Thông tư 62/2008/TT-BNN sửa đổi Thông tư 02/2006/TT-BTS thi hành Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 62/2008/TT-BNN
Ngày ban hành 20/05/2008
Ngày có hiệu lực 15/06/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Việt Thắng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN
/-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 62/2008/TT-BNN

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2008

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA THÔNG TƯ SỐ 02/2006/TT-BTS NGÀY 20 THÁNG 3 NĂM 2006 CỦA BỘ THỦY SẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2005/NĐ-CP NGÀY 4 THÁNG 5 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ - CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT – BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2005/NĐ - CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2006/TT - BTS) như sau:

1. Điểm b, khoản 1 Mục I được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b. Điều kiện kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y thuỷ sản thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Pháp lệnh Thú y, Điều 54 của Nghị định số 33/2005/NĐ - CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và điểm c, khoản 1 Điều 4 Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.”

2. Điểm c, Khoản 3, Mục II được sửa đổi như sau:

“c) Những hoạt động khai thác thủy sản bị cấm bao gồm:

- Các hoạt động khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hoá chất hoặc chất độc;

- Sử dụng các loại nghề hoặc công cụ chuyên khai thác cá nóc;

- Các nghề sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ nhất quy định tại điểm đ khoản 2 Mục II của Thông tư số 02/2006/TT-BTS;

- Các nghề và loại tàu khai thác thuỷ sản bị cấm hoạt động trong một số tuyến khai thác:

+ Tuyến bờ cấm các nghề: lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực) và các nghề khác mà UBND cấp tỉnh quy định đã được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính hoặc chiều dài đường nước thiết kế lớn hơn quy định tại Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển .

+ Tại tuyến lộng cấm các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng vượt quá quy định tại điểm đ khoản 2 Mục II của Thông tư số 02/2006/TT-BTS; các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy lớn hơn quy định tại Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.”

3. Điểm a, khoản 4, Mục II về thủ tục và trình tự cấp, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản được sửa đổi như sau:

“a) Trường hợp xin cấp giấy phép lần đầu hoặc gia hạn giấy phép:

- Thủ tục, trình tự và lệ phí cấp giấy phép, gia hạn giấy phép theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.

Đơn xin cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 của Thông tư số 02/2006/TT-BTS .

Đơn xin gia hạn giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư số 02/2006/TT-BTS .

- Thời hạn của giấy phép được gia hạn thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.”

4. Khoản 5, Mục II về các trường hợp thu hồi Giấy phép được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Các trường hợp thu hồi Giấy phép theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 của Luật Thuỷ sản. Hành vi vi phạm khác mà pháp luật đã quy định phải thu hồi Giấy phép bao gồm:

- Hành vi quy định tại khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép 06 tháng (nếu có);

- Hành vi quy định tại khoản 8, Điều 10 Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản thì bị tịch thu và hủy Giấy phép giả, Giấy phép bị tẩy xoá, sửa chữa”.

5. Điểm b, khoản 1, Mục III sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản được sửa đổi như sau:

“b. Đối với hàng hoá là ngư cụ (bao gồm cả nguyên liệu để chế tạo ngư cụ) và trang thiết bị khai thác thủy sản thực hiện theo quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 89/2006/NĐ - CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hoá và văn bản hướng dẫn Nghị định này”.

6. Điểm b, khoản 6, Mục III được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b. Người quản lý hoặc nhân viên bán hàng của cơ sở phải có trình độ trung cấp trở lên về một trong các chuyên ngành: nuôi trồng thủy sản, thú y, chăn nuôi, sinh học hoặc có chứng chỉ tập huấn hợp pháp về thức ăn nuôi thủy sản do các cơ quan có thẩm quyền cấp”.

7. Bỏ điểm d, đ khoản 6, mục III.

[...]