Thông tư 85/1997/TT/BTC hướng dẫn Chỉ thị 254/TTg-1994 về việc các cấp chính quyền hỗ trợ và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội chữ thập đỏ Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 85/1997/TT/BTC
Ngày ban hành 22/11/1997
Ngày có hiệu lực 07/12/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Tào Hữu Phùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 85/1997/TT/BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 85/1997/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ 254/TTG NGÀY 6-5-1994 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN HỖ TRỢ VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT ngày 05-01-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các Hội quần chúng;
Căn cứ Chỉ thị số 254/TTg ngày 16-5-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc các cấp chính quyền hỗ trợ và tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội chữ thập đỏ Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19-12-1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước.
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 05-8-1997 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Thông tư số 30 TC/VT ngày 12-6-1997 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại;
Sau khi thống nhất với Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện thu, chi tài chính của Hội chữ thập đỏ Việt Nam như sau:

I. NGUỒN THU TÀI CHÍNH CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM

Hội chữ thập đỏ Việt Nam là Hội đoàn thể quần chúng, hoạt động theo điều lệ của Hội đã được Chính phủ phê duyệt. Nguồn tài chính của Hội gồm các khoản sau đây:

1. Nguồn đóng góp hội phí của hội viên cho tổ chức Hội.

2. Nguồn thu từ hoạt động sản xuất dịch vụ của Hội theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn thu từ sự quyên góp hảo tâm của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ Hội và Quỹ nhân đạo.

4. Nguồn thu từ cứu trợ và viện trợ nhân đạo, viện trợ, các dự án, chương trình phát triển của các cá nhân và tổ chức Quốc tế thông qua Hội.

5. Nguồn do NSNN hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

II. QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NGUỒN TÀI CHÍNH CỦA HỘI

1. Nguồn cứu trợ;

Tất cả các nguồn cứu trợ của tổ chức Quốc tế và tổ chức nhân đạo do các cấp Hội tiếp nhận đều phải chuyển giao toàn bộ đến nơi được cứu trợ theo thoả thuận của các tổ chức cứu trợ, không được giữ lại khi chưa được phép của Chính phủ. Những dự án, chương trình mà các tổ chức cứu trợ không cho chi phí quản lý, vận chuyển thì Hội phải đề nghị UBND và cơ quan Tài chính cùng cấp xem xét hỗ trợ với điều kiện:

- Những lô hàng đã có địa chỉ nhận thì đơn vị nào, địa phương nào được nhận phải tự lo kinh phí tiếp nhận, vận chuyển. Hội chữ thập đỏ Việt Nam giúp thủ tục nhận hàng không chi khoản phí này.

- Những lô hàng chưa có địa chỉ nhận thì Hội chữ thập đỏ Việt Nam trực tiếp nhận và làm việc với Bộ Tài chính để xem xét tạm ứng khoản chi phí tiếp nhận ban đầu. Sau khi nhận về nếu phân chia cho địa phương, cho đơn vị nào thì địa phương, đơn vị đó phải tự lo chi phí vận chuyển và chi phí quản lý. Hội chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm thu khoản chi phí này và thanh toán với NSNN khoản tạm ứng nêu trên.

2. Nguồn thu từ viện trợ phát triển, dự án, chương trình: Hội thực hiện theo đúng hiệp định đã thoả thuận với bạn, mọi chi phí quản lý dự án như tổ chức triển khai, tiền chi phí vận chuyển, đi lại, trả phụ cấp cho những người tổ chức thực hiện dự án Hội không được tự động trích mà phải làm việc với tổ chức tài trợ, viện trợ để xin chi vào dự án. Trường hợp những dự án nào mà các tổ chức tài trợ, viện trợ, đã đồng ý cho Hội được trích một tỷ lệ để bổ sung cho việc chi quản lý hành chính của Hội nhằm giảm chi cho NSNN và xây dựng quỹ nhân đạo thì Hội phải thực hiện đúng cam kết với các tổ chức tài trợ và viện trợ đó, trường hợp dự án mà các tổ chức tài trợ, viện trợ không đồng ý, Hội vẫn phải thực hiện đúng theo cam kết với các tổ chức tài trợ và viện trợ.

3. Các nguồn thu từ sản xuất, dịch vụ của Hội được phân phối và sử dụng như quy định đối với đơn vị sự nghiệp có thu quy định tại Thông tư số 01TC/HCVX ngày 4-1-1994 và Thông tư số 25 TC/TCT ngày 28-3-1994 của Bộ Tài chính.

4. Nguồn thu từ sự quyên góp hảo tâm của các cá nhân và tổ chức ủng hộ: Hội phải mở sổ sách theo dõi, lập Quỹ nhân đạo để sử dụng khi cần cứu trợ thì có nguồn giải quyết được ngay, nếu ủng hộ cho địa phương nào thì Hội chuyển giao cho địa phương đó và chi đúng với yêu cầu của tổ chức, cá nhân ủng hộ. Hội được trích 3% tổng kinh phí vận động, quyên góp bằng tiền cho Quỹ nhân đạo mà không có địa chỉ cụ thể để cho cho công tác quản lý, chuyển giao đến địa chỉ được cứu trợ.

5. Nguồn kinh phí NSNN cấp hỗ trợ theo Luật Ngân sách Nhà nước cùng với các nguồn thu hợp pháp khác của Hội được dùng vào việc nộp niên liễm Quốc tế, chi quản lý hành chính thường xuyên của Hội như trả lương cho cán bộ công nhân viên theo biên chế được cấp có thẩm quyền duyệt, chi công tác phí... Việc trả lương phải theo đúng quy định tại Thông tư số 252/TCCP-TC ngày 20-11-1995 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.

Chi quản lý hành chính của cấp Hội nào do ngân sách của cấp đó xem xét hỗ trợ. Việc trả phụ cấp cho cán bộ lãnh đạo cơ sở của Hội, Hội sử dụng trong nguồn kinh phí tự có của cấp Hội để chi, mức chi theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.

III. QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ THANH QUYẾT TOÁN THU, CHI

1. Để có căn cứ hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên, hàng năm các cấp Hội phải lập dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán theo đúng chế độ quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.

2. Nguồn tài chính có được từ viện trợ, cứu trợ, dự án phát triển... Dưới dạng tiền, hiện vật cần làm đầy đủ các thủ tục tiếp nhận theo Quyết định số 80/QĐ ngày 28-3-1991 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định quan hệ tiếp nhận hàng viện trợ với các tổ chức phi Chính phủ và Nghị định số 87/CP ngày 05-8-1997 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Trường hợp hàng viện trợ không phù hợp với điều kiện sử dụng của Nhân dân thì Hội làm văn bản trình Chính phủ cho phép bán theo hình thức đấu giá đã được Nhà nước quy định, số tiền thu được phải sử dụng đúng mục đích viện trợ đã thoả thuận với tổ chức viện trợ.

- Khi thực hiện dự án cứu trợ, viện trợ nếu có phát sinh một số chi phí như bốc vác, quản lý, lưu kho, bến bãi... thì các cấp Hội lập dự toán trình UBND và cơ quan Tài chính cùng cấp xem xét hỗ trợ khoản kinh phí này.

- Nếu trong dự án đã được tổ chức cứu trợ, viện trợ thoả thuận cho chi phí quản lý, lưu kho, bến bãi... thì các cấp Hội phải thực hiện đúng cam kết với bạn, trong quá trình thực hiện chi phí quản lý đã cam kết, nếu có tiết kiệm được thì phần tiết kiệm đó được bổ sung vào nguồn kinh phí chi hành chính của Hội và khen thưởng cho những đơn vị, cá nhân phục vụ dự án.

3. Các cấp Hội chữ thập đỏ có trách nhiệm lập dự toán, quản lý, chấp hành và quyết toán các khoản viện trợ không hoàn lại bằng tiền hoặc hiện vật của các Chính phủ, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài theo quy định của Nghị định số 87/CP ngày 19-12-1996 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp, quản lý, lập, chấp hành và quyết toán NSNN; Thông tư số 30/TC-VT ngày 12-6-1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. những quy định trước đây trái với nội dung quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

[...]