Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên tịch 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN hướng dẫn khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ tai nạn lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN
Ngày ban hành 08/03/2005
Ngày có hiệu lực 29/03/2005
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Y tế,Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Cù Thị Hậu,Nguyễn Thị Hằng,Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ  XÃ HỘI - BỘ Y TẾ - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số: 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN

Hà Nội,  ngày 08 tháng 03 năm 2005

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, LẬP BIÊN BẢN, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ TAI NẠN LAO ĐỘNG.

Thi hành Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động và Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ, liên tịch Bộ Lao động - Th­ương binh và Xã hội, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hư­ớng dẫn việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thông kê và báo cáo định kỳ tai nạn lao động như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng 

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động bao gồm:

1.1. Công ty thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước;

1.2. Công ty thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

1.3. Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

1.4. Doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị  xã hội;

1.5. Hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác;

 1.6. Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

 1.7. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; kể cả các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, các hội quần chúng tự  trang trải về tài chính;

1.8. Cơ sở bán công, tư nhân thuộc các ngành văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, thể dục thể thao và các ngành sự nghiệp khác; 

1.9. Trạm y tế xã, phư­ờng, thị trấn;

1.10. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trừ trường hợp điều ­ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

Các đối tượng nêu trên sau đây gọi tắt là cơ sở.

2. Tai nạn lao động và phân loại tai nạn lao động

2.1. Tai nạn lao động

a) Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây tổn th­ương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể Người lao động hoặc gây tử vong trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động kể cả trong thời gian khác theo quy định của Bộ luật Lao động như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dư­ỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị, kết thúc công việc tại nơi làm việc.

b) Những trường hợp sau được coi là tai nạn lao động: Tai nạn xảy ra đối với Người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc từ nơi làm việc về nơi ở vào thời gian và tại địa điểm hợp lý (trên tuyến đường đi và về thường xuyên hàng ngày) hoặc tai nạn do những nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp rủi ro khác gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động.

2.2. Phân loại tai nạn lao động

a) Tai nạn lao động chết Người: Người bị tai nạn chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn; chết trên đường đi cấp cứu; chết trong thời gian cấp cứu; chết trong thời gian đang điều trị; chết do tái phát của chính vết th­ương do tai nạn lao động gây ra trong thời gian được quy định tại tiết i điểm 3.1 Mục II của Thông tư này.

b) Tai nạn lao động nặng: Người bị tai nạn bị ít nhất một trong những chấn th­ương được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Tai nạn lao động nhẹ: Người bị tai nạn không thuộc 2 loại tai nạn lao động nói trên.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Khai báo tai nạn lao động

1.1. Tất cả các vụ tai nạn lao động xảy ra, Người bị tai nạn lao động hoặc Người cùng làm việc (người lao động, người quản lý), người biết sự việc phải báo ngay cho Người sử dụng lao động của cơ sở biết để kịp thời khai báo theo quy định của Thông tư này.

[...]