Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên tịch 01/1999/TTLT-BKH-BTC-BLĐTB&XH về việc kế hoạch hoá việc lồng ghép các chương trình, dự án tham gia thực hiện xoá đói giảm nghèo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính - Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 01/1999/TTLT-BKH-BTC-BLĐTBXH
Ngày ban hành 15/03/1999
Ngày có hiệu lực 30/03/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng,Nguyễn Thị Hằng,Trần Xuân Giá
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/1999/TTLT-BKH-BTC-BLĐTBXH

Hà Nội , ngày 15 tháng 3 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 01/1999/TTLT-BKH-BTC-BLĐTB&XH NGÀY 15 THÁNG 3 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN KẾ HOẠCH HOÁ VIỆC LỒNG GHÉP CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THAM GIA THỰC HIỆN XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO

Thực hiện Điều 2, điểm 4 tại Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, liên bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn kế hoạch hoá việc lồng ghép các Chương trình, Dự án tham gia thực hiện xoá đói giảm nghèo như sau:

I. KẾ HOẠCH HOÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THAM GIA THỰC HIỆN XĐGN

A. KHÁI NIỆM VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THAM GIA THỰC HIỆN XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO (XĐGN)

Các chương trình, dự án có các mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn lực mà người nghèo, xã nghèo trực tiếp được hưởng lợi được gọi là các chương trình, dự án tham gia thực hiện XĐGN.

Theo khái niệm trên trong giai đoạn 1998 - 2000 có 21 chương trình, dự án trong nước và hợp tác quốc tế, tham gia thực hiện XĐGN (chi tiết cụ thể từng chương trình xem phụ lục: 01 kèm theo).

B. KẾ HOẠCH HOÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THAM GIA THỰC HIỆN XĐGN

Việc kế hoạch hoá các chương trình, dự án tham gia thực hiện XĐGN nhằm mục đích phối hợp các nguồn lực của từng chương trình, dự án khác nhau hướng vào mục tiêu chung là XĐGN. Quy trình kế hoạch hoá được thực hiện như sau:

1. Ở cấp tỉnh, thành phố

- Hàng năm vào giai đoạn xây dựng kế hoạch (tháng 8, tháng 9), UBND tỉnh, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn, làm đầu mối có sự phối hợp của Sở Tài chính - Vật giá, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các Sở chuyên ngành đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động của các chương trình trên địa bàn của năm báo cáo và xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực của năm kế hoạch bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước (vốn đầy tư xây dựng và kinh phí sự nghiệp) vốn vay tín dụng và vốn hợp tác quốc tế kể cả vốn vay và viện trợ không hoàn lại (nếu có) của từng chương trình hoạt động trên địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố quản lý. Trong đó có phần nguồn lực của từng chương trình dành trực tiếp cho XĐGN theo các mục tiêu, nhiệm vụ và cách tính (nêu ở Phụ lục: 02). Văn bản kế hoạch được trình UBND tỉnh, thành phố thông qua và gửi về Bộ quản lý chương trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

2. Ở cấp Trung ương.

Hàng năm vào giai đoạn tổng hợp kế hoạch (tháng 9, tháng 10), Bộ quản lý chương trình có trách nhiệm đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, hoạt động của chương trình năm báo cáo và căn cứ vào ý kiến đề xuất của các tỉnh, thành phố tiến hành xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn lực của chương trình năm kế hoạch bao gồm nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (vốn đầu tư XDCB, kinh phí sự nghiệp) vốn vay và viện trợ nước ngoài, vốn tín dụng (nếu có) và vốn huy động nhân dân tham gia đóng góp theo các quy định hiện hành. Đồng thời xác định nguồn lực của chương trình tham gia trực tiếp vào XĐGN (theo các mục tiêu, nhiệm vụ và cách tính đã được quy định ở (Phụ lục: 2). Văn bản trên được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

- Sau khi nhận được văn bản của Bộ quản lý chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp các mục tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động của các chương trình phải thực hiện trong năm kế hoạch, dự kiến kế hoạch cân đối vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho từng chương trình và tổng hợp vào kế hoạch Ngân sách chung để trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội thông qua.

- Khi đã được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính thông báo các chỉ tiêu về mục tiêu và nguồn lực của chương trình cho Bộ quản lý chương trình để phân bổ cho Bộ, địa phương theo các dự án, các hoạt động của chương trình. Trong đó có phần vốn của chương trình dành trực tiếp cho XĐGN đã được xác định (theo Phụ lục: 02).

Bộ quản lý chương trình phân bổ xong gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (phần vốn của chương trình dành cho XĐGN) để tổng hợp ghi vào kế hoạch chung của Bộ, ngành, địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện.

II. GIAO CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH

Hàng năm các chương trình sẽ giao ba loại chỉ tiêu cụ thể sau:

+ Mục tiêu của chương trình.

+ Vốn và cơ cấu vốn.

Trong đó: Phần vốn thực hiện xoá đói giảm nghèo.

+ Danh mục dự án (nếu chương trình có dự án) và khối lượng sản xuất (nếu có) và số xã nghèo được đầu tư.

1. Phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong việc giao kế hoạch.

a. Các chỉ tiêu do Chính phủ giao.

Chính phủ giao những chỉ tiêu có tính chất tổng hợp, bảo đảm cho chương trình đi đúng theo mục tiêu đã xác định. Các chỉ tiêu cụ thể giao cho từng dự án Chính phủ uỷ nhiệm cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giao. Nội dung cụ thể như sau:

- Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ quản lý chương trình và UBND tỉnh, thành phố chỉ tiêu tổng vốn của chương trình và uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Bộ quản lý chương trình và UBND tỉnh, thành phố các chỉ tiêu hướng dẫn sau:

+ Mục tiêu của chương trình

+ Khối lượng sản xuất (nếu có), danh mục dự án, số xã nghèo được đầu tư.

[...]