Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 62/1999/TT-BTC về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 62/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 07/06/1999
Ngày có hiệu lực 05/05/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 62/1999/TT-BTC NGÀY 07 THÁNG 6 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VÀ TÀI SẢN TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý sử dụng vốn và tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I- CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1- Đối tượng áp dụng Thông tư này là doanh nghiệp Nhà nước được quy định tại Điều 1 của Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ.

2- Tài sản của doanh nghiệp Nhà nước bao gồm: tài sản cố định và đầu tư dài hạn, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn được hình thành từ vốn nhà nước và các nguồn vốn khác.

Mọi tài sản do doanh nghiệp đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi không phải là tài sản của doanh nghiệp.

3- Vốn pháp định của doanh nghiệp Nhà nước là số vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ quy định cho từng ngành nghề.

4. Vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước là vốn thuộc sở hữu Nhà nước ghi trong điều lệ doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp phải công bố công khai vốn điều lệ và các trường hợp thay đổi vốn điều lệ.

5- Vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng trừ đi (-) các khoản nợ phải trả ở thời điểm báo cáo.

6- Vốn thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp Nhà nước bao gồm: các khoản nợ phải trả và vốn thuộc sở hữu Nhà nước;

Các khoản nợ phải trả bao gồm: nợ ngắn hạn, nợ dài hạn và nợ khác.

7- Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị). Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) phải xây dựng quy chế quản lý vốn và tài sản để cụ thể hoá các quy định trong Thông tư này đối với doanh nghiệp mình nhằm sử dụng các loại vốn vào hoạt động kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ.

8- Doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các hoạt động kinh doanh trước pháp luật và trước các chủ nợ trong phạm vi vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.

II- ĐẦU TƯ VỐN VÀ GIAO VỐN CHO DOANH NGHIỆP

1- Đầu tư vốn:

1.1. Nhà nước đầu tư vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước mới thành lập ở những ngành, những lĩnh vực quan trọng:

- Doanh nghiệp Nhà nước thành lập mới phải thực hiện đúng các trình tự, thủ tục hiện hành quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 28/08/1996 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước.

- Các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định thành lập doanh nghiệp mới phải bảo đảm đủ vốn thực có tại thời điểm thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định cho mỗi ngành nghề đã quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 28/08/1996 của Chính phủ.

1.2- Trong quá trình kinh doanh, căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp và khả năng ngân sách Nhà nước, Nhà nước xem xét đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp trong những trường hợp cần thiết.

2- Giao vốn cho doanh nghiệp:

Doanh nghiệp Nhà nước được Nhà nước giao vốn thuộc sở hữu Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp sau khi đã được kiểm tra, thẩm định theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2.1. Số vốn giao cho doanh nghiệp được xác định như sau:

a- Đối với doanh nghiệp thành lập mới là số vốn Nhà nước ghi trong quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản bàn giao sang sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ được Nhà nước bổ sung và vốn khác thuộc sở hữu Nhà nước (nếu có).

b- Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động và thành lập lại (sáp nhập, chia tách) là số vốn thuộc sở hữu Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp thành viên, sau khi đã được kiểm tra, thẩm định theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Trước khi giao vốn, doanh nghiệp phải xác định rõ những tồn tại về mặt tài chính (tài sản thừa, thiếu, mất mát, hư hỏng, kém mất phẩm chất, tài sản ứ đọng chậm luân chuyển, không cần dùng, chờ thanh lý, công nợ khó đòi, các khoản lỗ luỹ kế, các khoản chi phí chưa có nguồn bù đắp và các tổn thất tài sản khác), nguyên nhân và trách nhiệm của những người liên quan đến các tồn tại để xử lý theo chế độ hiện hành. Những tồn tại tài chính do thực hiện chủ trương của Nhà nước thì doanh nghiệp phải kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý. Những tồn tại chưa thể xử lý được thì ghi rõ trong hồ sơ giao vốn. Doanh nghiệp thành lập lại và doanh nghiệp tiếp nhận doanh nghiệp khác sáp nhập vào được kế thừa các quyền lợi và thực hiện mọi nghĩa vụ của doanh nghiệp Nhà nước trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách.

Các khoản vốn tăng thêm do được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện Luật khuyến khích đầu tư trong nước hoặc được cấp lại các khoản phải nộp ngân sách theo Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được coi là vốn có nguồn gốc từ ngân sách:

Các khoản vốn tăng thêm nói trên và vốn được Nhà nước cấp bổ sung sau khi đã giao vốn đều được tính vào số vốn Nhà nước giao cho doanh nghiệp.

[...]