Thông tư liên tịch 16-TT-LB năm 1990 hướng dẫn Quyết định 317-CT về chấn chỉnh quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các đơn vị kinh tế quốc doanh do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 16-TT-LB
Ngày ban hành 05/11/1990
Ngày có hiệu lực 01/09/1990
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy,Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TT-LB

Hà Nội , ngày 05 tháng 11 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH SỐ 16-TT-LB NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 317-CT NGÀY 01 - 9 - 1990 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG TRONG CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH

Thi hành quyết định số 317-CT ngày 01-9-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, liên bộ lao động Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1- Mọi sản phẩm, dịch vụ phải có định mức lao động và đơn giá tiền lương. Đơn giá tiền lương do đơn vị xây dựng và được cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp đối với những sản phẩm chủ yếu. Các sản phẩm còn lại, sản phẩm phụ, sản phẩm mới sẽ do đơn vị quyết định nhưng phải được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước để giám sát và đăng ký với ngân hàng để tạo nguồn tiền mặt trả lương cho công nhân viên chức. Tiền lương thực hiện tuỳ thuộc vào kết quả sản xuất - kinh doanh của đơn vị.

2- Đơn giá tiền lương của sản phẩm được xác định trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được xác định là tiên tiến và hợp lý (phương pháp xây dựng định mức lao động cho đơn vị sản phẩm theo hướng dẫn tại Thông tư số 26-TT của Bộ Lao động) và tính theo đúng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 19 tháng 8 năm 1985 và Quyết định số 202-HĐBT ngày 18 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng.

3- Khi có sự thay đổi về định mức lao động, chế độ tiền lương và các loại phụ cấp lương, điều kiện sản xuất, điều kiện lao động, chất lượng sản phẩm, kết cấu sản phẩm thì xác định lại đơn giá tiền lương.

4- Đơn giá tiền lương được điều chỉnh theo tình hình biến động của giá cả thị trường trong từng thời kỳ.

5- Quỹ tiền thưởng của đơn vị được trích từ lợi nhuận sau khi làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách và theo mức khống chế quy định của Nhà nước.

6- Tiền lương, tiền thưởng của giám đốc đơn vị phải trên cơ sở hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tối đa không quá ba lần tiền lương, tiền thưởng bình quân của công nhân viên chức trong đơn vị.

II- CÁC PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG

1- Đơn giá tiền lương tính theo mức chi phí tiền lương của đơn vị sản phẩm.

Mức chi phí tiền lương của đơn vị sản phẩm bằng tổng đơn giá trả lương theo sản phẩm và tổng số tiền lương trả theo thời gian và tiền lương chức vụ của cán bộ nhân viên quản lý sau khi đã cộng tiếp các hệ số bổ sung nói ở điểm d vào những hệ số phụ cấp lương đã tính ở các điểm a, b, c dưới đây.

Cụ thể là:

a) Tính tổng đơn giá trả lương sản phẩm ở các nguyên công, công đoạn trong quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm (cá nhân hay tổ đội) bao gồm các tham số sau đây:

+ Mức lương theo cấp bậc công việc, (mức lương bình thường hoặc mức lương độc hại), mức lương đặc biệt độc hại tuỳ theo từng công việc được hưởng.

+ Định mức lao động (định mức sản lượng, định mức thời gian).

+ Hệ số các loại phụ cấp lương (tuỳ theo từng công việc, từng đối tượng và mức độ được hưởng theo quy định của Nhà nước) tính trên lương cấp bậc, phụ cấp độc hại, khó khăn nguy hiểm, phụ cấp lưu động, phụ cấp làm đêm và hệ số trượt giá của các mặt hàng định lượng trong lương tối thiểu do Hội đồng Bộ trưởng công bố hoặc do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (nếu được uỷ quyền) công bố cho từng thời gian sau khi thống nhất với các cơ quan chức năng như Tổng cục thống kê, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính... Trước mắt hệ số trượt giá thi hành trong quý IV/1990 là 50% (kể cả tiền bù điện hoặc dầu thắp sáng).

b) Tính tổng số tiền lương trả theo thời gian cho công nhân chính và phụ trợ ở những khâu còn lại trong dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm tại đơn vị nhưng không có điều kiện trả lương theo sản phẩm, bao gồm các tham số sau đây:

+ Mức lương cấp bậc của công nhân xác định ở mỗi khâu công việc;

+ Số thời gian làm ở mỗi khâu công việc;

+ Hệ số các loại phụ cấp lương như ở điểm a trên đây.

c) Tính tiền lương chức vụ của cán bộ nhân viên quản lý bao gồm các tham số sau đây:

+ Mức lương chức vụ tính bình quân cho tổng số cán bộ, nhân viên bộ máy quản lý;

+ Định mức lao động quản lý;

+ Hệ số các loại phụ cấp lương như nói ở điểm a trên đây.

d) Tính tổng số các hệ số bổ sung chung:

+ Hệ số các loại phụ cấp lương còn lại không tính vào đơn giá trả lương theo sản phẩm cho công nhân, trả lương tương đối ổn định cho một số đối tượng theo thời gian và mức độ được hưởng khác nhau giữa các cá nhân, tính trên cơ sở so sánh tổng số tiền phụ cấp (phụ cấp thâm niên đặc biệt, thâm niên vượt khung, trách nhiệm thu hút về cơ sở sản xuất) với tổng quỹ lương cấp bậc của đơn vị;

[...]