Thông tư 86/2006/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 86/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 18/09/2006
Ngày có hiệu lực 25/10/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số 86/ 2006/TT-BTC

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VỐN BỔ SUNG CÓ MỤC TIÊU TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG CHO NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương như sau:

Phần 1:

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập, phân bổ, quyết định giao, chuyển vốn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, bao gồm:

- Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (chương trình 135 giai đoạn II) và các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng.

- Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, nguồn tăng thu ngân sách trung ương và các nguồn khác theo chế độ quy định.

 Trường hợp bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, dự án, nhiệm vụ đã có văn bản hướng dẫn của  Liên Bộ hoặc Bộ Tài chính thì thực hiện theo hướng dẫn đó và những quy định về chế độ báo cáo tại Thông tư này.

2. Thông tư này không áp dụng đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách, chế độ mới có tính chất thường xuyên hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách (như bổ sung thực hiện cải cách tiền lương, bổ sung có mục tiêu thực hiện các chế độ chính sách khác) và vốn bổ sung có mục tiêu bằng hình thức ghi thu, ghi chi từ nguồn vốn ngoài nước.  

3. Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương phải được sử dụng theo đúng mục tiêu đã quy định, không được sử dụng cho các mục tiêu khác.

4. Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

5. Căn cứ dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; căn cứ quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách và căn cứ vào kết quả thực hiện, định kỳ hàng tháng, Bộ Tài chính thực hiện chuyển vốn cho địa phương theo tiến độ thực hiện của mục tiêu, nhiệm vụ đã quy định. 

6. Vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được hạch toán, quyết toán vào thu, chi ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước, Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ và quy định tại Thông tư này.

7. Thực hiện công bố công khai dự toán và quyết toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo quy định.

Phần 2:

 NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. Lập, phân bổ, quyết định giao dự toán ngân sách vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương:

1. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm:

Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; các văn bản hướng dẫn về quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, hướng dẫn việc quản lý đầu tư và xây dựng Chương trình 135 giai đoạn II và các văn bản khác có liên quan; đồng thời, thực hiện một số điểm sau:

- Căn cứ dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới đối với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển gửi Sở Tài chính để tổng hợp; Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới đối với nhiệm vụ chi thường xuyên và tổng hợp phương án phân bổ giao dự toán các khoản vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với từng chương trình, dự án, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới (bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh trước ngày 10 tháng 12 năm trước.

- Sau khi dự toán được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ giao dự toán cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới; đồng thời, tổng hợp kết quả phân bổ, giao dự toán gửi Bộ Tài chính chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định ngân sách địa phương (chi tiết theo phụ lục số 01, 02 và 03).

2. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh như phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh hoặc nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn thường xuyên):

- Việc xác định nhu cầu chi cho các nội dung nêu trên phải căn cứ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, mức độ thiệt hại về thiên tai, dịch bệnh, chế độ chi tiêu ngân sách và khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện. Trường hợp nhu cầu chi tính theo chế độ chính sách vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính và các Bộ liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Căn cứ mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định, căn cứ chế độ quy định  thực hiện nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh hoặc thực hiện nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác; căn cứ chức năng nhiệm vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán ngân sách cho từng cơ quan và ngân sách cấp dưới. Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi thực hiện. Riêng đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương từ nguồn thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Trường hợp vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định đã rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đơn vị sử dụng, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân bổ, giao dự toán cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cùng cấp trong kỳ họp gần nhất biết để giám sát thực hiện.

- Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao bổ sung dự toán cho từng cơ quan, đơn vị và ngân sách cấp dưới để thực hiện, đồng thời tổng hợp (chi tiết theo phụ lục số 04) gửi Bộ Tài chính chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có ý kiến thống nhất với phương án của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. 

II. Về phương thức chuyển vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương:

[...]