Thông tư 3055/1997/TT-SHCN hướng dẫn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số thủ tục khác trong Nghị định 63/CP-1996 quy định chi tiết về Sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành

Số hiệu 3055/1997/TT-SHCN
Ngày ban hành 31/12/1996
Ngày có hiệu lực 15/01/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3055/1997/TT-SHCN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 3055-TT/SHCN NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ MỘT SỐ THỦ TỤC KHÁC TRONG NGHỊ ĐỊNH SỐ 63/CP NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1996 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư này nhằm quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thủ tục làm, nộp, xét nghiệm đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ, thủ tục phê duyệt, đăng ký Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, thủ tục xem xét đơn đề nghị cấp li-xăng không tự nguyện, thủ tục sửa đổi, gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ, thủ tục xử lý đơn đăng ký quốc tế về sáng chế, giải pháp hữu ích theo Hiệp ước PCT và đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá theo Thảo ước madrid và thủ túc cấp Giấy phép đại diện sở hữu công nghiệp.

Chương 1:

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các thuật ngữ

1.1. Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

- "Nghị định" dùng để chỉ Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- "Đơn" dùng để chỉ đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ;

- "Đơn sáng chế", "Đơn giải pháp hữu ích", "Đơn kiểu dáng công nghiệp", "Đơn nhãn hiệu", "Đơn tên gọi xuất xứ" tương ứng dùng để chỉ đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế, đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá;

- "Đơn quốc tế" dùng để chỉ đơn đăng ký quốc tế về sáng chế, giải pháp hữu ích nộp theo Hiệp ước PCT;

- "Đơn đăng ký quốc tế" dùng để chỉ đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá nộp theo Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá;

- "Nhãn hiệu" dùng để chỉ "Nhãn hiệu hàng hoá" theo Điều 2 Nghị định;

- "Chủ thể đứng tên tài liệu" là cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức đã làm ra hoặc ban hành hoặc ký thừa nhận giá trị hiệu lực của tài liệu.

1.2. Các thuật ngữ khác được hiểu theo Nghị định.

2. Xác nhận tài liệu

2.1. Xác nhận chữ ký

Trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, thực thi, chuyển giao... quyền sở hữu công nghiệp quy định trong Thông tư này, chữ ký của người đứng tên các giấy tờ, tài liệu giao dịch với các cơ quan có thẩm quyền đều phải được xác nhận rằng đó là của chính người đứng tên tài liệu và trong trường hợp người ký là người đại diện cho chủ thể đứng tên tài liệu, phải được xác nhận rằng người ký là người có thẩm quyền đại diện cho chủ thể đứng tên tài liệu, theo quy định sau đây:

(i) Đối với chủ thể có con dấu hợp pháp, việc xác nhận chữ ký được thực hiện bằng cách đóng dấu của chủ thể lên chữ ký;

(ii) Đối với chủ thể Việt Nam không có con dấu hợp pháp, việc xác nhận chữ ký phải được thực hiện tại Cơ quan công chứng Nhà nước, hoặc tại Cơ quan chính quyền địa phương nơi chủ thể cư trú hoặc có trụ sở;

(iii) Đối với chủ thể nước ngoài không có con dấu hợp pháp, việc xác nhận chữ ký phải được thực hiện tại Cơ quan công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền tương đương.

2.2. Xác nhận bản sao

a. Mọi tài liệu là bản sao bằng bất kỳ cách sao nào đều phải được xác nhận là sao y từ bản gốc theo quy định ở đoạn b) sau đây thì mới được sử dụng làm tài liệu chính thức trong quá trình tiến hành các thủ tục liên quan về sở công nghiệp tại các cơ quan có thẩm quyền.

b. Tài liệu được thừa nhận là sao y từ bản gốc nếu trên bản sao có xác nhận sao y của một trong các cơ quan sau đây: (i) công chứng, (ii) Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền, (iii) cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đã làm ra tài liệu gốc; và, nếu bản sao có nhiều trang, phải xác nhận từng trang hoặc các trang phải được giáp lai.

2.3. Xác nhận bản dịch

a. Mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu đều phải được xác nhận là được dịch nguyên văn từ bản gốc theo đoạn b) sau đây thì mới được sử dụng làm tài liệu chính thức trong quá trình tiến hành các thủ tục liên quan về sở hữu công nghiệp trước các cơ quan có thẩm quyền.

b. Việc xác nhận bản dịch có thể được tiến hành theo mốt trong các cách sau đây: (i) công chứng; (ii) xác nhận của chính chủ thể đứng tên tài liệu gốc; (iii) xác nhận của tất cả các bên tham gia hợp đồng hoặc thoả thuận (nếu tài liệu gốc là hợp đồng hoặc thoả thuận); (iv) thừa nhận của chính cơ quan có thẩm quyền sử dụng bản dịch đó trong quá trình tiến hành thủ tục liên quan.

3. Người nhân danh chủ thể tiến hành các thủ tục về sở hữu công nghiệp

[...]