Thông tư 90/1999/TT-BTC hướng dẫn về giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1999 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 90/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 22/07/1999
Ngày có hiệu lực 22/07/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 90/1999/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 1999

Thực hiện Quyết định số 248/1998/QĐ-TTg ngày 24/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1999, Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn số 190/1998/TT-BTC ngày 31/12/1998; các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức triển khai thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngày 9/7/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP về giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1999, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể về giải pháp điều hành tài chính - ngân sách nhà nước từ nay đến hết năm 1999 như sau:

1. Các Bộ, ngành và UBND các cấp tập trung chỉ đạo nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Trên cơ sở đó bám sát nguồn thu để thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh theo Luật định, khai thác các khoản thu tiềm tàng và các nguồn thu tồn đọng, phấn đấu đạt và vượt mức dự toán thu được giao, cần chú ý:

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai các luật thuế mới, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ Tài chính sẽ xử lý ngay các vấn đề về hoá đơn, chứng từ, quy trình quản lý thu và hoàn thuế để đảm bảo vừa chặt chẽ, vừa đơn giản, thuận tiện. Đồng thời sẽ trình Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng và giảm thuế đối với hàng hoá, vật tư tồn kho đến 31/12/1998 khi đưa vào sản xuất, tiêu thụ bị lỗ, cho tiếp tục hưởng ưu đãi về thuế đối với các dự án được ưu đãi đầu tư và cơ sở sản xuất của người tàn tật.

- Đi đôi với các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng khả năng cạnh tranh. Các Bộ, ngành, các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết ngay các sản phẩm đang tồn đọng lớn bằng biện pháp hạ giá, bán trả chậm, thời gian nộp thuế được kéo dài tương ứng với thời gian bán trả chậm.

- Để đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu. Quỹ này được dùng dể hỗ trợ về mặt tài chính khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường mới; xuất khẩu các hàng nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng sang các nước SNG, các nước Đông Âu; hỗ trợ lãi suất để thu mua hàng xuất khẩu; hỗ trợ chi phí tìm kiếm thị trường mới...

- Thực hiện phân loại doanh nghiệp để có đối sách phù hợp: đối với các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì khuyến khích và hỗ trợ để tiếp tục vươn lên; đối với doanh nghiệp thua lỗ mà không cần thiết phải duy trì thì bán, cho thuê hoặc giải thể; đối với các doanh nghiệp Nhà nước không thuộc phạm vi bắt buộc phải giữ quyền sở hữu nhà nước, nếu chuyển sang hình thức sở hữu khác sẽ hoạt động tốt hơn thì đẩy mạnh chuyển sở hữu, kể cả bán cổ phần cho người nước ngoài.

2. Các Bộ, ngành, UBND các cấp rà soát lại danh mục công trình XDCB đã ghi kế hoạch vốn năm 1999. Những công trình đã có khối lượng thực hiện thì khẩn trương hoàn thành thủ tục để thanh toán. Nếu chưa đủ điều kiện triển khai hoặc xét thấy không có hiệu quả thì báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn cho các công trình khác có đủ điều kiện thực hiện nhưng chưa được bố trí vốn, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Cơ quan Tài chính đảm bảo chuyển đủ vốn để cơ quan Đầu tư phát triển thực hiện việc ứng trước 40-50% giá trị khối lượng còn lại của kế hoạch xây dựng cơ bản năm 1999 thuộc ngân sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Trường hợp địa phương có khó khăn về nguồn, Bộ Tài chính sẽ tăng tiến độ bổ sung cân đối ngân sách để địa phương chủ động cấp phát.

3. Đối với khối lượng xây dựng cơ bản vượt kế hoạch năm 1996 - 1997 đã được Chính phủ bố trí nguồn thanh toán, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm trong quý III/1999. Những dự án đã được ghi vốn thanh toán nhưng khối lượng thanh toán thấp hơn mức thông báo, không được điều hoà cho dự án khác. Đối với những địa phương đã nhận đủ nguồn thanh toán theo thông báo mà không thanh toán hết hoặc không chuyển qua Cục Đầu tư phát triển để thanh toán thì Sở Tài chính - Vật giá tổng hợp báo cáo và chuyển trả cho ngân sách Trung ương. Trường hợp không trả lại ngân sách Trung ương thì Bộ Tài chính sẽ trừ vào các khoản cấp về cho địa phương.

Những trường hợp còn vướng mắc chưa được thanh toán, Sở Tài chính - Vật giá cùng với Cục Đầu tư phát triển nêu rõ lý do thông báo cho chủ dự án, đồng thời tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trước ngày 30/9/1999.

4. Các Bộ, ngành, UBND các cấp:

- Chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư XDCB tập trung được bổ sung cho năm 1999 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định, số vốn này chủ yếu dành cho các công trình phục vụ nông nghiệp, giao thông, giáo dục, y tế, chương trình cung cấp nước sạch miền núi, vùng sâu, vùng xa, chương trình giải quyết việc làm, di dân tự do và phát triển kinh tế - xã hội các xã nghèo biên giới chưa được đầu tư trong diện 1.000 xã nghèo đặc biệt khó khăn. Đối với nông nghiệp cần chú ý tập trung vốn cho thuỷ lợi và cải tạo giống (kể cả cây, con). Ngoài nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương, các địa phương cần huy động các nguồn lực của địa phương bổ sung thêm cho các xã nghèo để trong một vài năm tới các xã này hoàn thành cơ bản các hạng mục điện, đường, trường học, trạm xá, chợ, nước sạch....

- Chuẩn bị các dự án đối với các công trình sản xuất quan trọng, các công trình cơ sở hạ tầng có khả năng thu hồi vốn để sẵn sàng tiếp nhận các nguồn vốn ưu đãi, tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, đảm bảo vốn sử dụng có hiệu quả, trả hết được nợ vay.

Nhà nước sẽ dành một phần nguồn vốn tín dụng ưu đãi và để cho ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vay đầu tư xây dựng các công trình kiên cố hoá kênh mương, nâng cấp mặt đường và điện khí hoá nông thôn thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương mà chưa bố trí được nguồn. Các địa phương khẩn trương làm thủ tục, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước 15/8/1999 để vay vốn tín dụng ưu đãi và bố trí trong ngân sách địa phương trả dần (cả gốc và lãi) trong một số năm sau.

- Khẩn trương kiểm tra, rà soát lại các vướng mắc trong việc cấp phát vốn cho các chương trình mục tiêu và chủ động giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền của mình; đồng thời phản ảnh kịp thời về những vướng mắc mà Bộ, ngành, địa phương không thể giải quyết được.

5. Đối với chương trình 135, UBND các tỉnh, thành phố cần hoàn thành quyết định phân bổ vốn đầu tư cho từng dự án và thành lập Ban Quản lý dự án trước 1/8/1999; đồng thời, khẩn trương chỉ đạo UBND các huyện, các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục cần thiết khác để triển khai thực hiện.

Để đẩy mạnh việc thực hiện chương trình trong năm đầu thực hiện (năm 1999) khi dự án đã được duyệt và đã ký hợp đồng với bên B, Kho bạc Nhà nước thực hiện ứng khoảng 50% vốn xây dựng và khi triển khai thi công ứng đến 70% giá trị hợp đồng của công trình.

6. Các địa phương cần tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu kiên cố hoá kênh mương từ các nguồn thu về thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuỷ lợi phí, tín dụng ưu đãi, đóng góp của nhân dân... theo hướng:

+ Đối với việc kiên cố hoá kênh mương liên huyện, liên xã, nguồn vốn đầu tư được trích từ tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư. Các đơn vị thuỷ nông, căn cứ vào số thu thuỷ lợi phí, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý, số còn lại giành để đầu tư kiên cố hoá kênh mương thuộc tài sản của đơn vị quản lý. Nếu thiếu, các địa phương tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để vay vốn tín dụng ưu đãi và được NSNN bù chênh lệch lãi suất.

+ Đối với việc kiên cố hoá kênh mương liên thôn, nội đồng, thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, cụ thể: nhân dân đóng góp lao động, ngân sách địa phương hỗ trợ vật tư (sắt thép, xi măng) để xây dựng.

7. UBND các cấp căn cứ vào khả năng thu để tổ chức điều hành chi. Nếu tăng thu thì được bố trí tăng chi, trong đó ưu tiên cho những nhiệm vụ thiết yếu như: chi đầu tư XDCB, chi giáo dục đào tạo, chi khoa học công nghệ và môi trường, chi y tế, văn hoá, dự trữ... Trong giáo dục đào tạo, chú ý ưu tiên cho những công việc trực tiếp phục vụ việc giảng dạy, học tập. Trong khoa công nghệ chú ý đến các mục tiêu nghiên cứu phát triển công nghệ mới, phát triển các loại giống, cây con mới... Trường hợp thu không đạt dự kiến, phải chủ động sắp xếp lại chi, việc giảm chi phải căn cứ vào sự cần thiết của từng khoản, không giảm bình quân.

8. Khoản giữ lại 10% dự toán chi ngân sách 1999 chưa phân bổ đầu năm cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội xử lý như sau:

- Đối với ngân sách Trung ương, Chính phủ đã cân đối cho các nhiệm vụ mới phát sinh không thể trì hoãn, vì vậy từ nay đến cuối năm nếu các Bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ chi mới phát sinh thì chủ động sắp xếp để điều hành trong dự toán đã giao.

- Đối với ngân sách địa phương: cần chủ động sử dụng các khoản dự phòng ngân sách và khoản 10% chưa phân bổ nói trên để giải quyết những nhiệm vụ chi phát sinh đột xuất và các nhiệm vụ đã bố trí đầu năm nhưng chưa đủ nguồn.

9. Các Bộ, ngành, UBND các cấp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh thực hành tiết kiệm và chống lãng phí ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Trong thực hiện, cần chú ý:

[...]