Thông tư liên tịch 12/TTLB/LĐTBXH-TC năm 1996 hướng dẫn chế độ trợ cấp đối với người được đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định 20/CP ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 1995 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 12/TTLB/LĐTBXH-TC |
Ngày ban hành | 07/06/1996 |
Ngày có hiệu lực | 07/06/1996 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính |
Người ký | Nguyễn Thị Hằng,Tào Hữu Phùng |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/TTLB/LĐTBXH-TC |
Hà Nội , ngày 07 tháng 6 năm 1996 |
Thi hành Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ ban hành Qui chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995; sau khi trao đổi ý kiến thống nhất với Bộ Y tế tại công văn số 3093/PC ngày 24/4/1996. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính dẫn thực hiện một số điều về trợ cấp cho người nghiện ma túy, người mại dâm tại các Cơ sở chữa bệnh như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng trợ cấp là đối tượng quy định tại Điều 3 của Qui chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995.
2. Đối tượng và phạm vi không áp dụng là đối tượng quy định tại Điều 26 của Quy chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995.
1. Trợ cấp tiền thuốc điều trị:
Người nghiện ma túy, người mại dâm được trợ cấp tiền thuốc điều trị như sau:
1.1. Người nghiện ma túy: 250.000đ/người cho cả đợt điều trị bao gồm: Tiền thuốc cắt cơn, thuốc chống rối loạn sinh học, thuốc cấp cứu, thuốc bổ (nếu cần) và chi phí xét nghiệm chất ma túy. (Trong đó tiền thuốc cắt cơn tối đa không quá 70.000đ/người cho cả đợt điều trị cắt cơn).
1.2. Người mại dâm: 80.000đ/người cho cả đợt điều trị bao gồm tiền thuốc chữa bệnh lây truyền qua đường sinh dục, thuốc thông thường và chi phí xét nghiệm (nếu cần).
2. Trợ cấp tiền học nghề:
Người nghiện ma túy, người mại dâm nếu chưa có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không phù hợp thì được hỗ trợ kinh phí học nghề là 240.000đ/người cho một khoá học. Kinh phí này chỉ hỗ trợ cho đối tượng một lần (lần đầu), không hỗ trợ cho những đối tượng vào Cơ sở chữa bệnh từ lần thứ hai trở đi.
3. Trợ cấp tiền mua sắm vật dụng cá nhân:
Người nghiện ma túy, người mại dâm có hoàn cảnh quá khó khăn khi mới đưa vào Cơ sở chữa bệnh được hỗ trợ để mua sắm vật dụng cá nhân thiết yếu là 50.000đ/người cho cả đợt.
4. Trợ cấp tiền ăn:
Người nghiện ma túy, người mại dâm phải thanh toán tiền ăn theo mức 84.000đ/tháng/người.
Trường hợp hoàn cảnh quá khó khăn được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận hoặc vì điều kiện sức khoẻ, bệnh tật không có khả năng tham gia lao động hoặc lao động không đủ định mức thì được hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng đầu bằng 70% tiền lương tối thiểu (84.000đ/người/tháng), sau đó nếu chưa có nguồn thu nhập nào khác để đảm bảo đời sống thì được hỗ trợ tiền ăn trong 3 tháng tiếp theo bằng 50% tiền lương tối thiểu (60.000đ/người/tháng).
5. Chi phí Y tế:
5.1. Người nghiện ma túy, người mại dâm bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của Cơ sở chữa bệnh được điều trị tại bệnh viện của Nhà nước, mọi chi phí y tế trong thời gian nằm viện đối tượng phải tự thanh toán. Trường hợp chi phí y tế quá lớn, vượt quá khả năng thanh toán của đối tượng, nếu đối tượng có đơn đề nghị được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt thì được hỗ trợ một phần chi phí y tế, nhưng không vượt quá 50% mức chi phí y tế mà đối tượng phải thanh toán. Trường hợp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng thanh toán, có đơn đề nghị được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt thì được trợ cấp 100% cho chi phí y tế trong thời gian nằm viện.
Chi phí y tế bao gồm: Tiền thuốc chữa bệnh thông thường, viện phí (nếu có), nhưng mức chi phí tối đa không quá 500.000đ/người.
5.2. Trường hợp người nghiện ma túy, người mại dâm được đưa vào cơ sở chữa bệnh bị thương do tai nạn lao động thì Cơ sở chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí y tế từ sơ cứu cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật cho người bị tai nạn lao động. Kinh phí chi cho khoản này lấy từ quỹ lao động sản xuất của Cơ sở chữa bệnh.
6. Trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe:
Người nghiện ma túy, người mại dâm, sau khi chấp hành xong quyết định tại Cơ sở chữa bệnh có hoàn cảnh quá khó khăn hoặc không có thu nhập từ kết quả lao động tại Cơ sở chữa bệnh thì được Giám đốc Cơ sở chữa bệnh xét trợ cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe để trở về quê hương hoặc nơi cư trú sinh sống, tái hòa nhập cộng đồng cụ thể như sau:
6.1. Trợ cấp tiền ăn đường: Mức trợ cấp được tính là 10.000đ/ngày. Số ngày được hưởng trợ cấp tính theo ngày đi đường của phương tiện giao thông thông thường (ôtô, tàu hỏa, ca nô) từ cơ sở chữa bệnh về nơi cư trú của đối tượng. Thời gian tối đa không quá 5 ngày.
6.2. Trợ cấp tiền tàu xe: mức trợ cấp được tính theo giá cước phương tiện vận tải thông thường của ngành giao thông vận tải quốc doanh quy định (ô tô, tàu hỏa, ca nô, tàu chạy ven biển). Trường hợp không có phương tiện giao thông của Nhà nước mà phải đi bằng các phương tiện giao thông vận tải của tư nhân thì được thanh toán bằng giá cước của một trong những loại phương tiện giao thông vận tải quốc doanh thông thường nhưng mức trợ cấp tối đa không quá 400.000đ/người (chỉ cấp một lượt về).
7. Chi phí mai táng:
Người nghiện ma túy, người mại dâm trong thời gian chấp hành quyết định tại Cơ sở chữa bệnh bị chết mà không có ai là thân nhân hoặc thân nhân không đến kịp hoặc chết do tai nạn lao động thì người lo chôn cất được trợ cấp tiền mai táng phí là 960.000đ/người.