Thông tư liên bộ 4-TT/LB năm 1991 hướng dẫn Quyết định 111-HĐBT ngày 12-04-1991 về một số chính sách trong việc sắp xếp biên chế do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 4-TT/LB
Ngày ban hành 24/05/1991
Ngày có hiệu lực 24/05/1991
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy,Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4-TT/LB

Hà Nội , ngày 24 tháng 05 năm 1991

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI; BỘ TÀI CHÍNH SỐ 4-TT/LB NGÀY 24 THÁNG 5 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 111-HĐBT NGÀY 12-04-1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC SẮP XẾP BIÊN CHẾ

Thi hành Quyết định số 111-HĐBT ngày 12-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách trong việc sắp xếp biên chế; Sau khi trao đổi thống nhất với Ban tổ chức cán bộ của Chính phủ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Liên bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Tài chính hướng dẫn như sau:

I - PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH:

Đối tượng thực hiện các chính sách gồm công nhân viên chức (trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn từ 1 năm trở lên) ở các cơ quan đơn vị sau:

- Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp thành lập theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Các đoàn thể, hội quần chúng thành lập theo quyết định của Nhà nước.

- Các đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế, hoặc hoạt động theo hình thức gắn thu bù chi.

Đối với các cơ quan, đơn vị sau đây khi sắp xếp biên chế được vận dụng chính sách đối với người lao động nói tại Thông tư này, nhưng phải tự lo kinh phí, không cấp kinh phí từ quỹ sắp xếp lao động:

- Các đoàn thể, hội quần chúng hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải không được ngân sách cấp kinh phí.

- Các tổ chức sản xuất dịch vụ do đơn vị hành chính sự nghiệp thành lập theo Quyết định số 268-CT ngày 30- 7- 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (trừ những trường hợp người lao động đang trong biên chế hành chính sự nghiệp, cơ quan bố trí tạm thời sang sản xuất dịch vụ).

Các đơn vị, tổ chức kinh tế đã thực hiện sắp xếp lao động theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 9-10-1989 không thuộc đối tượng thực hiện Thông tư này.

II - PHÂN LOẠI VÀ GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH CỤ THỂ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG SAU KHI SẮP XẾP:

Căn cứ vào đề án chung về sắp xếp tổ chức theo hướng dẫn tại Thông tư số 209-TCCP ngày 20-4-1991; công văn số 203-TCCP ngày 17-4-1991; công văn số 241-TCCP ngày 9-5-1991 của Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ, và chỉ tiêu biên chế được giao, đơn vị tiến hành sắp xếp phân loại lao động thành 4 nhóm:

- Nhóm 1: Bao gồm những công nhân viên chức tiếp tục làm việc trong biên chế hành chính sự nghiệp.

- Nhóm 2: Những người chuyển từ cơ quan hành chính sự nghiệp đến những nơi khác có nhu cầu (vẫn trong biên chế Nhà nước).

- Nhóm 3: Những người thôi việc chuyển hẳn ra ngoài biên chế Nhà nước.

- Nhóm 4: Những người giải quyết nghỉ hưu (đến tuổi và trước tuổi theo quy định).

Chính sách đối với người lao động ở từng nhóm như sau:

1. Đối với những người tiếp tục làm việc trong biên chế hành chính sự nghiệp.

Căn cứ vào chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đầy đủ (nếu có) hoặc tiêu chuẩn chung tại Quyết định số 284-LĐ-TBXH/QĐ ngày 29-7-1989 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tạm thời 3 tiêu chuẩn chung của các hệ chức danh, các cơ quan đơn vị tiến hành đánh giá lựa chọn, bố trí cán bộ vào các công việc phù hợp với trình độ, năng lực cụ thể của từng người.

Đối với một số cán bộ viên chức còn thiếu một vài tiêu chuẩn nghiệp vụ, nhưng có sức khoẻ, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có khả năng vươn lên, đơn vị có nhu cầu sử dụng vẫn được bố trí vào biên chế bộ máy, đồng thời cho đi đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ theo yêu cầu của công việc được giao.

Thời gian đào tạo bằng hoặc dưới 1 năm thì được giữ nguyên tiền lương (cơ bản hoặc chức vụ, trợ cấp lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực (nếu có); tiền bù giá đang hưởng do đơn vị cử đi học trả lương.

Nếu thời gian đào tạo trên 1 năm thì từ năm thứ 2 trở đi hưởng theo chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ đi học dài hạn trên cơ sở kết quả học tập từ nguồn kinh phí đào tạo do ngân sách Nhà nước cấp cho các trường đào tạo. Thời gian đi học tính theo từng đợt cử đi học, không tính cộng dồn.

Sau khi học xong được giao công việc gì hưởng lương và các chế độ áp dụng cho công việc đó.

2. Đối với những người chuyển từ cơ quan hành chính sự nghiệp đến những nơi khác có nhu cầu.

Điều chuyển lao động từ cơ quan hành chính sự nghiệp đến những nơi khác có nhu cầu là nhằm tiếp tục sử dụng ngành nghề chuyên môn đã được đào tạo, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu gây lãng phí cán bộ viên chức có nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật nhưng không được sử dụng đúng ngành nghề.

- Nếu chuyển công tác đến cơ quan đơn vị ở miền núi, hải đảo theo các dự án được Nhà nước duyệt thì được phụ cấp 1 lần bằng 12 tháng lương, gồm lương cơ bản (cấp bậc hoặc chức vụ), trợ cấp lương, phụ cấp thâm niên, khu vực (nếu có); được cấp tiền tàu xe tiền cước và phụ cấp đi đường cho bản thân và gia đình (nếu gia đình cùng đi) lấy từ nguồn kinh phí sắp xếp lại lao động, khi đến nơi mới được hưởng lương theo công việc mới; trường hợp lương mới thấp hơn lương đang được hưởng thì được đơn vị mới bảo lưu lương cũ trong 18 tháng. Sau 18 tháng hưởng lương theo công việc đảm nhận, những người đã được hưởng trợ cấp 1 lần nói trên không được hưởng các chế độ khác về chuyển vùng công tác.

[...]