Công văn số 1786/TTG-NN của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người

Số hiệu 1786/TTG-NN
Ngày ban hành 10/11/2005
Ngày có hiệu lực 10/11/2005
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1786/TTG-NN
V/v: phòng chống dịch cúm
gia cầm và đại dịch cúm ở người

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2005 

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người thời gian qua (từ ngày 25 tháng 10 năm 2005), kế hoạch trong thời gian tới và ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tại cuộc họp ngày 7 tháng 11 năm 2005 với Ban chỉ đạo và các cơ quan thông tin báo chí, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, các địa phương, các Bộ, ngành đã bước đầu khởi động tích cực trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp ở không ít địa phương, Bộ, ngành còn chậm, chưa quyết liệt, chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm, nguy cơ lây truyền của dịch bệnh và yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch khẩn cấp; rất nhiều người vẫn còn quá chủ quan, thờ ơ với nguy cơ hiểm họa của dịch; công tác tuyên truyền bước đầu đã có tác dụng tốt, nhưng cũng chưa tương xứng với yêu cầu.

Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát ở một số địa phương (dịch xảy ra sớm hơn so với cùng kỳ năm 2004) và đã có thêm một người tử vong do nhiễm vi rút cúm A (H5N1).

2. Để triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp, không để dịch cúm gia cầm tái phát, lây lan ra diện rộng và chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây sang người, yêu cầu:

a) Tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, coi đây là biện pháp đặc biệt quan trọng, nhân tố quyết định hàng đầu để cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho mọi người có nhận thức, hiểu rõ về dịch bệnh, tình hình diễn biến bệnh dịch và nguy cơ, hiểm họa của bệnh dịch để chủ động, tự giác tham gia các biện pháp phòng, chống bệnh nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Bộ Văn hóa và Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phải có một chuyên mục riêng và tăng thêm thời lượng tuyên truyền cho công tác đặc biệt khẩn cấp này; nội dung thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, chính xác, phản ánh được tình hình dịch bệnh, kết quả triển khai thực hiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

b) Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan huy động lực lượng chuyên môn, liên ngành, lực lượng vũ trang (quân đội, công an), dân quân tự vệ và học sinh, sinh viên của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn, bố trí đủ kinh phí, vật tư, phương tiện và có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, không để dịch tái phát ra diện rộng. Tập trung thực hiện tốt các biện pháp cụ thể sau đây:

Tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các cơ sở và chuồng trại chăn nuôi gia cầm, nơi buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhằm tiêu diệt mầm bệnh, không để phát sinh bệnh dịch.

- Tập trung chỉ đạo đảm bảo đủ vắc xin và thực hiện thật tốt việc tiêm vắc xin cho đàn gia cầm theo kế hoạch.

Giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở, khi có dịch xảy ra hoặc phát hiện có gia cầm, đặc biệt là đàn thủy cầm nhiễm vi rút cúm, phải công bố dịch theo qui định của pháp luật về thú y và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tiêu hủy ngay đàn gia cầm (kể cả gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân), không để dịch lây lan ra diện rộng. Thực hiện các biện pháp khẩn cấp khống chế, dập tắt ổ dịch và tiêu độc, khử trùng, bao vây ổ dịch, cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, thức ăn của gia cầm ra khỏi vùng có dịch. Hỗ trợ kịp thời thiệt hại cho người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy theo qui định hiện hành.

Nghiêm cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch. Phải lập các chết kiểm dịch có sự tham gia của cán bộ thú y, quân đội, công an, quản lý thị trường tại các đầu mối giao thông chính, các cửa ngõ vào nội thành, nội thị, tại các vùng có dịch. Nếu phát hiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch thì tịch thu và tiêu hủy không bồi thường.

- Nghiêm cấm buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch. Cơ quan quản lý thị trường chủ trì phối hợp với thú y, y tế kiểm tra nếu phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch thì tịch thu, tổ chức tiêu hủy, không bồi thường. Kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm bày bán ở các chợ, các điểm qui định. Có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp tẩu tán, vứt xác và cho người khác gia cầm đã mắc bệnh hoặc chết chưa rõ nguyên nhân.

Bộ Thương mại phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn việc bảo đảm cung cấp các loại thực phầm khác thay thế gia cầm, sản phẩm gia cầm; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm.

- Cấm nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm tươi sống và lông vũ chưa qua xử lý hóa chất. Tịch thu và tiêu hủy toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; xử lý nghiêm khắc đối với chủ hàng.

- Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, kiên quyết ngăn chặn không để dịch cúm A (H5N1) ở người xảy ra. Các Bộ, ngành, địa phương từ Trung ương đến cơ sở phải chuẩn bị tốt và đầy đủ mọi điều kiện về con người, cơ sở vật chất, phương tiện thuốc men để phòng, chống dịch theo phương châm sẵn sàng dập tắt dịch tại chỗ và ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống dịch và thường xuyên thông tin, tuyên truyền để mọi người tự phòng, chống bệnh; có phương án huy động lực lượng diễn tập, chuẩn bị đủ trang thiết bị, vật tư, cơ số thuốc. Bằng các giải pháp bảo đảm số lượng thuốc Tamiflu cần thiết; khẩn trương triển khai ngay việc sản xuất vắc xin cúm theo yêu cầu của nhiệm vụ phòng, chống dịch trong tình hình khẩn cấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức triển khai, thực hiện tốt việc trang bị phòng hộ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

3. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và có sự tham gia của cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên kiểm tra việc triền khai, thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp theo Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch của Trung ương và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời bổ sung những thiếu sót trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng đủ các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

4. Ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương đảm bảo chi theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch như: hỗ trợ đối với người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy; thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng; tiêu hủy đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm bị tịch thu do nhập lậu hoặc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ chưa được kiểm dịch; trang bị bảo hộ và bồi dưỡng cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch; công tác thông tin, tuyên truyền nhằm mục tiêu cao nhất là không để dịch xảy ra, bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính để bố trí ngân sách theo yêu cầu của kế hoạch hành động khẩn cấp trong cả nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương cho kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn, nếu có khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
Nguyễn Tấn Dũng