Thông tư liên bộ 33-TT/LB năm 1982 về khóa sổ thu chi ngân sách cuối năm do Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 33-TT/LB
Ngày ban hành 10/12/1982
Ngày có hiệu lực 10/12/1982
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Lê Hoàng,Trần Tiêu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33-TT/LB

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1982

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC KHÓA SỔ THU CHI NGÂN SÁCH CUỐI NĂM

Công tác khóa sổ thu chi Ngân sách cuối năm là một công tác mà các ngành, các cấp, các xí nghiệp, các tổ chức kinh tế, các cơ quan hành chính và sự nghiệp Nhà nước đều phải tiến hành để kết thúc một năm thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu chi Ngân sách Nhà nước, nhằm đánh giá đúng mức hoạt động kinh tế tài chính, việc thực hiện các mặt công tác, rút kinh nghiệm nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu suất công tác, nâng cao chất lượng và trình độ quản lý kinh tế tài chính.

Việc khóa sổ thu chi Ngân sách cuối năm làm tốt sẽ giúp cho các đơn vị, xí nghiệp, cơ quan lập tổng quyết toán được đầy đủ chính xác và phản ánh trung thực được kết quả sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính và thu chi Ngân sách Nhà nước.

Để thực hiện thống nhất việc khóa sổ thu chi Ngân sách Nhà nước hàng năm, Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng quy định những điểm cụ thể sau đây:

I- THỜI HẠN KHÓA SỔ, ĐIỆN BÁO

1/ Việc khóa sổ thu chi Ngân sách Nhà nước cuối năm tại Ngân hàng Nhà nước cơ sở (huyện, quận, thị) thống nhất tiến hành vào cuối ngày làm việc ngày 31 tháng 12 của năm đó.

2/ Việc điện báo kết quả thu chi, tồn quỹ Ngân sách các cấp đến ngày 31/12 hàng năm sẽ thực hiện theo thời hạn sau:

- Từ Ngân hàng huyện, quận, thị xã điện về Ngân hàng tỉnh, thành phố trong ngày 2 tháng 1 năm sau.

- Từ Ngân hàng tỉnh, thành phố điện về Ngân hàng Nhà nước Trung ương trong ngày 3 tháng 1 năm sau.

Khi Ngân hàng Nhà nước các cấp điện báo cho Ngân hàng Nhà nước cấp trên, phải gửi báo cáo điện báo đó cho cơ quan tài chính đồng cấp (chú ý tính toán chính xác số tồn quỹ của cấp Ngân sách do mình quản lý).

3/ Nội dung của điện báo như điện báo 20 ngày quy định trong chế độ hạch toán kế toán quỹ Ngân sách Nhà nước tại cơ quan Ngân hàng Nhà nước các cấp đã ban hành theo Quyết định số 214/NH-QĐ ngày 28/12/1979 và công văn số 148 ngày 15/7/1981 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nay bổ sung thêm 4 chỉ tiêu:

- Thu Ngân sách Trung ương loại 9

- Thu Ngân sách địa phương loại 9

- Chi Ngân sách Trung ương loại 11

- Chi Ngân sách Địa phương loại 11

II- THỜI HẠN CHUYỂN KINH PHÍ VÀ PHÁT HÀNH “SÉC”

1/ Để các đơn vị dự toán các cấp có kinh phí chi tiêu trước khi Ngân hàng Nhà nước khóa sổ, thời hạn cuối cùng để giải quyết việc phê chuẩn hạn mức, chuyển thông báo phân phối hạn mức và chuyển kinh phí của các cấp được ấn định căn cứ vào thời gian luân chuyển giấy tờ từ nơi phê chuẩn hạn mức đến nơi nhận kinh phí, sao cho hạn mức hoặc kinh phí chuyển về đến cơ sở có thể sử dụng được kịp thời, quy định như sau:

a. Đối với Ngân sách Trung ương.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Trung ương thống nhất thời hạn cuối cùng để giải quyết việc phê chuẩn hạn mức, chuyển thông báo và giấy báo phân phối hạn mức cho các đơn vị dự toán Trung ương và chuyển các khoản trợ cấp của Ngân sách Trung ương cho Ngân sách tỉnh, thành phố như sau:

- Trước cuối giờ làm việc ngày 18 tháng 12: đối với các đơn vị dự toán Trung ương đóng tại các tỉnh: ơ phía nam (từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào), các tỉnh Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Hà Tuyên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Quảng Ninh và Lạng Sơn.

- Trước cuối giờ làm việc ngày 20 tháng 12: đối với các đơn vị đóng ở các tỉnh khác (trừ Hà Nội).

- Trước cuối giờ làm việc ngày 23 tháng 12: đối với các đơn vị đóng ở Hà Nội.

Các đơn vị dự toán cấp I Trung ương căn cứ vào thời hạn quy định trên và tình hình thực tế của ngành mình mà có kế hoạch phân phối hạn mức cho các đơn vị trực thuộc.

b. Đối với Ngân sách Địa phương

Các Sở ty tài chính, cùng với Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; các Ban tài chính giá cả huyện, quận cùng với Ngân hàng Nhà nước cơ sở, dựa vào nguyên tắc chung, thống nhất quy định thời hạn cuối cùng giải quyết việc phê chuẩn, phân phối hạn mức và chuyển kinh phí của Ngân sách cấp mình cho các đơn vị dự toán trực thuộc, phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

2/ Để bảo đảm cho “séc” phát hành có đủ thời gian quay trở lại Ngân hàng nơi lưu ký hạn mức trước ngày 31 tháng 12 (ngày hủy bỏ hạn mức thừa cuối năm) tất cả các đơn vị dự toán thuộc các cấp Ngân sách đều phải đình chỉ phát hành các loại “séc bảo chi” Ngân sách của niên độ hiện hành trước 16 giờ ngày 25 tháng 12 Ngân hàng Nhà nước nơi lưu ký hạn mức và cơ quan tài chính đồng cấp không chịu trách nhiệm giải quyết những trường hợp do phát hành “séc” quá thời hạn trên hiệu lực tờ séc là 5 ngày lao động kể cả ngày bảo chi séc).

III- ĐỐI CHIẾU, XÉT CHUYỂN, TRÍCH NỘP VÀ BÁO CÁO SỐ DƯ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI CỦA CÁC ĐƠN VỊ DỰ TOÁN CUỐI NĂM

[...]