Thông tư 67/2019/TT-BTC quy định về nội dung và mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 67/2019/TT-BTC
Ngày ban hành 23/09/2019
Ngày có hiệu lực 08/11/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2019/TT-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NỘI DUNG VÀ MỨC CHI THỰC HIỆN CÔNG TÁC THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định nội dung và mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Thông tư này quy định nội dung và mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước.

b) Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản hỗ trợ có mục đích, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án thăm dò, khai quật khảo cổ thì thực hiện theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) hoặc theo quy định của cơ quan chủ quản sau khi có sự thỏa thuận của đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính (nếu có); trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính không có quy định riêng thì áp dụng theo quy định tại Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn ngân sách nhà nước:

Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

2. Nhà nước khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác từ các đơn vị, tổ chức và cá nhân để thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ đảm bảo hợp pháp.

Điều 3. Nội dung chi

1. Chi điều tra khảo cổ, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia điều tra; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị điều tra; thuê phương tiện đi lại, nơi ở của cán bộ khoa học, kỹ thuật và chuyên gia tư vấn.

2. Chi thăm dò khảo cổ, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia thăm dò; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công đào thăm dò; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị vật tư, dụng cụ, văn phòng phẩm; lán trại trên công trường; thuê phương tiện đi lại, nơi ở của cán bộ khoa học và chuyên gia tư vấn; các công việc vẽ kỹ thuật, dập hoa văn, chụp ảnh di tích, di vật; đền bù hoa màu khu vực đào thăm dò.

3. Chi khai quật khảo cổ, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia khai quật; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công khai quật, bảo vệ hiện trường; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị vật tư, dụng cụ, văn phòng phẩm phục vụ khai quật; thuê phương tiện đi lại, nơi ở của cán bộ khoa học trực tiếp tham gia khai quật và chuyên gia tư vấn; vẽ kỹ thuật, dập hoa văn, chụp ảnh di tích, di vật; đền bù hoa màu và giải phóng mặt bằng khu vực khai quật; mua hoặc thuê máy móc phục vụ khai quật; xử lý bảo quản tạm thời di tích, di vật.

4. Chi chỉnh lý, nghiên cứu di tích, di vật sau thăm dò và khai quật, bao gồm: Chi thù lao cán bộ khoa học, kỹ thuật trực tiếp tham gia chỉnh lý, nghiên cứu; thù lao chuyên gia tư vấn; thuê nhân công phục vụ chỉnh lý, bảo quản di vật; mua sắm hoặc thuê trang thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm phục vụ chỉnh lý; thuê kho, bãi hoặc làm nhà kho tạm nhằm bảo quản di tích, di vật để chỉnh lý, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học; thuê phân tích mẫu hiện vật; gắn chắp, phục dựng hiện vật; đo vẽ, chụp ảnh, lập hồ sơ khoa học cho các di vật; đóng gói và vận chuyển hiện vật về bảo tàng hoặc địa điểm lưu giữ hiện vật sau khi khai quật của từng địa phương.

5. Chi hội thảo phục vụ công tác thăm dò, khai quật khảo cổ; hội thảo báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ và kết quả nghiên cứu, chỉnh lý di tích, di vật.

6. Chi xây dựng hồ sơ khoa học về kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ, bao gồm: Chi viết báo cáo sơ bộ, báo cáo khoa học; tập hợp các kết quả nghiên cứu, tư liệu lịch sử; lựa chọn ảnh, bản vẽ, bản dập hoa văn phục vụ báo cáo; in ấn, nhân bản báo cáo.

7. Chi hoạt động bộ máy của đoàn khai quật hoặc của dự án thăm dò, khai quật khảo cổ bao gồm: Chi cho điện nước, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường, chi lương, phụ cấp cho bộ máy quản lý, chi khác (nếu có).

Điều 4. Mức chi

1. Chi thù lao cho cán bộ khoa học, kỹ thuật (là người của cơ quan có chức năng thực hiện dự án thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc được cử tham gia thường xuyên và trực tiếp vào dự án thăm dò, khai quật khảo cổ): mức chi 300.000 đồng/người/ngày. Số ngày làm căn cứ để thanh toán chi bồi dưỡng là số ngày thực tế trực tiếp làm việc tại hiện trường khai quật hoặc trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chỉnh lý hiện vật khảo cổ theo sự phân công và có sự xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc chủ nhiệm đề tài/dự án trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

[...]