BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
69/2005/TT-BNN
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2005
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG CHỐNG DỊCH
CÚM (H5N1) Ở GIA CẦM
Thực hiện Chỉ thị số 53 - CT/TW của Ban Bí thư
ngày 28/10/2005 về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm
gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người; Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg của Thủ tướng
Chính phủ ngày 15/10/2005 về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có
hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm
(H5N1) và đại dịch cúm ở người và Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP của Chính phủ
ngày 04/11/2005 về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và
đại dịch cúm A (H5N1) ở người, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm hướng dẫn thực
hiện một số biện pháp chuyên môn nghiệp vụ cấp bách phòng chống dịch cúm ở gia
cầm như sau:
1. Xây dựng kế hoạch hành động
khẩn cấp:
- Căn cứ vào kế hoạch hành động khẩn cấp của
Chính phủ khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người, UBND các
cấp xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của địa phương mình, chuẩn bị lực lượng,
vật tư cần thiết để đối phó với các tình huống xảy ra.
Nội dung cơ bản gồm:
+ Xác định vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao
xảy ra dịch (vùng chăn nuôi mật độ cao, nhất là thủy cầm, gần trục đường giao
thông, gần đô thị và vùng đã xảy ra dịch bệnh);
+ Xây dựng các biện pháp phòng chống cụ thể cho
từng tình huống và mức độ dịch xảy ra;
+ Xác định các lực lượng tham gia thực hiện các
biện pháp chống dịch;
+ Dự trù vật tư, phương tiện, kinh phí;
+ Phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm cụ thể
cho các cấp, các ngành để triển khai thực hiện.
2. Về tổ chức thực hiện:
- Ở cấp tỉnh, huyện :
Tăng cường Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh
và huyện. Thành phần gồm: cấp ủy Đảng, UBND, các đoàn thể, cơ quan nông nghiệp,
y tế, thương mại, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ,
tài chính, kế hoạch, công an, quân sự, văn hóa thông tin.
- Ở cấp xã, phường:
+ Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia
cầm của xã, phường với sự tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và
cán bộ thú y, nông nghiệp;
+ Có tổ chuyên môn để hướng dẫn kỹ thuật, thường
trực theo dõi và tổng hợp tình hình dịch, BÁO CÁO Ban chỉ đạo
phòng chống dịch cúm gia cầm (PCDCGC) xã, phường;
+ Trưởng thôn, ấp, bản chịu trách nhiệm trực tiếp
kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; cùng các tổ chức đoàn thể quần chúng
(Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức
đoàn thể khác) vận động nhân dân giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống
dịch. Mỗi thôn, ấp, bản tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không”:
* Không nuôi thả rông gia cầm;
* Không mua, bán gia cầm bị bệnh;
* Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ
nguồn gốc;
* Không giấu dịch;
* Không vứt xác gia cầm bừa bãi.
+ Thành lập đội xung kích chống dịch, gồm dân
quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, y tế, công an, để phun thuốc tiêu độc khử
trùng môi trường, tiêu hủy gia cầm bị bệnh, trực tại các chốt kiểm dịch;
+ Chuẩn bị đủ kinh phí và vật tư (quần áo bảo hộ
lao động, găng tay, khẩu trang, kính bảo hộ, ủng cao su, thuốc sát trùng) để phục
vụ công tác phòng chống dịch cúm tại địa phương;
- Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên kiểm tra việc
thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của các ngành và cơ sở.
3. Về công tác thông tin
tuyên truyền:
- UBND các cấp giao cho các cơ quan thông tin
tuyên truyền đại chúng của địa phương (báo, đài phát thanh, truyền hình) thường
xuyên phổ biến về tình hình dịch cúm gia cầm và biện pháp phòng chống, những
kinh nghiệm tốt trong phòng chống dịch;
- Các tổ chức đoàn thể quần chúng, nhà trường,
cơ quan, đơn vị tuyên truyền phổ biến thông tin về dịch bệnh và biện pháp phòng
chống tới từng hộ gia đình, hội viên, cán bộ công nhân viên, học sinh;
- Đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất một tài liệu
hướng dẫn về phòng chống dịch cúm gia cầm.
4. Tổ chức hệ thống giám sát
dịch bệnh từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tới các thôn, ấp, bản:
- Phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm cho người
cụ thể ở tất cả các cấp để đảm bảo thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ
tình hình dịch cúm đến từng hộ chăn nuôi gia cầm, phát hiện sớm các ổ dịch mới
xảy ra;
- Thiết lập chế độ BÁO CÁO thường
xuyên để có thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo của UBND các cấp.
5. Tổ chức vệ sinh tiêu độc
khử trùng:
- Tổ chức phun thuốc khử trùng ở các cơ sở chăn
nuôi, nơi buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, đường ra vào
khu vực chăn nuôi;
Đối với cơ sở chăn nuôi, ở nơi có nguy cơ cao,
trong vùng có dịch và các ổ dịch cũ, ít nhất mỗi tuần hai lần; nơi khác ít nhất
một tuần một lần;
Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, UBND xã tổ chức
phun thuốc đồng loạt mỗi tuần một lần. Tùy theo tình hình cụ thể ở địa phương,
cơ quan Thú y hướng dẫn cụ thể số lần phun thuốc, loại thuốc, phương pháp phun
thuốc để có hiệu quả;
Đối với nơi buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ,
chế biến gia cầm, phun hàng ngày. Phương tiện vận chuyển, giết mổ, chế biến gia
cầm, sản phẩm gia cầm và các dụng cụ phục vụ chăn nuôi cần phải được vệ sinh sạch
sẽ và tiêu độc khử trùng.
- Các cơ sở chăn nuôi, nơi buôn bán gia cầm sống,
cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm thường xuyên làm vệ sinh môi trường, xử lý
phân, rác, nước thải;
6. Công tác tiêm phòng vắc
xin cúm gia cầm:
- Chỉ đạo chặt chẽ công tác tiêm phòng để đạt tỷ
lệ tiêm phòng trên 80% đàn gia cầm trong diện tiêm;
- Kiểm soát chặt chẽ việc bảo quản và sử dụng vắc
xin, tránh hư hỏng, thất thoát, lãng phí;
- Tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới
phát sinh theo quy định của cơ quan thú y.
7. Xử lý gia cầm nhiễm bệnh
cúm hoặc chết không rõ nguyên nhân:
- Khi có gia cầm bị bệnh và chết,
hộ chăn nuôi phải báo ngay cho trưởng thôn để BÁO CÁO Ban chỉ đạo PCDCGC của xã
và cấp trên;
- Chính quyền xã cử ngay cán bộ thú y đến lấy mẫu
trên gia cầm bị bệnh, chết và khu vực xung quanh để gửi đi xét nghiệm (trước
khi tiêu hủy);
- Tổ chức tiêu huỷ ngay đàn gia cầm nhiễm bệnh.
Khi dịch xảy ra tại một hộ và các hộ xung quanh
nuôi nhốt thì chỉ tiêu hủy đàn gia cầm của hộ bị dịch. Nếu các hộ nuôi thả rông
thì tiêu hủy toàn bộ gia cầm của các hộ xung quanh. Khi dịch xảy ra tại hai điểm
khác nhau trở lên trong thôn nuôi gia cầm thả rông thì tiêu hủy toàn bộ gia cầm
trong thôn…
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm và tình hình phát
triển của dịch, Ban chỉ đạo PCDCGC cấp tỉnh quyết định việc mở rộng phạm vi
tiêu hủy gia cầm trong vùng có dịch. Phải tiêu hủy tất cả các đàn gia cầm phát
hiện có vi rút mặc dù không có dấu hiệu mắc bệnh.
- Tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường
trong vòng bán kính 3 km từ điểm có dịch; phun thuốc khử trùng các phương tiện
ra vào khu vực có dịch;
- Tiêm phòng bao vây cho toàn bộ gia cầm trong
vùng vành đai 3-5 km tính từ điểm có dịch;
- Khoanh vùng bán kính 3 km kể từ điểm có dịch;
tổ chức giám sát đàn gia cầm trong vùng dịch; bố trí lực lượng canh gác không để
vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng dịch;
- Thông báo về tình hình dịch cho nhân dân trong
xã, phường và các xã, phường lân cận.
8. Về chăn nuôi gia cầm:
- Yêu cầu tất cả các hộ chăn nuôi phải nuôi nhốt
gia cầm ở nơi cố định, nuôi nhốt riêng từng loại gia cầm, gia súc; nghiêm cấm
nuôi gà thả rông, vịt chạy đồng;
- Khuyến khích giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là
các loại thủy cầm, đặc biệt là ngan (vì chưa có vắcxin phòng bệnh cúm);
- Yêu cầu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rắc vôi bột
xung quanh khu vực chuồng nuôi gia cầm;
- Yêu cầu các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi
chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học theo hướng dẫn của
cơ quan thú y;
- Ủy ban nhân dân các cấp quy hoạch và hướng dẫn
phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung. Hạn chế và giảm chăn nuôi ở nơi có nguy
cơ cao về dịch bệnh.
- Thực hiện cấm nuôi gia cầm trong nội thành, nội
thị;
- Xử lý nghiêm khắc các cơ sở ấp nở thuỷ cầm,
chim cút và chăn nuôi trái quy định;
- Các tỉnh, thành phố chủ động có chính sách hỗ
trợ người chăn nuôi gia cầm chuyển nghề khác.
9. Về vận chuyển gia cầm và
sản phẩm gia cầm:
- Vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm giữa các
tỉnh, thành phố phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y;
- Chỉ cho phép vận chuyển vào các khu vực đô thị
(nội thị) sản phẩm gia cầm từ các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung có sự giám
sát của cơ quan thú y;
- Các sản phẩm gia cầm đã được chế biến chín
công nghiệp ở các cơ sở đã đăng ký, có giám sát của cơ quan thú y được phép tự
do lưu thông;
- Cấm vận chuyển gia cầm sống và sản phẩm gia cầm
chưa qua chế biến ra khỏi vùng dịch trong vòng 21 ngày kể từ khi xảy ra ổ dịch
cuối cùng;
- Nghiêm cấm vận chuyển gia cầm sống và sản phẩm
gia cầm chưa qua chế biến, xử lý trên các phương tiện vận chuyển hành khách
công cộng;
- Trứng thủy cầm trước khi xuất bán phải được
ngâm chloramine B hoặc xông formaline, có sự giám sát của thú y;
- Thành lập các chốt kiểm dịch trên các trục đường
giao thông chính ra vào tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoạt động 24/24
giờ, gồm cán bộ thú y, công an và quản lý thị trường để kiểm tra, kiểm soát lưu
thông gia cầm và sản phẩm gia cầm liên tỉnh. Tại các chốt kiểm dịch phải có đủ
phương tiện để thực hiện tiêu độc, khử trùng;
- Giao cho các huyện, xã giáp ranh giữa các tỉnh
thiết lập các điểm kiểm soát việc vận chuyển gia cầm qua địa bàn, hoạt động
24/24 giờ.
- Thành lập các đội kiểm dịch lưu động để kiểm
soát, xử lý gia cầm không đi qua các chốt kiểm dịch cố định;
- Kiên quyết xử lý việc vận chuyển gia cầm và
các sản phẩm gia cầm trái phép.
10. Về giết mổ và buôn bán
gia cầm và sản phẩm gia cầm:
- Các địa phương khẩn trương tổ chức giết mổ gia
cầm tập trung, có sự giám sát của cơ quan thú y; trước hết để phục vụ các thành
phố, thị xã, khu công nghiệp;
- Quy định những nơi buôn bán gia cầm sống và sản
phẩm gia cầm chưa qua chế biến cả ở đô thị và nông thôn; chỉ đạo thực hiện các
yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các
cơ sở chế biến và buôn bán tiết canh gia cầm. Khuyến cáo người dân không ăn trứng
sống, trứng trần, trứng ốp la và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín;
11. Đối với chim cảnh, chim
hoang dã:
- Cấm vận chuyển và buôn bán chim cảnh, chim
hoang dã vào nội thành, nội thị;
- Khi phát hiện thấy chim bị bệnh, chết phải báo
ngay cho cơ quan thú y;
- Không nuôi chim cảnh ở nơi công cộng, nơi có
đông người qua lại hoặc tụ tập;
- Đối với gia cầm, chim cảnh nuôi ở vườn thú,
nơi công cộng phải nuôi kín, không để du khách đến gần, thực hiện tiêu độc khử
trùng thường xuyên và giám sát vi rút cúm theo quy định của cơ quan thú y;
- Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các vườn
chim tự nhiên.
- Đối với gà chọi, gà cảnh, người nuôi phải đăng
ký với Uỷ ban nhân dân xã, phường và phải tiêm phòng để được cấp giấy chứng nhận,
được sử dụng.
12. Uỷ ban nhân dân các
tỉnh biên giới chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hải quan, quản lý thị
trường, công an, bộ đội biên phòng và cơ quan thú y để tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý triệt để gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu
qua biên giới.
Các xã biên giới phải thành lập các chốt kiểm dịch
để ngăn chặn gia cầm nhập lậu.
13. Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ sung đủ lực lượng thú y để triển khai
thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trực các chốt kiểm dịch, kiểm soát
các chợ, các lò mổ, cơ sở chế biến. Mỗi xã, phường phải có ít nhất một cán bộ
thú y chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ đã nêu trên, ở các thôn bản phải có
thú y viên. Cán bộ thú y chuyên trách ở xã được hưởng phụ cấp theo Nghị định số
33/2005/NĐ- CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ; thú y viên khác được hưởng chế độ
bồi dưỡng trong thời gian tham gia phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Tài
chính.
Đảm bảo phương tiện, trang thiết bị và kinh phí
cho các hoạt động chống dịch, ưu tiên trang bị cho cơ quan thú y và y tế.
Những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
chăn nuôi lớn và có điều kiện cần đầu tư phòng xét nghiệm riêng để xét nghiệm
chẩn đoán dịch bệnh theo phân cấp và mua sắm đủ phương tiện, trang thiết bị để
cho cơ quan thú y hoạt động.
14. Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chế độ BÁO CÁO về tình hình dịch bệnh
và biện pháp phòng chống tại địa phương. Từ nay đến 31/3/2006 yêu cầu hàng ngày
gửi BÁO CÁO về thường trực Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC (Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn) trước 16 giờ theo địa chỉ Email: dah.vn@fpt.vn
hoặc Fax: 04.8686339;
Yêu cầu các địa phương không giấu dịch hoặc BÁO
CÁO sai lệnh về tình hình dịch bệnh.
15. Thông tư này có hiệu
lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng
mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ
tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo quốc gia PCDCGC;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ, ngành liên quan;
- UBND các tỉnh, TP;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP;
- Chi cục Thú y các tỉnh, TP;
- Công báo CP;
- Lưu: VT, TH, Cục Thú y.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|