Thông tư 634-CNH-H-25 năm 1964 thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ban hành do Nghị định 102-CP-1963) do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 634-CNH-H-25
Ngày ban hành 02/12/1964
Ngày có hiệu lực 17/12/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Tạ Hoàng Cơ
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
*******

Số: 634-CNH-H-25

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1964

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (BAN HÀNH DO NGHỊ ĐỊNH SỐ 102-CP NGÀY 06/7/1963 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ)

Ngày 06/7/1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành điều lệ quản lý ngoại hối của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, kèm theo Nghị định số 102-CP.
Căn cứ vào điều 3 của Nghị định nói trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định sau đây những chi tiết cần thiết để thi hành bản điều lệ quản lý ngoại hối của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (sau đây gọi tắt là điều lệ).

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

1. Phạm vi quản lý ngoại hối.

Theo điều 1 của điều lệ, mọi việc xuất nhạp khẩu, mua bán, cất giữ ngoại hối và mọi hình thức sử dụng khác như thanh toán, trao đổi, chuyển nhượng, ký kết hợp đồng,… trực tiếp bằng ngoại hối hoặc gián tiếp liên quan đến ngoại hối đều phải thi hành đúng theo những quy định của điều lệ.

Ngoại hối quy định trong điều 2 của điều lệ bao gồm:

- Các loại tiền của nước ngoài là những loại tiền giấy và tiền bằng kim khí do nước ngoài phát hành (sau đây gọi là ngoại tệ).

- Các phương tiện để trả gồm có: séc thường, séc lữ hành, séc bưu điện, thư tín dụng lữ hành lệnh trả tiền và những giấy tờ khác có giá trị thanh toán ghi bằng tiền nước ngoài như biên lai gửi tiền, giấy chứng nhận bảo hiểm v.v…

- Các loại phiếu gồm có: phiếu kho bạc, ngân phiếu bưu điện, hội phiếu, trái phiếu, cố phiếu, sổ tiết kiệm v.v… do nước ngoài phát hành.

- Kim khí quý gồm có: vàng, bạc, bạch kim và các loại kim khí khác, nguyên chất hay hợp kim dưới các hình thức thôi, khối, nén, lá, hột, mạnh vụn v.v… hoặc đã làm thành tư trang, đồ dùng trang hoàng, vật lưu niệm, đồng tiền cũ không còn giá trị lưu hành v.v…

- Đá qúy gồm các loại như kim cương, sa phía, ngọc thạch, v.v… còn nguyên thể hoặc đã chế biến.

2. Đối tượng quản lý ngoại hối:

Tất cả mọi công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và công dân nước ngoài ra, vào hoặc lưu trú tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều phải theo đúng những quy định của điều lệ và thông tư trong việc xuất nhập và sử dụng ngoại hối.

Trong điều lệ, có quy định “người cư trú” và “người không cư trú”, quy định này nhằm phân biệt quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người về mặt kinh tế đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong khi thi hành điều lệ quản lý ngoại hối.

Nói chung “người cư trú” là người có nguồn gốc sinh sống chính thức tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không phân biệt họ là người nước ngoài hay là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Các khoản thu nhập chủ yếu bảo đảm đời sống và hoạt động kinh doanh, của “người cư trú” có nguồn gốc tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trái lại, “người không cư trú” là người có nguồn sinh sống chính tại nước ngoài, không phân biệt họ là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hay là người nước ngoài. Nguồn gốc các khoản thu nhập chủ yếu bảo đảm đời sống và hoạt động kinh doanh của “người không cư trú”, là ở nước ngoài chứ không phải ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cho nên trong những quy định về người “người cư trú” và “người không cư trú” nói ở điều 3 của điều lệ, cần chú ý mấy điểm sau đây:

a) Những người Việt Nam thường xuyên làm ăn sinh sống ở nước ngoài trên một năm đều là “người không cư trú”, trừ những người công tác trong cơ quan đại diện của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt tại nước ngoài và những cán bộ, học sinh do Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cử ra nước ngoài công tác hay học tập, không kể thời gian dài hay ngắn.

b) Những cơ quan ngoại giao, đại diện, v.v… của nước ngoài đặt tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, không kể thời gian dài hay ngắn, đều là “người không cư trú”.

c) Những hãng buôn, những cơ sở kinh doanh về công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài chính, tiền tệ, v.v… của những cá nhân hay công ty nước ngoài tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đều là “người cư trú”, không kể thời gian hoạt động dài hay ngắn.

d) Những người nước ngoài thường xuyên sinh sống tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên một năm, ngoài những người đã nói ở điểm b (phần “người không cư trú”), điều 1 của điều lệ, đều là “người cư trú”.

3. Cơ quan phụ trách việc quản lý ngoại hối:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm về việc quản lý ngoại hối trong phạm vi quy định của điều lệ này. Ngoài ra, căn cứ điều 2 của Nghị định số 115-CP ngày 30/10/1962 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước ủy nhiệm cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam việc thi hành những công tác quản lý ngoại hối đã được nêu lên trong điều lệ, trừ việc xử lý các vụ phạm pháp nói ở điều 23 của điều lệ.

Chương 2:

 QUẢN LÝ VIỆC XUẤT NHẬP, MUA BÁN, CẤT GIỮ NGOẠI HỐI

Những việc xuất nhập khẩu ngoại hối nói trong điều lệ bao gồm mọi hình thức xuất nhập như chuyển qua Ngân hàng, mang theo người, gửi qua Bưu điện, hoặc bằng mọi cách khác không qua Ngân hàng Nhà nước hay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

A. XUẤT NHẬP KHẨU NGOẠI HỐI

[...]