THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
825/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 825/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 9 NĂM
2002 VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VỀ TĂNG TRƯỞNG
VÀ XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO, CHƯƠNG TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ GIẢM NGHÈO VÀ CHƯƠNG TRÌNH
TÍN DỤNG HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và đầu tư và ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chiến lược toàn diện về Tăng trưởng và Xoá đói
giảm nghèo (sau đây gọi tắt là chiến lược CPRGS - Comprehesive Poverty
Reduction and Growth Strategy); Chương trình Tăng trưởng và giảm nghèo và
chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (sau đây gọi tát là các Chương trình
PRGF và PRSC - Poverty Reduction and Growth Facility & Poverty Reduction
Support Credit) để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược
và các chương trình này.
Điều 2.
Thành viên của Ban chỉ đạo gồm:
1. Trưởng Ban - Phó Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng.
2. Phó Trưởng Ban thường trực phụ
trách các Chương trình PRGF và PRSC - 01 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam.
3. Phó Trưởng ban phụ trách Chiến
lược CPRGS - 01 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư.
4. Các Uỷ viên - 01 Thứ trưởng của
các Bộ: Tài chính, Thương mại, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Tư
pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Y tế,
Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường,
Nội vụ; và 01 lãnh đạo của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc, Tổng
cục Thống kê, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Mời 01 lãnh đạo
Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham
gia Ban chỉ đạo.
Điều 3. Ban
chỉ đạo có nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu, đề xuất các chủ
trương, chính sách và nội dung thực hiện Chiến lược CPRGS và các Chương trình
PRGF và PRSC phù hợp với đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước trong từng thời kỳ; giúp Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan thảo luận với Quỹ tiền tệ Quốc
tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nhà tài trợ khác về các nội dung phát
sinh và biện pháp giải quyết trong tiến trình thực hiện Chiến lược và các
chương trình này.
2. Xây dựng và thực hiện chương
trình công tác để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung cam kết theo
đúng lịch trình của Chiến lược CPRGS và các chương trình PRGF và PRSC; đưa các
nội dung liên quan của chiến lược CPRGS và của các chương trình PRGF và PRSC
vào chương trình công tác của Chính phủ như là các công việc thường xuyên của
Chính phủ; xác định và triển khai cơ chế phối hợp xử lý những vấn đề liên
ngành.
3. Tổ chức điều phối giữa các
nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức liên quan khác trong việc hỗ trợ
thực hiện các mục tiêu và giải pháp trong chiến lược CPRGS ; kiểm tra, giám sát
việc thực hiện chiến lược CPRGS.
4. Tổng hợp tình hình và định kỳ
báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chiến lược CPRGS và các Chương
trình PRGF và PRSC và có các kiến nghị, đề xuất cần thiết.
Điều 4.
Giúp việc cho Ban chỉ đạo có hai tổ công tác liên ngành: Tổ công tác liên ngành
các chương trình PRGF và PRSC và Tổ công tác liên ngành chiến lược CPRGS.
1. Tổ công tác liên ngành các
chương trình PRGF và PRSC: do Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ cấp vụ và chuyên viên của các Bộ:
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngoại
giao, Tư pháp; và của các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban kinh tế
Trung ương Đảng (thành viên mới), Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thống kê và ban
chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
2. Tổ công tác liên ngành Chiến
lược CPRGS: do một cán bộ cấp Vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng; thành
viên là cán bộ cấp Vụ và chuyên viên của các Bộ, cơ quan liên ngành do Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan liên quan quyết định trên cơ sở đề nghị của Phó Trưởng ban
phụ trách chiến lược CPRGS.
3. Tổ công tác liên ngành các
Chương trình PRGF và PRSC và Tổ công tác liên ngành Chiến lược CPRGS có chức
năng như các ban quản lý chương trình/dự án, có chương trình, kế hoạch công
tác, có kinh phí hoạt động và được phép tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật để thực
hiện các nhiệm vụ của mình.
Điều 5.
Phân công công tác và nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo và hai tổ công
tác liên ngành:
1. Trưởng Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:
a. Tổ chức, điều hành hoạt động
của Ban chỉ đạo để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.
b. Được Thủ tướng Chính phủ uỷ
quyền để giải quyết các kiến nghị trong lĩnh vực thuộc phạm vi Chiến lược CPRGS
và các Chương trình PRGF và PRSC; quyết định việc phân công trách nhiệm cụ thể
và yêu cầu các Bộ, cơ quan hữu quan triển khai thực hiện các nội dung của chiến
lược và các chương trình này.
Trưởng ban chỉ đạo có nhóm giúp
việc gồm các cán bộ có liên quan của Văn phòng Chính phủ, làm việc theo chế độ
kiêm nhiệm, do 01 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm nhóm trưởng, Giao Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ra quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ
và chế độ làm việc của nhóm giúp việc.
2. Phó trưởng ban thường trực có
nhiệm vụ (chỉ liên quan đến các Chương trình PRGF và PRSC):
a. Giúp Trưởng ban chỉ đạo trong
việc điều hành việc triển khai nội dung công việc của Ban chỉ đạo; đề xuất, chuẩn
bị nội dung, chương trình công tác của Ban chỉ đạo, kiến nghị lên Trưởng ban chỉ
đạo việc triệu tập họp ban chỉ đạo và tổ chức các cuộc họp này.
b. Đôn đốc các thành viên Ban chỉ
đạo thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đã phân công, tổ chức phối hợp
công tác giữa các thành viên của Ban Chỉ đạo.
c. Chỉ đạo hoạt động của tổ công
tác liên ngành các Chương trình PRGF và PRSC và ký các văn bản liên quan để báo
cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo và quan hệ với các Bộ, cơ
quan, địa phương.
d. Thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo
chủ trì các cuộc họp và làm việc với các Bộ, Cơ quan địa phương để giải quyết
các vấn đề liên quan đến các Chương trình PRGF và PRSC và chủ trì các đợt làm
việc với IMF và WB để kiểm điểm các chương trình này theo sự uỷ quyền của Trưởng
Ban Chỉ đạo.
đ. Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.
3. Phó Trưởng Ban phụ trách Chiến
lược CPRGS có nhiệm vụ (chỉ liên quan đến Chiến lược CPRGS)
a. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo
các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện hoặc phối hợp thực hiện Chiến lược CPRGS.
b. Chỉ đạo hoạt động của Tổ công
tác liên ngành Chiến lược CPRGS và ký các văn bản liên quan để báo cáo Phó Thủ
tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và quan hệ với các Bộ, cơ quan, địa
phương.
c. Thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo
chủ trì các cuộc họp và làm việc với các Bộ, cơ quan, địa phương để giải quyết
các vấn đề liên quan đến Chiến lược CPRGS và chủ trì các cuộc làm việc với các
nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức có liên quan khác về Chiến lược
CPRGS.
d. Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.
4. Các Uỷ viên Ban Chỉ đạo làm
việc theo chế độ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ:
a. Chịu trách nhiệm trước Trưởng
Ban Chỉ đạo về việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung và cam kết của
Chiến lược CPRGS và của các Chương trình PRGF và PRSC thuộc chức năng quản lý của
Bộ, cơ quan mình và báo cáo kết quả cho Trưởng Ban chỉ đạo; trình bày các ý kiến
đề xuất của Bộ, cơ quan mình về các vấn đề trong quá trình triển khai Chiến lược
CPRGS và các Chương trình PRGF và PRSC và các vấn đề hợp tác với IMF và WB, các
nhà tài trợ khác để Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
b. Tham dự đầy đủ các cuộc hợp
và các công việc chung của Ban Chỉ đạo. Trường hợp không thể tham dự họp, Uỷ
viên phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc người chủ trì cuộc họp biết và phải gửi
ý kiến của mình tới Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm truyền đạt lại kết
quả cuộc họp cho Uỷ viên vắng mặt biết.
c. Phối hợp với các Bộ, cơ quan
khác và các địa phương trong việc thực hiện Chiến lược CPRGS và các Chương
trình PRGF và PRSC.
d. Chỉ định một cán bộ cấp Vụ và
một chuyên viên tham gia Tổ công tác liên ngành các Chương trình PRGF và PRSC
và cử người tham gia Tổ công tác liên ngành Chiến lược CPRGS (có thể tham gia cả
hai Tổ).
5. Tổ công tác liên ngành:
a. Tổ trưởng của từng Tổ công
tác liên ngành có nhiệm vụ điều phối công việc thường xuyên của Tổ công tác
liên ngành do mình làm Tổ trưởng; có quyền triệu tập các thành viên của tổ công
tác liên ngành do mình làm tổ trưởng tham dự các cuộc họp khi cần thiết và báo
cáo kết quả lên Phó Trưởng Ban thường trực và Phó Trưởng Ban phụ trách Chiến
lươc CPRGS; đề xuất việc triệu tập họp Ban Chỉ đạo trong trường hợp cần thiết.
b. Thành viên của hai Tổ công
tác liên ngành có nhiệm vụ: thực hiện vai trò đầu mối và điều phối viên cho các
Vụ, Cục hữu quan trong từng Bộ, cơ quan để thực hiện Chiến lược CPRGS và các
Chương trình PRGF và PRSC; tham gia đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác liên
ngành; tham gia vào công tác chung của Tổ công tác liên ngành và báo cáo với
lãnh đạo Bộ, cơ quan mình những vấn đề vướng mắc cần có ý kiến quyết định.
c. Các Tổ công tác liên ngành ọp
định kỳ hoặc bất thường theo triệu tập của Tổ trưởng căn cứ vào chương trình
công tác của an Chỉ đạo và thời gian biểu công tác của các phái đoàn IMF và WB
kiểm điểm việc thực hiện các Chương trình PRGS và PRSC, hoặc khi có những vấn đề
cần thảo luận với Văn phòng đại diện của IMF, WB tại Hà Nội và với các nhà tài
trợ khác.
d. Chuẩn bị các tài liệu, nội
dung và tiến hành làm việc ở cấp kỹ thuật (hoặc cấp chính sách nếu được mời hoặc
được uỷ nhiệm của Bộ, cơ quan) với các phái đoàn công tác của IMF và WB, hoặc với
các nhà tài trợ khác theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.
đ. Kiến nghị lên Ban Chỉ đạo quyết
định việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho công tác như tổ chức hội thảo, nghiên
cứu, mời cộng tác viên tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan.
e. Thực hiện các công việc khác
do Ban chỉ đạo giao.
Điều 6.
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo
được hỗ trợ bởi một phần lãi tiền gửi các khoản giải ngân theo các Chương trình
PRGF và PRSC giữ trên tài khoản ngân hàng trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của
Chính phủ về phương án sử dụng. Khoản tiền này sẽ được trích mỗi năm một lần và
không vượt quá 200 triệu đồng cho mỗi năm thực hiện các Chương trình, và 100
triệu đồng mỗi năm cho việc thực hiện Chiến lược CPRGS.
Cơ chế sử dụng cụ thể và quyết
toán khoản kinh phí trên sẽ được Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên
quan trình Trưởng Ban chỉ đạo quyết định, căn cứ theo chế độ tài chính hiện
hành và tuỳ theo khả năng nguồn tiền lãi thu được trên thực tế. Trong trường hợp
nguồn tiền lãi không đủ, Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để bù.
Điều 7.
Ban Chỉ đạo liên ngành tự giải thể sau khi hoàn thành xong việc thực hiện Chiến
lược CPRGS và các Chương trình PRGF và PRSC.
Điều 8.
Quyết định này thay thế Quyết định số 131/2001/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2001
của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành Chương trình
Tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo và Chương trình Tín dụng giảm nghèo, và có hiệu
lực kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.