Thông tư 63/2000/TT-BTCCBCP hướng dẫn việc hỗ trợ và tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội người mù Việt Nam do Ban Tổ chức cán Bộ chính phủ ban hành

Số hiệu 63/2000/TT-BTCCBCP
Ngày ban hành 05/10/2000
Ngày có hiệu lực 20/10/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ
Người ký Đỗ Quang Trung
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2000/TT-BTCCBCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ SỐ 63/2000/TT-BTCCBCP NGÀY 05 THÁNG 10 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC HỖ TRỢ VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NĂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

Thực hiện Chỉ thị của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước:

- Chỉ thị 51/CT-TW ngày 12/4/1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam;

- Điều 3, 5, 27, 28 của Pháp lệnh về Người Tàn tật được công bố tại Lệnh số 06/1998/L-CTN ngày 30/7/1998 của Chủ tịch nước;

- Điều 2, 16, 17 của Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh về Người tàn tật;

- Chỉ thị số 01/CT ngày 05/01/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các Hội quần chúng;

Sau khi đã có ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, và Trung ương Hội Người mù Việt Nam; Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động của Hội người mù Việt Nam như sau:

I. VỀ TỔ CHỨC VÀ BỐ TRÍ CÁN BỘ CỦA HỘI NGƯỜI MÙ:

1/ Về Tổ chức:

a) Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định hành động theo đa số và làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Hội người mù có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở gồm:

- Hội ở Trung ương;

- Hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Hội ở quận, huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh, là tổ chức cơ sở của Hội.

Xã, phường và các đơn vị đông người mù có các chi hội.

b) Các cấp hội được có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng và việc thành lập Hội phải theo đúng pháp luật hiện hành.

c) Việc thành lập Hội ở địa phương theo quy định như sau:

Những địa phương nào có 300 người mù trở lên, tự nguyện xin gia nhập Hội và xét thấy có nhu cầu, thì đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định thành lập và giao nhiệm vụ Sở Lao động - Thương binh - Xã hội là cơ quan có trách nhiệm bảo trợ Hội.

2/ Về bố trí đội ngũ cán bộ các cấp Hội:

a) Đối với Trung ương hội:

Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ sẽ căn cứ vào yêu cầu, điều kiện và khả năng cụ thể giao biên chế (người sáng) giúp việc Trung ương Hội, việc bố trí người cụ thể Trung ương Hội quyết định theo quy định chung của Nhà nước.

b) Đối với Hội ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh):

Ở tỉnh hội có cán bộ sáng đã trong biên chế Nhà nước sắp xếp sang hoặc hợp đồng lao động dài hạn để chuyên trách. Số lượng cụ thể của từng tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào số lượng hội viên và quy mô hoạt động của Hội quyết định trong tổng biên chế hành chính sự nghiệp của địa phương.

c) Đối với Hội ở cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là huyện):

Ở huyện hội có cán bộ sáng giúp việc trong biên chế Nhà nước hoặc hợp đồng, hợp đồng lao động dài hạn để chuyên trách. Số lượng cụ thể của từng huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ vào nhu cầu, hiệu quả hoạt động của Hội quyết định, trong tổng biên chế hành chính sự nghiệp đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

II. VỀ LƯƠNG VÀ CÁC CHẾ ĐỘ HIỆN HÀNH ĐỐI VỚI HỘI NGƯỜI MÙ:

Cán bộ chuyên trách của Hội thuộc chỉ tiêu biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển xếp lương theo (Bảng lương hành chính) Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang, được hưởng các chế độ chính sách như đối với công chức Nhà nước.

[...]