GTVT NGÀY 16-12-1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT THANH TOÁN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬA CHỮA CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT 

Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích;
Căn cứ Thông tư số 06/TC/TCDN ngày 24/02/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích;
Căn cứ quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập các doanh nghiệp công ích trong ngành đường sắt;
Căn cứ đặc thù về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt;
Liên bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và chế độ quản lý, cấp phát thanh toán đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt (gọi tắt là doanh nghiệp công ích đường sắt) thuộc Liên hiệp đường sắt Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập theo các tiêu thức được quy định tại Điều 1 và Điều 2 - Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1998 của Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ, đặt hàng và uỷ quyền cho Liên hiệp đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ký kết các hợp đồng, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu khối lượng quản lý, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt cho các doanh nghiệp công ích đường sắt.

2. Doanh nghiệp công ích đường sắt được nhà nước giao vốn, tài sản và nhân lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy tu, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường sắt theo các định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

3. Đối với các tài sản là đối tượng thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp công ích đường sắt quản lý như: Hệ thống cầu, đường, hầm (cầu, hầm, đường chính tuyến, đường trong ga, ghi, cầu cạn, kè, tường rào đường sắt, cống các loại, thiết bị cố định dọc tuyến như biển báo, cọc mốc chỉ giới, chòi ghi, chòi gác chắn và các thiết bị gác chắn đường ngang); Các thiết bị thuộc hệ thống thông tin tín hiệu (tín hiệu ra vào ga, hệ thống cáp tín hiệu, thiết bị khống chế chạy tàu, hệ thống điều khiển và khống chế tập trung, hệ thống các đường truyền tải, hệ thống nguồn, các trạm tổng đài); Hệ thống kiến trúc nhà ga (nhà làm việc, nhà khách đợi tàu, nhà bán vé, nhà kho hành lý, hàng hoá, ke ga, cánh dơi, bãi hàng, chòi ghi, chòi gác chắn và các thiết bị gác chắn đường ngang) doanh nghiệp không phải trích khấu hao cơ bản, chỉ xác định và theo dõi mức hao mòn theo quy định tại khoản 1,2 Điều 19 - Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định 1062/TC/QĐ/CSTC ngày 14/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

4. Doanh ngiệp công ích đường sắt tổ chức hạch toán theo chế độ kế toán doanh nghiệp và thực hiện nộp thuế và các khoản thu Ngân sách nhà nước theo quy định của Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích.

5. Doanh nghiệp công ích đường sắt không phải nộp tiền thu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, không phải nộp tiền thuê sử dụng đất đối với phần diện tích đất gắn liền với các tài sản là đối tượng thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt nêu tại điểm 3 trên đây, trường hợp doanh nghiệp công ích đường sắt sử dụng diện tích đất đó vào kinh doanh dịch vụ thì phải trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

6. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ công ích Nhà nước giao, các doanh nghiệp công ích đường sắt có quyền tận dụng đất đai, cảnh quan, vốn và tài sản Nhà nước do doanh nghiệp quản lý để tổ chức hoạt động kinh doanh thêm phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường với các điều kiện:

- Được Bộ Giao thông vận tải cho phép bằng văn bản;

- Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt được nhà nước giao;

- Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định hiện hành;

- Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh ngoài nhiệm vụ công ích;

- Thưc hiện nghĩa vụ nộp thuế với phần hoạt động kinh doanh ngoài nhiệm vụ công ích theo quy định của pháp luật.

II- QUẢN LÝ SỬ DỤNG VỐN,TÀI SẢN TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG ÍCH ĐƯỜNG SẮT:

1. Việc đầu tư, huy động vốn, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, Mục II - Thông tư 06 TC/TCDN ngày 24 tháng 02 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích.

2. Chuyển nhượng cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản:

- Việc chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp công ích đường sắt phải được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp công ích đường sắt không được cầm cố, thế chấp, cho thuê, nhượng bán các tài sản cố định thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt.

- Doanh nghiệp công ích đường sắt được nhượng bán những tài sản không cần dùng, lạc hậu kỹ thuật để thu hồi vốn tái đầu tư. Khi nhượng bán, doanh nghiệp phải thành lập hội đồng định giá lại và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. Thành phần hội đồng gồm có: Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng kỹ thuật và một số chức danh khác theo yêu cầu cụ thể của đơn vị.

- Khoản chênh lệch giữa tiền thu được do nhượng bán tài sản với giá trị còn lại của tài sản và chi phí nhượng bán được hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đối với tài sản cho thuê, doanh nghiệp vẫn phải trích khấu hao theo quy định và theo dõi riêng để thu hồi khi hết hạn.

- Không được cầm cố, thế chấp, cho thuê đối với các tài sản đi mượn, đi thuê, nhận giữ hộ, nhận cầm cố, nhận thế chấp... của doanh nghiệp khác.

3. Thanh lý tài sản: Doanh nghiệp công ích đường sắt được thanh lý những tài sản kém, mất phẩm chất, lạc hậu kỹ thuật, không còn nhu cầu sử dụng, tài sản hư hỏng không thể phục hồi được, tài sản đã hết thời gian sử dụng.

3.1 Đối với các tài sản cố định thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt: Khi thanh lý phải được Bộ Giao thông vận tải và cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cho phép bằng văn bản.

Sau khi thanh lý, căn cứ giá trị còn lại, hạch toán giảm vốn kinh doanh trên sổ kế toán. Khoản chênh lệch giữa số tiền thu được do nhượng bán tài sản cố định thanh lý và chi phí thanh lý phải nộp ngân sách Nhà nước (hoặc được bổ sung kinh phí cho sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt nếu được Bộ Tài chính cho phép).

3.2 Đối với tài sản cố định khác, việc thanh lý được thực hiện như đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh.

[...]