Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị định 12/1999/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Số hiệu 12/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 06/03/1999
Ngày có hiệu lực 21/03/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/1999 NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Để nâng cao hiệu lực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, góp phần chống sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích thuật ngữ

Các thuật ngữ trong Nghị định này được hiểu như sau:

1. "Đối tượng sở hữu công nghiệp" được hiểu là: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá (bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ), tên gọi xuất xứ hàng hoá.

2. "Chủ sở hữu công nghiệp" được hiểu là: chủ văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, hoặc người được chuyển giao hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ.

3. "Văn bằng bảo hộ" được hiểu là: Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá.

4. "Yếu tố vi phạm" được hiểu là:

Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá đang được bảo hộ;

Dấu hiệu, chỉ dẫn vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nghĩa vụ sở hữu công nghiệp;

Bộ phận sản phẩm, sản phẩm hoặc quy trình sản xuất sản phẩm đồng nhất với bộ phận sản phẩm, sản phẩm hoặc quy trình sản xuất đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích;

Bộ phận sản phẩm, sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp hoặc có chứa một hoặc các bộ phận là thành phần tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức, mức, thủ tục và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hộ và quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp.

2. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định về bảo hộ và quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đều bị xử phạt theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hộ và quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp trong lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo Nghị định này trừ trường hợp các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt, mức phạt

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải bị áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính: cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Phạt cảnh cáo được áp dụng đối với trường hợp vô ý vi phạm; vi phạm nhỏ, lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ.

Trong trường hợp phạt tiền, mức phạt tiền phải tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức phạt thấp hơn nhưng không dưới mức tối thiểu của khung phạt tiền. Trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức phạt cao hơn nhưng không vượt quá mức tối đa của khung phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước có thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

[...]