Thông tư 825/2000/TT-BKHCNMT hướng dẫn thi hành Nghị định 12/1999/NĐ-CP về xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp do Bộ khoa học công nghệ và môi trường ban hành

Số hiệu 825/2000/TT-BKHCNMT
Ngày ban hành 03/05/2000
Ngày có hiệu lực 18/05/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Hoàng Văn Huây
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ,Vi phạm hành chính

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 825/2000/TT-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 825/2000/TT-BKHCNMT NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2000 VỀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/1999/NĐ-CP NGÀY 6/3/1999 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Thi hành Điều 23 Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (sau đây viết tắt là "Nghị định"), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn cụ thể một số điểm để thi hành Nghị định.

I. ĐỐI TƯỢNG, NGUYÊN TẮC XỬ PHẠT; ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN

1. Đối tượng xử phạt

Đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Nghị định và phải tuân theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 6.7.1995 (sau đây gọi tắt là "Pháp lệnh").

1.1. Theo các quy định đó, mọi đối tượng hội đủ các điều kiện sau đây đều bị xử phạt theo Nghị định:

- Cá nhân từ 16 tuổi trở lên hoặc tổ chức và các chủ thể khác;

- Thực hiện một trong các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến sở hữu công nghiệp quy định tại Chương 2 Nghị định (bất kể việc thực hiện đó là cố ý hay vô ý) và hành vi đó không có yếu tố cấu thành tội phạm;

- Hành vi vi phạm hành chính nói trên được thực hiện tại lãnh thổ Việt Nam;

- Hành vi vi phạm hành chính nói trên được thực hiện trong thời hiệu quy định tại Điều 4 Nghị định.

1.2. Theo các quy định trên, cá nhân từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà thực hiện hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp một cách cố ý tại địa điểm và trong thời gian nói trên cũng bị xử phạt theo Nghị định.

1.3. Cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp tại Việt Nam cũng bị xử phạt theo Nghị định, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà cả Việt Nam và nước mà tổ chức, cá nhân đó mang quốc tịch đều tham gia có quy định khác. Trong trường hợp này, việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều ước quốc tế nói trên.

2. Nguyên tắc xử phạt

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp phải tuân theo các quy định và nguyên tắc xử phạt tại Điều 3 Pháp lệnh và tại Điều 3 Nghị định. Khi áp dụng các nguyên tắc đó cần lưu ý những vấn đề sau đây.

2.1. Nguyên tắc đúng thẩm quyền

Chỉ những người có thẩm quyền quy định tại Chương 3 Nghị định mới được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp với hình thức và mức phạt trong phạm vi thẩm quyền quy định. Không được phép tách một vi phạm thành nhiều vi phạm nhỏ hoặc gộp nhiều vi phạm nhỏ thành một vi phạm lớn hơn nhằm mục đích thay đổi thẩm quyền xử phạt.

2.2. Nguyên tắc đúng đối tượng

Mọi đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nêu tại điểm 1 Thông tư này đều bị xử phạt theo Nghị định. Những đối tượng không thuộc các trường hợp nêu tại điểm đó đều không bị xử phạt theo Nghị định.

Một đối tượng thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì người đó bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều đối tượng cùng thực hiện một hành vi vi phạm thì mỗi đối tượng đều bị xử phạt.

2.3. Nguyên tắc đúng mức độ

Hình thức, mức độ xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp phải phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi xác định hình thức và mức xử phạt, cần phải xem xét thêm về nhân thân và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để có quyết định phù hợp.

2.4. Nguyên tắc kịp thời, triệt để

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Các phát hiện đó phải được thông báo cho những người có thẩm quyền xử phạt hành chính. Khi nhận được thông báo hoặc yêu cầu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, người có thẩm quyền phải xúc tiến ngay các thủ tục cần thiết để bảo đảm đình chỉ ngay việc vi phạm và khắc phục hậu quả.

2.5. Nguyên tắc đúng thủ tục

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp phải được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại các Điều từ 45 đến 56 Pháp lệnh và các Điều từ 14 đến 20 Nghị định.

3. áp dụng các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp

Khi thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, người có thẩm quyền xử phạt không những phải căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh và Nghị định mà còn phải căn cứ vào các quy định về nội dung, thủ tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nêu tại Chương 2 Phần VI Bộ luật dân sự năm 1995, cũng như các quy định khác liên quan nêu tại Nghị định số 63/CP ngày 24.10.1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp (sau đây viết tắt là "Nghị định 63/CP"), Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31.12.1996 và Thông tư này của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

[...]