Chỉ thị 1-CT năm 1989 về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 1-CT |
Ngày ban hành | 05/01/1989 |
Ngày có hiệu lực | 20/01/1989 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Nguyễn Khánh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Quyền dân sự |
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1-CT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 1 năm 1989 |
CHI THỊ
Đến nay, Nhà nước ta đã cho phép thành lập trên 100 Hội quần chúng hoạt động trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, y tế, xã hội, thể dục, thể thao...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, nhiều Hội đã hoạt động đúng hướng có hiệu quả thiết thực, chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội. Nhưng cũng có một số Hội hoạt động còn hình thức, hoặc chưa theo đúng các quy định của Nhà nước.
Để bảo đảm quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong việc lập các Hội quần chúng, đồng thời tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các Hội quần chúng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thực hiện đúng các quy định sau đây:
1. Các Hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện của hội viên. Những Hội hoạt động trong phạm vi cả nước phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cấp giấy phép. Những Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép và phải báo cáo để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng biết. Những tổ chức quần chúng hoạt động có tính chất tương tế, phúc lợi ở xã, phường, thôn, ấp như Hội bảo thọ, Hội bảo trợ học đường... do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường cho phép, nhưng phải báo cáo để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện biết.
Trong trường hợp Hội và tổ chức quần chúng hoạt động trái với Điều lệ Hội và vi phạm pháp luật của Nhà nước thì cơ quan chính quyền cấp giấy phép xem xét, nếu cần thiết thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động của tổ chức đó.
2. Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý Nhà nước của cơ quan quản lý lĩnh vực đó. Các cơ quan này có nhiệm vụ tạo điều kiện để Hội nắm được chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Hội động viên hội viên hăng hái thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thu thập ý kiến của hội viên đóng góp với cơ quan Nhà nước trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, các nhiệm vụ công tác của ngành và địa phương.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp cần tôn trọng quyền tự quản của các Hội quần chúng, giúp đỡ các Hội hoạt động có hiệu quả và theo đúng pháp luật.
3. Các Hội hoạt động theo nguyên tắc tự quản, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt theo chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mọi chi phí về hoạt động của Hội (bao gồm cả việc trả lương cho cán bộ chuyên trách của Hội, trụ sở, phương tiện) đều do Hội tự lo liệu. Trong một số trường hợp cụ thể, theo đề nghị của từng Hội, Nhà nước có thể bảo trợ cho Hội một phần kinh phí và phương tiện hoạt động.
4. Ban Tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này.
|
Nguyễn Khánh (Đã ký)
|