Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn về việc thực hiện Quyết định số 111 và Thông tư số 04 về một số chính sách trong việc sắp xếp biên chế

Số hiệu 2829-LĐTBXH/TC
Ngày ban hành 02/10/1991
Ngày có hiệu lực 02/10/1991
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Hiếu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2829-LĐTBXH/TC

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 1991

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 2829-LĐTBXH/TC NGÀY 2 THÁNG 10 NĂM 1991 VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 111 VÀ THÔNG TƯ SỐ 04 VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC SẮP XẾP BIÊN CHẾ

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ
- Thủ trưởng các cơ quan cơ sở trực thuộc Bộ

 

Ngày 12/4/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 111/HĐBT về một số chính sách trong việc sắp xếp biên chế. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên Bộ Bộ Tài chính Lao động - TBXH có thông tư số 04/TTLB ngày 24/5/1991 hướng dẫn thực hiện Quyết định 111/HĐBT. Căn cứ vào các văn bản trên, Bộ hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể sau đây:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU SẮP XẾP BIÊN CHẾ:

- Trên cơ sở làm rõ chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mà xác định biên chế. Khi sắp xếp cán bộ cần chú ý lựa chọn người đảm bảo cả phẩm chất, năng lực và sức khoẻ, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới. Cần quan tâm xây dựng quy hoạch cán bộ, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa, không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

- Phải sắp xếp đúng người, đúng việc, phát huy sở trường cán bộ để tạo ra hiệu suất công tác cao nhất. Những trường hợp không đạt yêu cầu nghiên cứu nhưng không chấp nhận những công việc cụ thể hoặc dịch vụ thì giải quyết nghỉ việc theo quy định chung; nếu xin chuyển sang cơ quan khác thì được tạo điều kiện thuận lợi.

- Phải trên cơ sở vì việc mà xếp người, không phải vì người mà xếp việc. Đối với cán bộ là lãnh đạo, năng lực không đáp ứng được nhiệm vụ thì chuyển sang làm chuyên viên hoặc giải quyết chính sách theo quy định chung.

- Viêc thực hiện chính sách phải đảm bảo công khai, dân chủ, đảm bảo đoàn kết thống nhất, ổn định tình hình đơn vị. Phải sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

II. PHÂN LOẠI VÀ GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CNVC SAU KHI SẮP XẾP

- Cán bộ viên chức từ cơ quan Bộ đến các đơn vị, cơ sở khi tiến hành sắp xếp được phân loại thành 4 nhóm:

+ Nhóm 1: Bao gồm những cán bộ viên chức tiếp tục làm việc trong biên chế hành chính sự nghiệp.

+ Nhóm 2: Những người chuyển từ cơ quan hành chính sự nghiệp đến những nơi khác có nhu cầu (vẫn trong biên chế Nhà nước ).

+ Nhóm 3: Những người thôi việc chuyển hẳn ra ngoài biên chế Nhà nước.

+ Nhóm 4: Những người giải quyết nghỉ hưu (đến tuổi và trước tuổi theo quy định).

Việc sắp xếp và giải quyết chính sách đối với cán bộ viên chức ở từng nhóm như sau:

1. Đối với những người tiếp tục làm việc trong biên chế hành chính sự nghiệp.

Căn cứ quyết định số 284/LĐTBXH/QĐ ngày 29/7/1989 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tạm thời 3 tiêu chuẩn chung của các hệ chức danh và quá trình tiến hành xây dựng chức danh tiêu chuẩn; các đơn vị từ cơ quan Bộ đến cơ sở tiến hành nhận xét đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí vào các công việc phù hợp với trình độ, năng lực cụ thể của từng người đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

1. Phẩm chất đạo đức: Ngoài những yêu cầu chung về phẩm chất đạo đức như quan điểm, lập trường, chấp hành chủ trương đường lối... người được xếp vào diện tiếp tục làm việc phải đạt yêu cầu cụ thể:

- Có ý thức trách nhiệm hoàn thành và thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công. Chấp hành nội quy, quy chế làm việc nghiêm túc.

- Phong cách làm việc dân chủ, đoàn kết hiệp đồng trong công tác, sống trong sạch, lành mạnh, không tham ô, hối lộ, móc ngoặc, cửa quyền, gia trưởng hách dịch...

2. Năng lực:

a. Đối với lãnh đạo (từ trưởng phó phòng trở lên)

- Phải am hiểu công việc chuyên môn nghiệp vụ mà mình phụ trách.

- Có năng lực tổ chức quản lý phối hợp mọi hoạt động của đơn vị, dự kiến được hướng phát triển lâu dài đối với nhiệm vụ của đơn vị, chủ động có kế hoạch triển khai thực hiện đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đổi mới. Đặc biệt là cán bộ cấp trưởng của các Vụ, Cục, Ban. Phải có năng lực tổng kết, đề xuất những việc có tính chất chiến lược của ngành thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách.

- Được đào tạo qua các chương trình cơ bản về 1 lĩnh vực chuyên môn, có trình độ cao cấp hoặc trung cấp chính trị.

[...]