Thông tư 56/2003/TT-BNN hướng dẫn thực hiện các Dự án thuộc Chương trình xoá đói giảm nghèo và việc làm do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 56/2003/TT-BNN
Ngày ban hành 09/04/2003
Ngày có hiệu lực 24/05/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Đình Thịnh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/2003/TT-BNN

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 56/2003/TT-BNN NGÀY 9 THÁNG 4 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO VÀ VIỆC LÀM DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHỈ ĐẠO

Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện các dự án được Thủ tướng Chính phủ phân công chỉ đạo trong Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg ngày 27/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 - 2005 như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi thực hiện các dự án:

- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo; Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề ở các xã nghèo; Ổn định dân di cư và xây dựng kinh tế mới ở các xã nghèo; Định canh định cư ở các xã nghèo chỉ thực hiện trên địa bàn các xã nghèo ngoài chương trình 135 theo danh sách được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được thực hiện cả trên địa bàn các xã thuộc chương trình 135 và các xã nghèo ngoài chương trình 135.

2. Về quy mô dự án: Trên cùng một địa bàn (tỉnh, huyện, xã hoặc liên xã) các địa phương có thể xây dựng dự án tổng thể của chương trình hoặc xây dựng các dự án độc lập tương ứng với danh mục các dự án theo Quyết định 143/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các quy định hiện hành tại các văn bản: Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Thông tư liên tịch số 666/2001/TTLT-BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 23/8/2001 của Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Uỷ ban dân tộc và Miền núi - Tài chính - Xây dựng hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng thuộc chương trình 135 để quyết định theo thẩm quyền. Sau khi duyệt các dự án, UBND các tỉnh, thành phố gửi báo cáo tổng hợp chung về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, bố trí kế hoạch và chỉ đạo thực hiện.

4. Nguồn vốn và cơ chế quản lý:

4.1. Nguồn vốn thực hiện các dự án trên bao gồm:

- Nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương).

- Nguồn kinh phí đóng góp (của các hộ gia đình, của cộng đồng).

- Nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (nếu có)

- Nguồn vốn tín dụng

4.2. Cơ chế quản lý, cấp phát và thanh quyết toán cụ thể đối với từng nguồn vốn của các dự án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách, các văn bản hướng dẫn luật, các văn bản pháp quy liên quan khác của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

II. NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Về xây dựng dự án: Các dự án cụ thể được xây dựng theo những nội dung chủ yếu sau:

1.1. Nội dung dự án định canh, định cư ở các xã nghèo:

a. Mục tiêu: Thực hiện ổn định sản xuất và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện định canh định cư; giải quyết tình trạng không có đất hoặc thiếu đất canh tác, chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy; hạn chế tình trạng di cư tự do.

b. Đối tượng: Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản, xã thuộc diện định canh định cư theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 140/1999/QĐ-BNN-ĐCĐC ngày 14/10/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c. Nội dung đầu tư:

- Hỗ trợ tạo quỹ đất canh tác nông nghiệp cho hộ (gồm: khai hoang, xây dựng đồng ruộng, làm ruộng bậc thang, xây dựng nương sản xuất cố định).

- Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật.

- Hỗ trợ vật tư chủ yếu (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y).

- Hỗ trợ cho hoạt động của cán bộ khuyến nông, khuyến lâm.

- Hỗ trợ mô hình chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn quy mô hộ, nhóm hộ gia đình.

- Hỗ trợ kinh phí sự nghiệp chuyển dân cho các hộ phải di chuyển do yêu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư theo chính sách hiện hành.

[...]