Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 89-TC/TCT năm 1993 hướng dẫn thi hành Nghị định 74-CP 1993 thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 89-TC/TCT
Ngày ban hành 09/11/1993
Ngày có hiệu lực 01/01/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bất động sản

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89-TC/TCT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1993

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 89-TC/TCT NGÀY 9 THÁNG 11 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 74/CP NGÀY 25-10-1993 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 10-7-1993 và Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật này. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

1. Những tổ chức, cá nhân nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được quy định ở Điều 1 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và ở Điều 1 Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ, cụ thể thêm: hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp là hộp nộp thuế chỉ trong các trường hợp địa phương chưa thực hiện xong việc giao ruộng đất cho từng hộ nông dân, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất còn nộp thuế chung.

2. Những loại đất phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được quy định tại Điều 2 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và chi tiết tại Điều 2 Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ xin giải thích thêm như sau:

- Uỷ ban nhân dân xã sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã để cho hộ gia đình, cá nhân thuê thì Uỷ ban nhân dân xã là người nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

- Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất đất chuyên nuôi trồng thuỷ sản hoặc vừa nuôi trồng thuỷ sản vừa trồng trọt, về cơ bản không sử dụng vào mục đích khác, bao gồm: ruộng, mặt nước, đầm, hồ, ao, chuôm, ngòi, rạch, sông cụt... đã bao ngăn và có chủ sử dụng.

- Đất trồng cỏ chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất đã giao cho chủ sử dụng vào trồng có thể chăn nuôi.

- Đất trồng rừng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là đất rừng có chủ trồng, chăm sóc, khai thác và đất vườn rừng liền nhà.

3. Những loại đất không phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được quy định ở Điều Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ, hướng dẫn rõ thêm một số trường hợp như sau:

- Hồ chứa nước cho nhà máy thuỷ điện có kết hợp dịch vụ du lịch và nuôi trồng thuỷ sản;

- Hồ, đầm vừa dùng vào kinh doanh, du lịch, dịch vụ .. . có kết hợp nuôi trồng thuỷ sản;

- Nuôi cá lồng ở hồ, đầm, sông;

- Đất do Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuê dùng vào sản xuất nông nghiệp đã thu tiền thuê đất (có bao hàm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp), trừ Uỷ ban nhân dân xã cho thuê đất dành cho nhu cầu công ích của xã đã nói ở mục I phần I Thông tư này.

II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ

1. Xác định diện tích tính thuế: Theo quy định tại Điều Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993, chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 năm 1993, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, kể cả diện được miễn thuế hoặc tạm miễn thuế đều phải kê khai diện tích từng thửa ruộng, đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Diện tích tính thuế của từng thửa ruộng, đất là diện tích thực sử dụng kể cả bờ xung quanh ruộng phục vụ trực tiếp cho sản xuất của thửa ruộng, đất, không tính phần bờ dùng cho giao thông nội đồng hoặc dùng chung cho từ một cánh đồng trở lên.

a. Xác định diện tích tính thuế của từng hộ phải căn cứ vào tờ khai của hộ, đồng thời phải dựa vào các tài liệu sau đây để kiểm tra tính chính xác của tờ khai:

- Diện tích đang tính thuế nông nghiệp năm 1993, diện tích khai hoang đã đến hạn chịu thuế;

- Kết quả đo đạc gần nhất được cơ quan quản lý ruộng đất huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (trong văn bản này gọi chung là huyện) xác nhận. Nếu địa phương chưa đo đạc hoặc số liệu đo đạc chưa chính xác thì phải sử dụng tài liệu: bản đồ, địa bàn cũ, tài liệu về giao đất hoặc giao khoán, đất làm kinh tế gia đình, các quyết định giao đất đối với các doanh nghiệp, nông lâm nghiệp (nông trường, lâm trường, trạm trại...).

b. Trình tự xác định diện tích tính thuế như sau:

- Hộ sử dụng đất tự kê khai diện tích đất được giao, đất nhận khoán và đất tự khai phá gọi chung là đất đang sử dụng theo mẫu biểu hướng dẫn của cơ quan thuế và gửi bản kê khai đó đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (trong văn bản này gọi chung là xã) đối với các hộ nộp thuế lập sổ thuế tại xã, đến Chi cục thuế đối với các hộ nộp thuế lập sổ thuế tại huyện, đúng thời gian và địa điểm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 74/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ;

- Đội thuế xã giúp Uỷ ban nhân dân xã tiếp nhận tờ khai, kiểm tra, đối chiếu tờ khai của từng hộ nộp thuế với các tài liệu hiện có đã nói ở trên, xác định diện tích tính thuế của từng hộ.

Trong quá trình xác định diện tích tính thuế sử dụng đất nông nghiệp, cơ quan thuế phải cùng Hội đồng tư vấn thuế xã xem xét cụ thể từng trường hợp, nếu thấy tờ khai chưa chính xác thì phải đề nghị chủ hộ kê khai lại và phải tổ chức kiểm tra điển hình để xác định đúng diện tích đất chịu thuế của những hộ kê khai chưa chính xác.

Trường hợp có sự khác nhau giữa diện tích đo đạc với kê khai tính thuế của hộ nộp thuế hoặc của một xã, một huyện thì trước mắt tạm duyệt diện tích tính thuế năm 94 theo tờ khai của từng hộ, Uỷ ban nhân dân huyện phối hợp với cơ quan quản lý ruộng đất tỉnh chỉ đạo xác định lại diện tích ngay từ quý I năm 2994 để cuối năm tính thuế, thu thuế và quyết toán thuế theo diện tích đã được xác định lại.

Đội thuế xã thông báo kết quả xác định diện tích tính thuế cho từng hộ nộp thuế, tổng hợp và giúp Uỷ ban nhân dân xã báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện và Chi cục thuế.

2. Việc phân hạng đất tính thuế thực hiện theo quy định của Nghị định số 73/CP ngày 25-10-1993 của Chính phủ được hướng dẫn riêng bằng một văn bản khác.

[...]