THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
248/1998/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 248/1998/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 12
NĂM 1998 VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
- XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ các Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá X số 18/1998/QH 10 về dự toán
ngân sách nhà nước năm 1999 và số 20/1998/QH 10 về nhiệm vụ năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Về
phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn
1- Tập trung chỉ đạo sản xuất
nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả xuất khẩu.
Rà soát lại vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến, nơi
nào đã có cơ sở chế biến nhưng vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được thì có kế hoạch
phát triển bổ sung, nơi nào có vùng nguyên liệu nhưng thiếu cơ sở chế biến thì
có phương án tiêu thụ hết nguyên liệu cho nông dân. Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoàn thành việc
này trong quý I năm 1999.
2- Đẩy nhanh tiến độ giao đất để
bảo đảm 85% số hộ được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông
nghiệp. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế khai thác, sử dụng đất trống, đồi
núi trọc, bãi cát và đất rừng vào mục đích phát triển nông, lâm nghiệp. Rà soát
lại phần đất do các nông, lâm trường quản lý; quy định mỗi nông, lâm trường được
giữ lại diện tích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng thực tế sản xuất
kinh doanh, phần còn lại chuyển cho chính quyền địa phương để giao cho dân sử dụng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổng cục Địa chính và các Bộ,
ngành liên quan hoàn thành trong quý I năm 1999.
3- Tổng kết, xây dựng và phổ biến
rộng rãi các mô hình liên kết kinh tế giữa hộ nông dân, kinh tế trang trại, mô
hình liên kết các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để bổ sung chính
sách và tổ chức thực hiện đối với một số nông sản chủ yếu (lúa gạo, cà phê,
chè, hạt điều, mía đường, rau quả, thịt, sữa, thủy hải sản...). Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoàn thành
tổng kết trong quý I năm 1999.
4- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với ủy ban Dân tộc và Miền núi và ủy ban nhân dân
các tỉnh chỉ đạo xử lý những tồn đọng của chương trình 327 và triển khai thực
hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng.
5- Bộ Thủy sản tiếp tục
chỉ đạo tốt chương trình đánh bắt cá xa bờ, chú trọng việc đầu tư đồng bộ, tổ
chức lại sản xuất, đánh bắt, hậu cần, dịch vụ...chế biến thủy, hải sản; phối hợp
cùng các địa phương có biện pháp khôi phục nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải
sản ở những nơi bị bão lụt.
Điều 2. Về sản
xuất công nghiệp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước
1-Trong quý I năm 1999, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các sản phẩm và dịch
vụ có lợi thế, có sức cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước,
các sản phẩm hướng về xuất khẩu, thay thế nhập khẩu để tập trung phát triển.
2- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế
để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước như : thí
điểm việc cho phép người nước ngoài mua cổ phần của các công ty trong nước, kể
cả doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, ban hành những quy định về việc thành lập
và sử dụng quỹ hỗ trợ cổ phần hoá...; giải quyết và tháo gỡ kịp thời các khó
khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình cổ phần hoá để trong năm 1999 cổ phần
hoá ít nhất 400 doanh nghiệp nhà nước.
3- Ban hành quy chế về bán,
khoán kinh doanh, cho thuê, sáp nhập, hợp nhất, giải thể doanh nghiệp nhà nước
loại nhỏ.
4- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số
59/CP ngày 03 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ, về ''Quy chế quản lý tài chính
và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước'' theo hướng tăng cường
quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề tài chính, giảm
bớt và tiến tới xóa bỏ sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước
gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời
quy định rõ trách nhiệm đối với các doanh nghiệp.
5- Cuối năm 1999, cơ bản hoàn
thành việc xử lý công nợ giai đoạn II để góp phần lành mạnh hóa tài chính doanh
nghiệp.
Điều 3. Về
phát triển thị trường
1- Ban hành đầy đủ các văn bản
pháp quy để cụ thể hoá Luật thương mại, xây dựng quy chế về cạnh tranh và kiểm
soát độc quyền trong kinh doanh.
2- Xây dựng đề án phát triển thị
trường trong nước. Củng cố và mở rộng mạng lưới thương nghiệp và dịch vụ ở nông
thôn. Xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ ở huyện, thị trấn và cụm xã (
miền núi ), trong đó thương nghiệp quốc doanh phải là lực lượng nòng cốt trong
việc bảo đảm nguồn hàng. Mở rộng các loại hình hợp tác xã tiêu thụ, khuyến
khích và tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia vào việc đẩy mạnh lưu
thông vật tư, hàng hoá ở nông thôn. Trong quý I năm 1999, Bộ Thương mại trình
Thủ tướng Chính phủ đề án này.
Có chính sách hỗ trợ và khuyến
khích nhân dân mua tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng theo hình thức mua trả
góp, mua trả chậm hoặc cung cấp tín dụng mua hàng.
3- Thực hiện các biện pháp đồng
bộ để đẩy mạnh xuất khẩu; thành lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu, quỹ tín dụng hỗ trợ
xuất khẩu; có chính sách đầu tư hỗ trợ đối với các mặt hàng xuất khẩu có tiềm
năng nhưng kém sức cạnh tranh thâm nhập thị trường do bất lợi về tỷ giá. Nâng
cao trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của ta ở nước
ngoài trong việc xúc tiến xuất khẩu. Xúc tiến thành lập tại nước ngoài các Công
ty thương mại liên doanh với nước ngoài. Bộ Thương mại hướng dẫn, giúp đỡ các
doanh nghiệp đàm phán, ký kết các hợp đồng lớn; thoả thuận với cơ quan thương mại
các nước để thống nhất kim ngạch buôn bán hai chiều.
Duy trì và phát triển các thị
trường xuất khẩu truyền thống, mở thêm thị trường xuất khẩu mới. Nâng cao chất
lượng hàng hoá xuất khẩu để giữ thị trường. Mở rộng hình thức xuất đổi hàng với
thị trường Nga, các nước SNG, ASEAN và các nước có chung biên giới. Bộ Thương mại
phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng quy chế đổi hàng, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 1999, trước khi ban hành thực hiện.
Điều 4. Về
huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu đầu tư
1- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì
cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, các cơ
chế chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ việc huy động các nguồn vốn, nhất
là nguồn vốn từ trong nước, đặc biệt là huy động nguồn vốn theo kênh trực tiếp
trong khu vực dân cư để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ sở
hạ tầng trên địa bàn (bao gồm cả huy động lao động công ích) và trình Chính phủ
ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn
vốn nhà nước, khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT.
2- Các Bộ, ngành, các Tổng
Công ty nhà nước và các địa phương tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng
:
- Ưu tiên bố trí vốn cho các
công trình cấp bách, công trình thực sự có hiệu quả , các công trình sắp hoàn
thành hoặc khối lượng đã thực hiện được trên 80% thuộc những ngành, sản phẩm
then chốt có đóng góp lớn cho ngân sách, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Nghiêm cấm việc triển khai xây
dựng các công trình không bố trí trong kế hoạch, hoặc vượt dự toán được duyệt.
- Các dự án đưa vào kế hoạch phải
bảo đảm có nguồn vốn chắc chắn, bố trí tập trung bảo đảm tiến độ (kể cả nguồn vốn
nước ngoài).
- Trong năm 1999, hạn chế tối đa
việc khởi công mới các dự án nhóm B và C của các Bộ và địa phương, không khởi
công xây dựng mới trụ sở làm việc và hội trường... (trừ các địa phương mới chia
tách và các trường hợp đã được bố trí trong kế hoạch đầu năm).
- Việc bố trí vốn cho các dự án
nhóm C phải bảo đảm theo nguyên tắc : bố trí đủ vốn đầu tư để bảo đảm có 70% dự
án hoàn thành trong năm; dự án nào chưa đủ thủ tục xây dựng cơ bản thì không bố
trí vốn, nếu bố trí vốn thì cơ quan Tài chính không cấp phát, đình hoãn các
công trình chưa thật cấp bách, không hiệu quả. Chậm nhất 31 tháng 3 năm 1999, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan có văn bản
báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này.
3- Bảo đảm bố trí đủ vốn đối ứng
trong nước cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ODA) đã được ghi kế hoạch.
Giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vướng mắc liên quan tới việc thực hiện các
dự án có nguồn vốn ODA (vấn đề thuế, giải phóng mặt bằng,...).
4- Các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương sử dụng nguồn đầu tư tương ứng 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp
để đầu tư vào các công trình thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục
thực hiện như năm 1998 cơ chế sử dụng các nguồn thu để lại cho ngân sách địa
phương như: thu giao quyền sử dụng đất, tiền bán nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước,
thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thuế tài nguyên rừng, thu từ quảng cáo truyền
hình... để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương, tái tạo
quỹ rừng, phát triển nhà ở, phát triển truyền hình...
Đối với các địa phương được đầu
tư trở lại một phần số thu trên địa bàn ở một số cửa khẩu, số thu được đầu tư lại
không bao gồm số thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu.
Điều 5. Về
tài chính - tiền tệ
1- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt
Luật thuế giá trị gia tăng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực
hiện để không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cân đối
ngân sách của các địa phương. Bộ Tài chính căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về
dự toán ngân sách nhà nước năm 1999, tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 1999 những
quy định bổ sung, sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có biến động nguồn thu thuế giá trị gia tăng làm ảnh hưởng đến ngân sách địa
phương thì Bộ Tài chính điều chỉnh số bổ sung từ ngân sách trung ương cho địa
phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều chỉnh.
2- Thực hiện chính sách triệt để
tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản, công quỹ, gắn với việc thực
hiện công khai ngân sách, công khai các khoản đóng góp của nhân dân theo Quyết
định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và
tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chi tiêu ngân sách.
Trong năm 1999, thực hiện giảm
chi so với năm 1998 : 30% đối với chi công tác phí trong nước, 40% đối với kinh
phí đoàn ra, đoàn vào, 60 - 70% đối với chi mua sắm trang thiết bị, sửa chữa,
chi hội nghị, khánh tiết, tiếp khách, tiền thưởng các loại của các cơ quan hành
chính, sự nghiệp; nghiêm cấm sử dụng xe ô tô công vào việc riêng của cá nhân và
dùng xe ô tô công để đưa đón cán bộ không đúng tiêu chuẩn quy định, dùng tiền
công quỹ để làm quà biếu, tặng, lợi dụng hội, họp để tổ chức đi nghỉ...Tổ chức
thí điểm việc khoán quỹ lương, khoán chi hành chính đối với các cơ quan quản lý
nhà nước, cơ quan Đảng và đoàn thể, trên cơ sở xác định rõ khối lượng nhiệm vụ
được giao hàng năm.
Căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức
sử dụng xe ô tô, sau khi sắp xếp, điều hòa xe ô tô từ nơi thừa sang nơi thiếu,
Bộ Tài chính tổng hợp số lượng xe ô tô cần mua trong năm 1999 trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định.
3- Giao dự toán chi thường xuyên
năm 1999 cho các Bộ, cơ quan trung ương bằng mức 90% dự toán theo phương án
phân bổ ngân sách trung ương đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (trừ
các khoản chi tiền lương và có tính chất lương, chi bằng nguồn viện trợ, bằng
nguồn vốn vay ngoài nước).
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương thực hiện mức giao dự toán chi thường xuyên năm 1999 cho
các đơn vị trực thuộc bằng mức 90% (trừ các khoản chi tiền lương và có tính chất
lương, chi từ nguồn vốn vay và viện trợ ngoài nước) và giao dự toán ngân sách
cho chính quyền cấp dưới bằng mức 100% theo phương án phân bổ dự toán chi ngân
sách đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
Căn cứ nguyên tắc trên, ủy ban
nhân dân huyện giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc bằng 90%
và giao dự toán ngân sách cho chính quyền cấp xã bằng mức 100% theo phương án
phân bổ dự toán chi ngân sách đã được Hội đồng nhân dân huyện quyết định.
4- Thưởng vượt dự toán thu về
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ các khoản thuế
tiêu thụ đặc biệt ngân sách địa phương được hưởng 100%) cho các địa phương theo
mức do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Số vượt thu làm căn cứ xét thưởng
đối với thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa dự toán thu được Thủ tướng Chính phủ
giao và số thực thu đối với hàng hóa thực tế có xuất khẩu, nhập khẩu thuộc địa
bàn của địa phương.
Số thưởng do vượt thu nêu trên
chỉ được sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội.
5- Kiểm soát chặt chẽ lượng tiền
cung ứng, chỉ tiêu tăng dư nợ tín dụng và mức vay thương mại nước ngoài. Trong
tháng 1 năm 1999, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định
các chỉ tiêu này.
6- Ban hành đầy đủ các văn bản
pháp quy để cụ thể hoá Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín
dụng. Tiếp tục chấn chỉnh và củng cố hệ thống Ngân hàng thương mại, sắp xếp và
xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của
Thanh tra ngân hàng. Tăng cường năng lực thẩm định của tổ chức tín dụng, bảo đảm
hiệu quả của các khoản cho vay. Có biện pháp xử lý và giảm tối đa các khoản nợ
quá hạn, làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng.
7- Có chính sách, biện pháp khuyến
khích mang ngoại tệ vào Việt Nam, đồng thời kiểm soát chặt chẽ lượng ngoại tệ
mang ra khỏi Việt Nam.
8- Tổ chức hoạt động của thị trường
chứng khoán ở quy mô và hình thức thích hợp. Trước mắt, cho phép một số doanh
nghiệp có đủ điều kiện được phát hành cổ phiếu ra công chúng, từng bước thực hiện
việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình
qua Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Trong quý I năm 1999, Uỷ ban Chứng khoán
Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức hoạt động của thị trường
chứng khoán Việt Nam.
9- Trong tháng 5 năm 1999 ban
hành cơ chế tín dụng đầu tư nhà nước theo hướng hỗ trợ vốn đầu tư tập trung cho
các dự án cấp thiết, có hiệu quả; đổi mới phương thức xét duyệt và thẩm định dự
án cho vay; có chính sách ưu đãi sau đầu tư cho các dự án của tất cả các thành
phần kinh tế...
Điều 6. Các
chương trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình
quốc gia cũ
1- Cơ chế quản lý các chương
trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình quốc gia
cũ thực hiện theo các Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 1998, số
19/1998/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 1998 và các Quyết định có liên quan của Thủ
tướng Chính phủ.
Các cơ quan quản lý chương trình
quốc gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa
phương phân bổ, sử dụng vốn đúng mục đích, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
để đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách
nhiệm theo dõi, hướng dẫn các địa phương tổ chức việc lồng ghép các mục tiêu quốc
gia với các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình khác trên địa bàn để tránh
chồng chéo, nhằm tập trung nguồn lực cho các đối tượng cần ưu tiên và các vùng
trọng điểm.
2- Cơ chế quản lý đối với
chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã nghèo đặc biệt khó khăn:
- Căn cứ vào dự toán chi ngân
sách đuợc giao và danh sách các xã nghèo trên địa bàn đã được duyệt, ủy ban
nhân dân tỉnh thông báo công khai đến từng xã mức chi cho các chương trình mục
tiêu năm 1999, trong đó mức chi xây dựng cơ bản phải bảo đảm mỗi xã xây dựng
xong một công trình thiết yếu như thủy lợi, nước sinh hoạt, giao thông, trường
học, trạm xá, điện, chợ; ủy ban nhân dân xã căn cứ tình hình thực tế của xã,
xác định loại công trình cần xây dựng để trình Hội đồng nhân dân xã duyệt và
báo cáo cấp trên; ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 3 năm 1999.
- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm
tổ chức thực hiện việc cấp phát kinh phí đến từng xã theo đúng danh mục, đúng mục
đích đã được ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt.
- Đầu quý III năm 1999, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm tra tình
hình triển khai thực hiện ở các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Kết thúc năm, ủy ban nhân dân
các tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện khối lượng công việc, vốn
và kinh phí dành cho các xã nghèo đặc biệt khó khăn.
Điều 7. Về một
số vấn đề xã hội
1- Xúc tiến nhanh chương trình
giải quyết việc làm, khuyến khích phát triển ngành nghề, thu hút thêm lao động
dôi dư từ các doanh nghiệp gặp khó khăn, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài. Xây dựng phương án toàn diện, giải quyết số lao động dôi dư trong
quá trình sắp xếp lại lao động và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
- Mở rộng mạng lưới, quy mô đi
đôi với nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật. Các ngành,
các cấp, các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ về vốn, tay nghề cho
số lao động mới đến tuổi, nhất là số học sinh mới ra trường chưa có việc làm.
- Đơn giản hóa và công khai hóa
các thủ tục đi lao động có thời hạn ở ngoài nước, có biện pháp duy trì và phát
triển các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, đẩy mạnh việc tìm kiếm mở
rộng thị trường lao động mới.
2- Trong qúy I năm 1999,
các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa - Thông tin và ủy ban thể dục thể
thao cùng các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những chế
độ, chính sách cụ thể để triển khai các đề án xã hội hóa theo Nghị quyết số
90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ nhằm phát huy và khai thác các nguồn
lực trong xã hội để tạo điều kiện cho các lĩnh vực này phát triển nhanh, có chất
lượng cao hơn.
3- Ban hành các văn bản pháp quy
để triển khai thực hiện Luật Giáo dục. Tiến hành quy hoạch, củng cố hệ thống
các trường đào tạo, chuyển một số trường công lập sang bán công. Đối với các
trường Đại học ngoài công lập, Nhà nước sẽ tăng cường quản lý về chất lượng, chế
độ thu chi để bảo đảm công bằng xã hội.
Điều 8. Chỉ đạo,
điều hành thực hiện kế hoạch
1- Trên cơ sở những chủ trương,
biện pháp điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước đã
được Thủ tướng Chính phủ thông qua, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phải xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể của mình để điều hành thực
hiện. Ngay từ tháng 12 năm 1998 và trong quý I năm 1999, các Bộ, các ngành lập
chương trình nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách thuộc phạm
vi mình phụ trách theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6
(lần 1) của Chính phủ để triển khai thực hiện trong năm 1999; đồng thời cụ thể
hóa và hướng dẫn những vấn đề thuộc Bộ, ngành và địa phương phụ trách để thực
hiện thống nhất trong cả nước.
2- Thực hiện tốt sự phối hợp
công tác giữa các Bộ, ngành trong từng vấn đề được phân công cụ thể dưới sự chỉ
đạo thống nhất của Thủ tướng Chính phủ.
Các cấp, các ngành cần đặc biệt
coi trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu lực chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện;
tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thi hành công vụ; đề cao tinh thần tự
chịu trách nhiệm đối với công việc được giao, đi sâu, đi sát tháo gỡ những vướng
mắc cho doanh nghiệp và nhân dân, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên và cơ
quan khác.
3- Thường xuyên theo dõi, phân
tích các diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm có giải pháp đồng bộ, kịp thời để kiểm
soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, duy trì tăng trưởng kinh tế. Các Bộ,
ngành, địa phương phải thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng về tình hình thực hiện
kế hoạch trên một số lĩnh vực chủ yếu : sản xuất, xây dựng cơ bản, thu - chi
ngân sách, tiền tệ, xuất nhập khẩu, lưu thông vật tư hàng hóa, lạm phát... theo
quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với các Tổng công ty 91,
ngoài việc gửi báo cáo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ còn phải gửi báo
cáo cho Bộ quản lý ngành. Đối với báo cáo quý, cần phải đánh giá các mặt làm được
và chưa làm được, phân tích sâu hơn về nguyên nhân, kiến nghị các biện pháp điều
hành.
- Các Bộ : Tài chính, Thương mại,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Vật giá
Chính phủ, Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lại việc cung cấp
thông tin kịp thời trước ngày 22 hàng tháng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp tổng hợp
báo cáo Chính phủ trong các phiên họp thường kỳ (theo quy định tại Quy chế làm
việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 11/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng
01 năm 1998).
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng
dẫn các Bộ, ngành về nội dung báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã
hội hàng tháng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đáp ứng yêu cầu điều hành của
Chính phủ.
Điều 9. Hệ
thống chỉ tiêu giao kế hoạch năm 1999
1- Thủ tướng Chính phủ giao cho
các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty 91 các chỉ tiêu
sau :
a) Xuất nhập khẩu: Tổng kim ngạch
xuất khẩu, nhập khẩu (giao cho Bộ Thương mại).
b) Hàng hóa, vật tư, thiết bị chủ
yếu tăng dự trữ quốc gia : thóc, gạo, thiết bị, vật tư, nhà bạt cứu sinh, hàng
chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh và một số ngành.
c) Đầu tư xây dựng cơ bản :
- Tổng mức vốn đầu tư xây dựng
cơ bản tập trung(vốn trong nước và vốn nước ngoài), trong đó: vốn thực hiện dự
án, cơ cấu theo một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
- Danh mục và vốn đầu tư các dự
án nhóm A, trong đó : vốn trong nước và vốn nước ngoài.
d) Tài chính:
- Tổng mức chi ngân sách và các
khoản chi theo lĩnh vực, trong đó chi cho các chương trình quốc gia, các chương
trình mục tiêu.
- Tổng mức thu ngân sách nhà nước
: giao cho Bộ Tài chính.
- Tổng mức thu thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu, thuế giá trị gia
tăng hàng nhập khẩu, phụ thu đối với một số hàng hóa nhập khẩu: giao cho Tổng cục
Hải quan.
2- Thủ tướng Chính phủ giao cho
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các chỉ tiêu sau:
a) Đầu tư xây dựng cơ bản :
- Tổng mức vốn đầu tư xây dựng
cơ bản tập trung, trong đó: vốn trong nước và vốn ngoài nước.
- Danh mục và vốn đầu tư các dự
án thuộc nhóm A, trong đó: vốn trong nước và vốn nước ngoài.
b) Tài chính :
- Tổng số thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn và chi tiết các khoản thu : thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất
trong nước, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng
nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu.
- Tổng số chi ngân sách địa
phương.
- Chi thực hiện các chương trình
mục tiêu quốc gia và các mục tiêu chương trình, trong đó : chi cho các xã nghèo
đặc biệt khó khăn.
- Bổ sung từ ngân sách trung
ương (nếu có).
3- Thủ tướng Chính phủ ủy quyền
cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư :
- Hướng dẫn các Bộ, cơ quan
Trung ương, địa phương, các Tổng công ty 91 các chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất,
xuất nhập khẩu, lưu thông vật tư hàng hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ,
nhiệm vụ điều tra cơ bản, văn hóa và xã hội nhằm bảo đảm những cân đối lớn của
nền kinh tế quốc dân thực hiện theo đúng định hướng kế hoạch đã đề ra.
- Hướng dẫn về mục tiêu, nhiệm vụ
và vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu, nhiệm vụ của các
chương trình quốc gia cũ cho các Bộ, ngành và địa phương.
- Giao cho các Bộ, các Tổng công
ty 91 danh mục và vốn đầu tư các công trình, dự án nhóm B, trong đó: vốn trong
nước, vốn nước ngoài, vốn cho công tác thiết kế quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư
và vốn chuẩn bị thực hiện dự án.
- Giao cho các địa phương vốn
cho công tác thiết kế quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư, vốn chuẩn bị thực hiện dự
án, cơ cấu vốn đầu tư thực hiện dự án theo một số ngành, lĩnh vực quan trọng,
danh mục dự án và vốn đầu tư nhóm B, trong đó: vốn trong nước, vốn nước ngoài;
thông báo danh mục những dự án nhóm A, B của Trung ương trên địa bàn.
- Đối với vốn tín dụng đầu tư
theo kế hoạch nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo danh mục và mức vốn cho
từng dự án thuộc nhóm A (sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng mức
vốn, đối tượng, lãi xuất và cơ chế cho vay) và giao tổng số vốn của các dự án
nhóm B, C cho các Bộ, ngành địa phương.
4- Thủ tướng Chính phủ ủy quyền
Bộ trưởng Bộ Tài chính :
- Giao dự toán thu, chi ngân
sách nhà nước cho các cơ quan trung ương ngoài các Bộ, cơ quan do Thủ tướng
Chính phủ đã trực tiếp giao.
- Hướng dẫn
các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty 91 các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà
nước bao gồm cả dự toán chi các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu nhằm
bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua và Thủ
tướng Chính phủ giao.
Điều 10. Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị
và Tổng Giám đốc các Tổng công ty 91 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.