Thông tư 60/2012/TT-BNNPTNT quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 60/2012/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 09/11/2012
Ngày có hiệu lực 25/12/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2012/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DIỆN TÍCH RỪNG TRONG LƯU VỰC PHỤC VỤ CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các dịch vụ điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức và cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động xác định diện tích rừng trong lưu vực.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lưu vực là một vùng diện tích tự nhiên được giới hạn bởi đường phân thủy đón nhận nước rơi và hội tụ về một dòng sông, suối, đầm, hồ, được xác định bởi đường ranh giới khép kín theo đường phân thủy từ điểm đầu ra của lưu vực; trong mỗi lưu vực có thể bao gồm nhiều lưu vực nhỏ hơn gọi là tiểu lưu vực.

2. Điểm đầu ra của lưu vực là điểm thoát nước mặt chủ yếu của lưu vực như: điểm xả nước chính của đập thủy điện, điểm thu nước của nhà máy cấp nước sạch hoặc cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước lưu vực.

3. Mô hình số hoá độ cao là mô hình thể hiện bằng số sự thay đổi liên tục của độ cao mặt đất trong không gian được sử dụng như dữ liệu đầu vào của quá trình xử lý số liệu xác định ranh giới lưu vực.

Điều 4. Quy định về bản đồ lưu vực

1. Hệ quy chiếu bản đồ lưu vực theo tiêu chuẩn Việt Nam VN2000.

2. Tỷ lệ bản đồ áp dụng theo quy mô diện tích lưu vực như sau:

a) Lưu vực có diện tích dưới 10.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/10.000 hoặc 1/5.000.

b) Lưu vực có diện tích từ 10.000 ha đến 100.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/25.000.

c) Lưu vực có diện tích từ trên 100.000 ha đến 500.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/50.000.

d) Lưu vực có diện tích lớn hơn 500.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/100.000.

Điều 5. Nguyên tắc xác định lưu vực

1. Xác định lưu vực gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về phạm vi diện tích rừng cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng như cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch, sản xuất công nghiệp.

2. Việc xác định lưu vực phải đảm bảo tính khách quan, khoa học và công khai, minh bạch.

3. Đối với dòng sông, suối có lưu vực nằm trên lãnh thổ Việt Nam và quốc gia khác, thì chỉ xác định phần diện tích trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Điều 6. Phương pháp xác định lưu vực

1. Xác định lưu vực bằng bản đồ địa hình như sau:

[...]