Thông tư liên bộ 08-TT/LB năm 1962 quy định danh sách những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe được ưu đãi trong các chế độ bảo hiểm xã hội do của Bộ Lao động - Bộ Nội vụ - Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 08-TT/LB |
Ngày ban hành | 24/03/1962 |
Ngày có hiệu lực | 08/04/1962 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động,Bộ Nội vụ,Bộ Y tế |
Người ký | Đinh Thị Cần,Lê Tất Đắc,Nguyễn Đăng |
Lĩnh vực | Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương |
BỘ
Y TẾ-BỘ NỘI VỤ-BỘ LAO ĐỘNG |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 08-TT/LB |
Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 1962 |
Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội (điều 8, 15 và 43) đã quy định những công nhân, viên chức công tác ở các nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe được ưu đãi trong các chế độ đãi ngộ khi ốm đau, sinh đẻ, sẩy thai và về hưu trí.
Nay Liên bộ giải thích và quy định danh sách những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe được hưởng chế độ ưu đãi như sau:
Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội quy định chế độ ưu đãi đối với các nghề phải làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe nhằm tăng cường việc bảo vệ sức khỏe cho công nhân, viên chức đồng thời củng cố thêm nguyên tắc phân phối theo lao động, góp phần ổn định lực lượng lao động trong các ngành kinh tế quốc dân.
Ngoài chính sách ưu đãi trong các chế độ bảo hiểm xã hội, công nhân, viên chức làm các nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe, còn cần được hết sức chú ý về mặt vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm an toàn lao động. Hơn nữa trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà, những điều kiện lao động, phương tiện sản xuất và công tác sẽ không ngừng được cải tiến trên cơ sở kỹ thuật ngày càng cao, do đó tính chất nặng nhọc, có hại sức khỏe của các nghề ấy sẽ dần dần được giảm bớt, điều kiện lao động của công nhân, viên chức sẽ được cải thiện và sức khỏe ngày càng được tốt hơn.
Trong đặc điểm tình hình của ta hiện nay, nhiều công việc còn phải làm theo lối thủ công, phải dùng đến nhiều sức lao động, hoặc vì điều kiện vệ sinh, trang bị bảo hộ lao động chưa được đầy đủ, nên nói chung phần lớn các nghề ít nhiều đều có thể coi là nặng nhọc, có hại sức khỏe.
Nhưng để phù hợp với phương châm ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và để phù hợp với khả năng kinh tế, trình độ khoa học, kỹ thuật hiện tại, nên chỉ những nghề phải làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe, rõ ràng, để xác định mới được ưu đãi.
Về nguyên tắc, những nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe là những nghề:
- Đòi hỏi phải làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc và dễ bị nhiễm độc, nhiễm trùng;
- Phải làm việc trong điều kiện vật lý không bình thường có hại nhiều đến sức khỏe.
I. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI
Công nhân, viên chức không phải cứ làm nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe là đương nhiên được hưởng chế độ ưu đãi, mà phải có một số điều kiện nhất định tùy theo từng chế độ bảo hiểm xã hội:
1. Để được hưởng chế độ trong chế độ hưu trí, công nhân, viên chức phải có 10 năm liền làm việc trong nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe.
2. Để được hưởng ưu đãi trong chế độ đãi ngộ khi ốm đau, công nhân, viên chức phải có ít nhất 6 tháng công tác liên tục trong nghề được coi là đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khỏe, trước khi ốm. Trong đó mỗi ngày công nhân, viên chức phải làm việc ít nhất quá nửa số giờ quy định, mỗi tháng phải làm việc ít nhất 15 ngày trong nghề đó, và làm như vậy trong 6 tháng liền trước khi ốm thì mới được ưu đãi. Trường hợp thỉnh thoảng làm vài ngày, vài giờ thì không được ưu đãi.
3. Đối với nữ công nhân, viên chức làm việc ở nghề đặc biệt nặng nhọc có hại sức khỏe thì không kể thời gian công tác đã nhiều hay ít, chỉ cần công việc đó là nghề chính của họ thì khi sinh đẻ, sảy thai được hưởng chế độ ưu đãi.
A. NHỮNG NGHỀ ĐƯỢC ƯU ĐÃI KHI VỀ HƯU TRÍ, KHI ỐM ĐAU VÀ KHI SINH ĐẺ, SẢY THAI:
- Làm việc trong hầm lò mỏ;
- Thăm dò mỏ, điều tra rừng, khảo sát, trắc địa ở miền núi;
- Đốt nồi hơi tàu bể, thợ máy tàu bể;
- Công việc trực tiếp với lò cao luyện kim có dung tích từ 9m3 trở lên, lò nung xi măng, lò thủy tinh, với điều kiện nhiệt độ nơi làm việc từ 50 độ C trở lên về mùa rét (ngoài trời rét từ 15 độ C trở xuống);
- Lặn sâu quá 5m, làm việc trong giếng chìm hơi ép sâu quá 5m;
- Xiếc nhào lộn và những môn xiếc khác phải dùng cường độ lao động tương tự, vũ ba lê;
- Trực tiếp điều khiển, sử dụng những máy chiếu điện, chụp điện những y cụ có chất phóng xạ (cobalt, quang tuyến X, radium...);
- Trực tiếp với chất chì hoặc hợp chất chì trong điều kiện dễ bị nhiễm độc nhất; đào quặng chì, sản xuất bột chì, nấu bột vàng thư, nấu sơn có chất chì, cạo rỉ sơn có chất chì, sản xuất bột chì, nấu bột vàng thư, nấu sơn có chất chì, cạo rỉ sơn có chất chì, sản xuất pờ-lăc ăc-quy, nấu đúc chữ chì với điều kiện nơi làm việc có hơi chì hoặc bụi chì vượt quá đậm độ 0,00001 mg trong 1 lít không khí;
- Sản xuất hoặc sử dụng các hóa chất: a-xít clo-hy-dric (HCl) vượt quá đậm độ 0,01mg/lít; a-xít sun-fu-ric (H2SO4) vượt quá đậm độ 0,001mg/lít; clo (Cl) vượt quá đậm độ 0,001mg/lít; benzol vượt quá đậm dộ 0,05mg/lít; xy-lot vượt quá đậm độ 0,01mg/lít; to-lu-ol vượt quá đậm độ 0,1mg/lít (lít không khí ở nơi làm việc).
- Công việc trực tiếp với bụi si-lic (SiO2) khoan đá, nghiền sàng đá, nghiền sàng đất để làm đồ sứ, để làm sạch chịu lửa, sản xuất bột kính để làm que hàn với điều kiện ở nơi làm việc bụi si-lic vượt quá đậm độ 2mg/m3 không khí nếu trong bụi có trên 10% si-lic tự do, hoặc 10mg/m3 không khí nếu trong bụi có dưới 10% si-lic tự do, hoặc vượt quá đậm độ 100.000 hạt/lít không khí nếu trong bụi có trên 50% si-lic tự do;