Thông tư liên ngành 03/TTLN năm 1995 hướng dẫn việc truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố và xét xử do Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 03/TTLN
Ngày ban hành 07/01/1995
Ngày có hiệu lực 07/01/1995
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký ***
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ NỘI VỤ-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/TTLN

Hà Nội , ngày 07 tháng 1 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

SỐ 03/TTLN NGÀY 7-1-1995 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ NỘI VỤ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRUY NÃ BỊ CAN, BỊ CÁO TRONG GIAI ĐOẠN TRUY TỐ VÀ XÉT XỬ 

Tại mục IV Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 12-1-1989 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đã hướng dẫn về truy nã bị can, bị cáo. Tuy nhiên, sự hướng dẫn đó còn chưa đầy đủ, do đó, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ thống nhất hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy nã bị can, bị cáo như sau:

1. Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện kiểm sát mà bị can bỏ trốn, thì Viện kiểm sát áp dụng điểm b khoản 2 Điều 143b Bộ luật tố tụng hình sự yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can.

Theo tinh thần quy định tại Điều 65 Bộ Luật tố tụng hình sự thì sau khi bắt được bị can hoặc nhận người bị bắt, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và thông báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh truy nã.

Để đảm bảo việc giam, giữ người phải có lệnh, thì sau khi lấy lời khai cơ quan điều tra áp dụng Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự ra lệnh tạm giữ đối với bị can và giải ngay người đó đến trại giam gần nhất. Trại giam có trách nhiệm tiếp nhận và giam giữ bị can. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra về kết quả truy nã bắt được bị can, thì Viện kiểm sát đã yêu cầu truy nã phải ra ngay quyết định tạm giam đối với bị can và tiếp tục tiến hành các công việc theo thủ tục chung nhằm bảo đảm việc giam giữ người bị truy nã theo đúng pháp luật.

Nếu hết thời hạn quy định tại Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự mà việc truy nã bị can vẫn chưa có kết quả thì Viện kiểm sát áp dụng điểm b khoản 2 Điều 143b Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố bị can nhưng chưa giao bản cáo trạng cho bị can mà bị can bỏ trốn, thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can. Nếu hết thời hạn quy định tại Điều 142 Bộ luât tố tụng hình sự mà việc truy nã bị can vẫn chưa có kết quả thì Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Theo tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 143b Bộ luật tố tụng hình sự, cần lưu ý rằng đối với các trường hợp trên đây mà trong vụ án có nhiều bị can, trong đó có bị can bỏ trốn, có bị can không bỏ trốn, thì Viện kiểm sát chỉ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can đang bỏ trốn, còn đối với bị can không bỏ trốn, thì vẫn tiến hành các công việc theo thủ tục chung.

Trong trường hợp Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố bị can và đã giao bản cáo trạng cho bị can nhưng chưa chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án mà nhận được thông tin về việc bị can bỏ trốn, thì Viện kiểm sát vẫn chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án để thụ lý, xét xử và thông báo cho Toà án biết việc bị can đã bỏ trốn để Toà án yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can.

2. Trong trường hợp nhận được thông báo của Viện kiểm sát về việc bị can bỏ trốn sau khi đã được giao bản cáo trạng không phân biệt hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Toà án hay chưa cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu bị can bỏ trốn thì Toà án yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can và vẫn tiến hành các công việc theo thủ tục chung. Khi bắt được bị can, cơ quan điều tra và trại tạm giam cần thực hiện theo đúng thủ tục như đã hướng dẫn tại đoạn 2 điểm 1 Thông tư này. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra về kết quả truy nã là đã bắt được bị can, thì Toà án ra ngay quyết định tạm giam đối với bị can.

Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 151 Bộ luật tố tụng hình sự mà việc truy nã bị can vẫn chưa có kết quả, thì Toà án áp dụng Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp đã mở phiên toà mà bị cáo trốn tránh, thì Hội đòng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

Cần lưu ý rằng đối với các trường hợp trên đây mà trong vụ án có nhiều bị can, bị cáo, trong đó có bị can, bị cáo bỏ trốn, có bị can, bị cáo không bỏ trốn, thì Toà án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với tất cả các bị can, bị cáo. Toà án áp dụng Điều 151 hoặc Điều 152 Bộ luật tố tụng hình sự ra lệnh tạm giam, đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam không bỏ trốn, mà thời hạn tạm giam đã hết và nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử.

Nếu hết thời hạn mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả, thì Toà án phải ra ngay quyết định đưa vụ án ra xét xử và Toà án xét xử vắng mặt bị cáo bỏ trốn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự.

3. Khi nhân được công văn của Viện kiểm sát, của Toà án yêu cầu truy nã bị can, bị cáo, cơ quan điều tra ra ngay quyết định truy nã và thông báo quyết định truy nã theo đúng quy định tại Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, niêm yết quyết định truy nã tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của bị can, bị cáo và sao gửi cho Viện kiểm sát hoặc Toà án đã yêu cầu truy nã.

Theo quy định tại các điều 64, 65 Bộ luật tố tụng hình sự, khi cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân bắt được hoặc nhận được người bị truy nã thì phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền ở địa bàn đó. Sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết và giải ngay người đó đến trại giam nơi gần nhất.

Ngay sau khi nhận được thông báo về việc đã bắt được người bị truy nã, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát hoặc Toà án đã có yêu cầu truy nã biết. Viện kiểm sát hoặc Toà án có trách nhiệm thực hiện theo đúng các hướng dẫn tại điểm 1 hoặc điểm 2 Thông tư này.

Trong trường hợp trước ngày hết thời hạn tạm giữ (tối đa là 9 ngày) mà Trại tạm giam vẫn không nhận được quyết định tạm giam của Viện kiểm sát hoặc Toà án đã có yêu cầu truy nã đối với người bị bắt, thì Trại tạm giam cần báo ngay cho cơ quan điều tra nơi đã bắt được người bị truy nã. Ngay sau khi nhận được thông báo của Trại tạm giam, cơ quan điều tra nơi đã bắt được người bị truy nã có trách nhiệm yêu cầu cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đến nhận ngay người bị bắt hoặc tự mình áp giải người bị bắt đến cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.

Đối với trường hợp Toà án có công văn yêu cầu truy nã, nếu hết thời hạn một tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì cơ quan điều tra ra lệnh truy nã cũng phải thông báo cho Toà án biết để Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bi truy nã theo điểm a khoản 2 Điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự.

4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các hướng dẫn trước đây của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ về truy nã bị can, bị cáo.

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ