THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
61-TTg
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 2 năm 1961
|
THÔNG TƯ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 61-TTG NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM
1961 GIẢI THÍCH CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ THỐNG NHẤT NHỮNG NHÀ CHO THUÊ Ở CÁC THÀNH PHỐ
VÀ THỊ XÃ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính
gửi:
|
- Ông Chủ nhiệm Văn phòng cải
tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương,
- Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tài chính, Nội thương, Ngoại giao và Công an,
- Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân,
- Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao,
- Ông Tổng Thanh tra của Chính phủ,
- Ông Tổng giám độc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam,
- Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh,
|
Thông tư này nhằm giải thích các
nghị định số 19/CP, số 20/CP của Hội đồng Chính phủ đã ban hành ngày 29 tháng 6
năm 1960 và Nghị định số 24/CP ngày 13-2-1951 bổ sung một số điểm vào 2 nghị định
nói trên về chính sách đối với việc cho thuê nhà của tư nhân ở các thành phố và
thị xã.
I- SỰ CẦN THIẾT PHẢI QUẢN LÝ THỐNG NHẤT NHÀ CHO THUÊ Ở CÁC
THÀNH PHỐ VÀ THỊ XÃ
Ở Miền Bắc nước ta, dưới chế độ
cũ, nhà cửa cho thuê là một công cụ bóc lột của giai cấp bóc lột, đối với quần
chúng lao động. Chủ có nhiều nhà cho thuê phần đông là những nhà tư sản công
thương nghiệp, là những địa chủ, quan lại, sĩ quan nguỵ cũ, là những viên chức
cũ được bọn thống trị ưu đãi. Cũng có một số chủ có nhiều nhà cho thuê không
thuộc thành phần bóc lột, nhưng hầu hết những nhà họ có đều do nguồn gốc bóc lột
của ông cha để lại hoặc do mua rẻ trong những lúc tình hình rối ren mà có. Chủ
có nhiều nhà cho thuê nhờ dịa vị kinh tế của mình, ngoài việc chiếm hữu diện
tích ở rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, lại đã lợi dụng tình trạng khan hiếm nhà thường
xuyên và nghiêm trọng dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, để tìm mọi thủ đoạn bóc lột
nhân dân lao động bằng cách đầu cơ, tăng giá tiền thuê không có hạn độ, đuổi
nhà, câu kết với bọn mối lái trung gian ăn hoa hồng bắt người thuê đặt tiền cọc
trước, bắt lễ lạt, biếu xén, giỗ tết, làm công không, hoặc cho thuê cả những gầm
cầu thang, buồng để đồ đạc và những chỗ ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu không
khí, v.v... Hiện nay nhiều nhà cho thuê đã quá cũ kỹ, nhưng chủ có nhà cho thuê
chỉ lấy tiền mà không sửa chữa, do đó, nhà càng hư hỏng, luôn luôn đe doạ an
toàn những người ở trong nhà.
Với hình thức cho thuê, chủ nhà
đã bòn rút và tước đoạt của nhân dân lao động một phần thu nhập quan trọng. Khi
tính tiền cho thuê, chủ nhà đã đổ lên đầu người thuê mọi thứ tiền tu sửa, khấu
hao, tiền thuê đất, lợi nhuận và mọi khoản chi phí khác. Trong quá trình cho
thuê, họ đã thu hết và có khi thu gấp 2, 3 lần số vốn bỏ ra. Từ ngày hoà bình lập
lại, chính quyền ta đã có một số biện pháp để quản lý nhà trong các thành phố
và thị xã, và đã thu được một số kết quả. Tuy chủ nhà không dám công khai đối xử
tàn tệ với người đi thuê như trước, nhưng họ vẫn tiếp tục đầu cơ, tăng giá nhà,
lấy tiền đặt cọc, cấu kết với bọn trung gian v.v... nhất là tìm mọi cách trốn
tránh việc thi hành chính sách như bán chạy nhà, chia gia tài, kéo bà con đến ở
lấy tiền thuê ngầm để trốn thuế, v.v...
Những biện pháp của cơ quan Nhà
nước đã áp dụng trong thời gian trước đây còn nhiều thiết sót, đến nay lại càng
không phù hợp với yêu cầu của tình hình, đòi hỏi phải tích cực cải tạo quan hệ
thuê mượn nhà cửa, xoá bỏ bóc lột và cải thiện đời sống nhân dân lao động.
II- NỘI DUNG
CỦA CHÍNH SÁCH THỐNG NHẤT QUẢN LÝ ĐỐI VỚI NHÀ CHO THUÊ CỦA TƯ NHÂN
Giải quyết nhà cửa là một vấn đề
nằm trong toàn bộ nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chế độ cũ chỉ thoả mãn
nhu cầu của một số ít người, chế độ ta phải thoả mãn yêu cầu ngày một tăng của
tuyệt đại đa số người của nhân dân lao động. Trong tình hình của ta hiện nay,
nhiệm vụ đó đề ra rất cấp thiết.
Trong các nghị định của Hội đồng
Chính phủ lần này chưa phải giải quyết toàn bộ vấn đề nhà cửa, mà chủ yếu là đề
ra những chính sách và chủ trương thống nhất quản lý đối với nhà cho thuê của
những chủ nhà có nhiều nhà cho thuê.
Mặc dầu phương thức bóc lột về
nhà cửa là phương thức bóc lột lạc hậu hơn so với công nghiệp tư bản và một phần
nào còn mang cái tính chất bóc lột phong kiến, nhưng trong tình hình của ta, chủ
trương của Đảng và Chính phủ đối với chủ có nhiều nhà cho thuê cũng áp dụng
chính sách hoà bình cải tạo như đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư
doanh. Tinh thần của chính sách là phải xoá bỏ bóc lột về nhà cửa, nhưng đối với
người có nhiều nhà cho thuê thì cũng có sự chiếu cố về nhiều mặt cũng như đối với
các nhà tư bản công thương nghiệp.
Nội dung cơ bản của chính sách
là chuyển chế độ tư hữu về nhà cửa cho thuê của tư nhân qua chế độ công hữu về
nhà cửa của toàn dân. Nhà nước thay mặt nhân dân đứng ra quản lý, sử dụng và
phân phối nhà ở. Sau khi chuyển nhà cho Nhà nước quản lý, sử dụng và phân phối,
người có nhiều nhà cho thuê chỉ còn được hưởng một khoản tiền dưới hình thức
trích tiền thuê nhà, trả cho chủ nhà một tỷ lệ cố định mà không kiểm kê định
giá và trả lãi như trong cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh.
Yêu cầu cụ thể là:
Hạn chế đi đến xoá bỏ bóc lột về
nhà cửa, sử dụng hợp lý nhà cửa sẵn có, nâng cao chất lượng nhà cửa nhằm bảo đảm
an toàn, vệ sinh và cải thiện đời sống nhân dân lao động đi thuê nhà, cải tạo
người tư sản, biến họ thành người lao động và sống nhờ lao động chứ không phải
sống bám vào sự bóc lột bằng cho thuê nhà.
III- CÁC
CHÍNH SÁCH CỤ THỂ
Xuất phát từ những nội dung cơ bản
của chính sách nói trên, nghị định của Hội đồng Chính phủ có quy định những
chính sách cụ thể dưới đây:
1. Đối tượng quản lý:
Trong nghị định bổ sung lần này
có quy định những đối tượng phải giao nhà cho Nhà nước quản lý là những người
có nhà cho thuê thuộc thành phần tư sản, phú nông, những địa chủ, những người
có diện tích cho thuê khoảng từ 120 thước vuông đến 150 thước vuông trở lên hoặc
thu khoảng từ 1.000 đồng trở lên trong một năm.
Tinh thần các điểm ấy còn nói rõ
như sau:
- Tất cả những người thuộc thành
phần tư sản và phú nông có bao nhiêu diện tích nhà cho thuê đều phải chuyển tất
cả cho Nhà nước quản lý và sử dụng.
Tất cả những người bị quy là địa
chủ trong cải cách ruộng đất, dù có bao nhiêu diện tích nhà cho thuê đều phải
giao cho Nhà nước quản lý và sử dụng. Đối với con người địa chủ ta vẫn đối đãi
với họ như chính sách của Đảng và Chính phủ đối với địa chủ, nhưng phần nhà cửa
cho thuê của họ thì giải quyết như nhà cửa cho thuê của tư sản, không đặt vấn đề
tịch thu, trưng thu, trưng mua. Riêng đối với nhà cửa cho thuê của địa chủ cường
hào gian ác thì tiếp tục thi hành các bản án của Toà án đối với tài sản của
chúng.
- Về diện tích tính vào khởi điểm
quản lý chỉ tính những nhà gạch hoặc có giá trị tương đương với nhà gạch trở
lên như nhà tôn có tường gạch, nhà gỗ lợp ngói v.v... Diện tích tính khởi điểm
là tính diện tích chủ nhà đã cho thuê (cả nhà chính và nhà phụ). Nếu chủ nhà có
nhà gạch hoặc nhà có giá trị tương đương với nhà gạch đủ khởi điểm quản lý thì
những nhà khác của họ đang cho thuê (nhà vách đất, nứa lá v.v...) cũng đều phải
giao cho Nhà nước quản lý. Diện tích tính khởi điểm là diện tích hiện nay chủ
nhà đang cho thuê, kể cả diện tích trước đây không cho thuê nhưng gần đây do
nhu cầu của cơ quan, đoàn thể v.v... mà vừa mới cho thuê.
Trong nghị định lần này có nâng
mức khởi điểm của ngoại thành Hà Nội, Hải Phòng và các thành thị khác lên bằng
nội thành Hà Nội, Hải Phòng là để phù hợp với tình hình thực tế ở các nơi ấy.
Tuy nhiên, những nơi đã tiến hành xong theo tinh thần Nghị định số 19/CP thì
nay cũng không cần phải sửa lại vì trước tính 100 thước vuông là chỉ tính diện
tích nhà chính cho thuê, nay nếu tính cả diện tích phụ cho thuê cũng xấp xỉ với
khởi điểm mới.
Khoảng cách từ 120 thước vuông đến
150 thước vuông là để các địa phương có thể xem xét, cân nhắc tuỳ đối tượng cụ
thể mà quyết định, tránh được những trường hợp không cần dựa vào đối tượng hoặc
tránh để sót, những đối tượng xét cần phải giao nhà cho Nhà nước quản lý.
- Về tiền cho thuê để tính vào
khởi điểm, đây là tính tiền thuê bình quân trong 3 năm (1957-1958-1959) chưa trừ
thuế nhưng không tính gộp các thu nhập khác vào.
- Đối với những chủ nhà già yếu
mất sức lao động, mà nếu giao nhà cho Nhà nước, thu nhập còn lại không đủ sống
thì có thể được tạm hoãn giao nhà cho Nhà nước quản lý mà chỉ cần họ phải thi
hành chính sách sửa chữa nhà và chính sách giá cả như đối với những người có ít
nhà cho thuê.
- Đối với những chủ nhà thuộc
thành phần bóc lột đi thuê nhà để ở, đồng thời lại có nhà cho thuê, thì trong
khi quản lý ta chiếu cố để lại cho họ ở một diện tích bình quân bằng bình quân
để lại cho các tư sản khác không phải trả tiền thuê, phần còn lại sẽ tính tỷ lệ
tiền thuê cố định trả cho họ.
- Khi giao nhà cho Nhà nước chủ
có nhà cần làm các thủ tục kê khai và Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh ra
quyết định công nhận.
2. Về mức tiền thuê cố định và
diện tích để lại cho chủ ở:
Điều 3 Nghị định số 19/CP quy
đinh: "chủ nhà được hưởng từ 15 đến 50% tiền thuê nhà..." và "được
giữ lại một diện tích để ở không quá 200 thước vuông, trừ trường hợp đặc biệt".
Tinh thần của điều lệ này là:
- Chủ nhà sau khi giao nhà cho
Nhà nước, Nhà nước chiểu theo tinh thần chính sách mà tính tiền cho thuê nhà trả
cho chủ một số tiền cố định bằng từ 15 đến 50% giá tiền thuê nhà theo giá Nhà
nước quy định. Tỷ lệ tiền thuê cố định để lại cho chủ nhà nhiều hay ít là căn cứ
vào chất lượng và công dụng của nhà cửa hiện nay, đồng thời có chiếu cố những
người có ít diện tích cho thuê mà thu nhập thấp và hạn chế những người có nhiều
diện tích cho thuê và thu nhập quá cao. Nếu chưa có giá quy định, thì trong khi
chờ đợi Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể căn cứ vào giá cho thuê
nhà của Nhà nước hiện nay ở địa phương mà ấn định một giá tạm thời. Sau khi có
giá chính thức sẽ điều chỉnh theo giá mới, nếu chủ nhà đã lĩnh quá cũng không
phải hoàn lại, và nếu lĩnh kém hơn cũng không được bù thêm. Nhưng chủ nhà vì
các lý do khác nhau mà không muốn nhận tỷ lệ tiền thuê nhà nói trên, thì tiền
đó sẽ gửi vào Ngân hàng.
- Về diện tích để lại cho chủ ở,
thì cần gấp rút nghiên cứu quy định tiêu chuẩn thống nhất cho các thành phần
trong xã hội. Hiện nay nói chung chủ nhà đều ở quá rộng, cần phải thu hẹp lại
cho hợp lý. Mức 200 thước vuông quy định trong Điều 3 của Nghị định số 19/CP là
mức tối đa dành cho những gia đình đông con cháu đã có vợ, chồng nhưng vẫn còn ở
chung một nhà. Mức để lại cụ thể cho từng gia đình cần phải xem xét thận trọng
và do Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh quyết định. Riêng đối với một số
người làm công tác nghiên cứu khoa học, văn hoá, những nhân sĩ yêu nước và một
số nhà tư sản tiêu biểu, thì có thể chiếu cố rộng rãi hơn.
- Đối với những diện tích mà chủ
nhà hiện ở quá rộng phải rút bớt ra thì cơ quan phụ trách nhà cửa sẽ phân phối
cho các cơ quan, các đoàn thể và nhân dân lao động thiếu nhà. Cần phải dành một
phần quan trọng để sử dụng vào các lợi ích công cộng của nhân dân lao động như
vườn trẻ, nhà ăn, lớp học, bệnh viện, nhà đẻ v.v... và để phân phối cho những
người lao động đang không có nhà hay đang phải chui rúc trong các gầm cầu, lô cốt
và những nơi rất chật hẹp. Đối với diện tích rút bớt ra này Nhà nước cũng tính
tiền thuê cố định trả cho chủ nhà như các diện tích khác đã cho thuê.
3. Tiếp quản và sửa chữa nhà cửa
(Nghị định bổ sung).
Tinh thần của Nghị định bổ sung
là: trước khi tiếp quản nhà cửa, cơ quan có trách nhiệm cần xác định và phân loại
các nhà cửa. Đối với nhà bỏ trống lấy ra thì cũng định tỷ lệ tiền thuê cố định.
nhưng thấp hơn so với tỷ lệ định cho các nhà khác.
Đối với nhà hư nát quá không bảo
đảm an toàn cho người ở và còn có thể gây nguy hiểm cho những người ở chung
quanh thì ra lệnh cho chủ nhà phải phá đi.
Trước khi chuyển giao nhà cho
Nhà nước quản lý thì chủ có nhà cho thuê phải có trách nhiệm tu sửa nhà cửa. Nếu
chủ nhà không còn khả năng để sửa chữa thì Nhà nước tự đứng ra sửa chữa và mọi
chi phí về sửa chữa sẽ trừ dần vào tiền cố định trả cho chủ.
- Đối với những nhà còn tương đối
tốt nhưng vì lợi ích công cộng phải phá đi thì chủ nhà vẫn tiếp tục được hưởng
tiền thuê cố định từ 2 đến 3 năm.
Nếu sau này nhà nào hư hỏng,
không còn giá trị sử dụng, Nhà nước phải phá đi, thì chủ nhà không được hưởng tỷ
lệ tiền thuê cố định nữa. Trong khi phá bỏ thì lấy tiền bán nguyên vật liệu cũ
để trả công phá, nếu còn thừa có thể trích một phần trả cho chủ.
Vốn huy động ở chủ nhà là nhằm để
tu sửa nhà. Những chủ nhà lâu nay đã làm tròn trách nhiệm về tu sửa thì tiền bỏ
thêm ra để tiếp tục tu bổ nhà sau này hoặc làm thêm nhà mới sẽ được hưởng lãi định
mức khoảng từ 3 đền 5%. Lãi đó cơ quan quản lý nhà trả thường kỳ cho chủ nhà.
Đối với những chủ nhà là tư sản
công thương nghiệp, nếu đã bỏ vốn do tích luỹ tiền thuê nhà vào hợp doanh rồi
thì nay phải bỏ thêm số tiền cho thuê mà họ thu được từ sau ngày công tư hợp
doanh vào việc sửa chữa nhà.
Tuỳ tình hình cụ thể mà các địa
phương giải quyết việc chủ nhà bỏ vốn cho hợp tình, hợp lý, không truy ép nhưng
cũng không bỏ qua những số tiền rõ ràng do tích luỹ bằng cho thuê nhà cửa mà
có.
4. Đối với nhà vắng chủ (Điều 4
trong Nghị định).
Về nguyên tắc, tất cả nhà vắng
chủ đều do Nhà nước quản lý, không giao cho một tư nhân nào quản lý dù trước
đây họ đã có giấy chứng nhận hợp pháp của chính quyền ta.
Những người quản lý không có giấy
tờ hợp pháp và những người quản lý thuộc thành phần bóc lột thì ngoài việc giao
nhà vắng chủ ấy lại cho Nhà nước quản lý còn phải trả số tiền cho thuê nhà thu
được từ ngày mình quản lý đến nay sau khi đã trừ thuế, tiền sửa chữa và các chi
phí về quản lý khác. Những người có khả năng thì phải thanh toán ngay. Những
người không có khả năng trả ngay thì tuỳ theo hoàn cảnh của từng người mà quy định
phải trả dần trong một thời gian nhất định khoảng từ 1 đến 2, 3 năm. Uỷ ban
hành chính khu, thành phố, tỉnh xét tuỳ trường hợp cụ thể có thể hoãn trả hoặc
miễn, giảm.
Đối với người quản lý là bố mẹ đẻ,
vợ chồng chính thức, con đẻ, nếu lâu nay vẫn thu tiền nhà hoặc có giấy uỷ quyền
của người chủ mà tự nguyện xin quản lý nhà vắn chủ ấy thì chính quyền địa
phương xét và cho được hưởng mọi quyền lợi và làm mọi nhiệm vụ như người chủ nhà.
Đối với những người quản lý nhà
vắng chủ, nếu lâu này vẫn sống nhờ vào tiền thuê nhà và không có nguồn sống nào
khác, khi giao nhà cho Nhà nước quản lý nếu gặp khó khăn thì cần tìm cách sắp xếp
công việc làm cho họ.
Đối với người quản lý nhà vắng
chủ để ở thì nay cũng phải trả tiền thuê. Nếu diện tích họ ở quá rộng thì nên để
lại cho họ ở với diện tích phải chăng, còn bao nhiêu Nhà nước phân phối cho người
khác thuê. Từ nay trở đi không còn tư nhân nào quản lý nhà vắng chủ nữa.
5. Đối với chủ nhà cho thuê dưới
diện cải tạo: (theo Nghị định số 20/CP ngày 29-6-1960).
Mục đích cuối cùng đi đến xoá bỏ
chế độ cho thuê nhà của tư nhân, nhưng từ nay đến đó, cần phải nghiên cứu một
chính sách thích hợp đối với loại chủ nhà này. Trước mắt, Nhà nước cần phải quản
lý chặt chẽ các mặt sau đây:
- Về giá cả cho thuê do Nhà nước
quy định;
- Cho thuê nhà phải có hợp đồng
thuê mượn và phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà, đất địa phương.
- Hàng tháng chủ nhà phải trích
một phần tiền thuê nhà gửi vào Ngân hàng làm quỹ tu sửa và phải có trách nhiệm
tu sửa nhà kịp thời. Nếu nhà hư nát mà chủ nhà không có khả năng tu sửa hoặc
Nhà nước đứng ra tu sửa và sau trừ dần vào tiền thuê nhà hoặc nếu nhà quá hư
nát thì sau khi sửa chữa, người đứng ra sửa chữa được quản lý sử dụng nhà và chỉ
trả cho chủ một khoản bồi thường về xác nhà cũ.
- Khi cần thiết vì ích lợi
chung, Nhà nước có thể điều chỉnh, phân phối diện tích cho thuê đó, hoặc Nhà nước
có thể dỡ đi và có bồi thường thích đáng.
- Chủ nhà nào nếu để lại ở một
diện tích quá rộng thì Nhà nước cũng có rút bớt diện tích thừa ấy mà phân phối
cho người khác thuê.
6. Đối với nhà cửa cho thuê của
các Hội, của các tôn giáo và ngoại kiều:
Tuy trong nghị định không nói
rõ, nhưng giải quyết theo tinh thần sau đây:
a) Đối với nhà của các Hội Việt
Nam và của các Hội ngoại kiều:
- Nhà cửa Hội nào mà pháp luật của
nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không thừa nhận thì do Nhà nước quản lý và sử dụng.
- Nhà của Hội nào không có người
quản lý hợp pháp thì Nhà nước đứng ra quản lý, nhà của Hội nào lâu nay Nhà nước
đã quản lý thì nay Nhà nước tiếp tục quản lý và sử dụng.
- Đối với Hội nào có nhà cho
thuê theo lối tư bản chủ nghĩa, thì nên vận động họ tự nguyện xin giao cho Nhà
nước quản lý việc cho thuê. Nhà nước trích một phần tiền cho thuê trả cho Hội.
b) Đối với nhà cho thuê thuộc
quyền sở hữu của các tôn giáo:
- Những nhà cho thuê dưới khởi
điểm quản lý thì chủ có nhà được tự kinh doanh dưới sự quản lý kiểm soát của
Nhà nước.
- Những nhà cho thê trên khởi điểm
quản lý thì coi như là trong diện mà Nhà nước quản lý, sử dụng, nhưng không đặt
vấn đề học tập với chủ có nhà cho thuê.
Trong khi thi hành cần nghiên cứu
kỹ hơn để làm tốt về kinh tế và chính trị. Chú ý về mặt chính trị.
c) Đối với nhà của ngoại kiều:
- Đối với kiều dân của các nước
xã hội chủ nghĩa thì áp dụng chính sách như đối với người Việt Nam.
- Kiều dân các nước khác: Nhà
nào vắng chủ do Nhà nước quản lý:
+ Nhà nào cho thuê phải tuân
theo pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
d) Đối với nhà của các Chính phủ
các nước:
- Nhà để dùng cho các cơ quan: sứ
quán. Lãnh sự, Thương vụ v.v... mà Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã thừa
nhận, thì Nhà nước bảo vệ tôn trọng.
- Nhà vắng chủ của ngoại kiều
thì Nhà nước quản lý và sử dụng.
IV- CÁCH TIẾN
HÀNH
Việc tiến hành thống nhất quản
lý nhà cửa cần làm theo phương châm nhẹ nhàng, nhanh gọn, tốt, đảm bảo yêu cầu
về kinh tế và chính trị, không nên tổ chức việc học tập kéo dài hoặc quần chúng
đấu tranh không cần thiết.
Thông tư này nhằm giải thích những
điểm đã có trong các nghị định và những điểm bổ sung. Trong khi tiến hành cải tạo
nếu có những điểm khác thuộc về chính sách cụ thể thì Uỷ ban hành chính khu,
thành phố, tỉnh cần báo cáo để Hội đồng Chính phủ ra quyết định bổ sung.