Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 535-TTg năm 1958 về việc lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 535-TTg
Ngày ban hành 12/12/1958
Ngày có hiệu lực 27/12/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 535-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1958 

 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC LÃNH ĐẠO BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP

 

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH

Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và cũng cố chính quyền dân chủ nhân dân địa phương.

Chúng ta đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp năm 1946. Trong kháng chiến, mặc dù gặp nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã tranh thủ tổ chức bầu lại Hội đồng nhân dân xã và tỉnh ở những vùng tự do và căn cứ du kích.

Hòa bình lập lại, chúng ta đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái – Mèo và Khu Tự trị Việt Bắc. Những hội nghị đại biểu nhân dân được tổ chức ở hầu hết các thành phố và thị xã. Cuối năm 1957, sau khi sắc luật bầu cử được ban hành, hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính. Gần đây các xã ngoại thành Hà Nội đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính xã. Các Khu Tự trị Thái – Mèo, Việt Bắc và Khu Lao – Hà – Yên đã tiến hành bầu cử thí điểm Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính ở một số xã.

Nhưng hiện nay đa số Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp chưa được bầu lại, do đó, tổ chức chính quyền của ta chưa thể hiện được đầy đủ nguyên tắc dân chủ tập trung của chế độ ta, và việc nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, giám đốc chính quyền chưa được đẩy mạnh.

Để đảm bảo nhiệm vụ củng cố và xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm chổ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, chính quyền các cấp cần được kiện toàn trên cơ sở thực hiện luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 31-05-1958 và sắc luật bầu cử ngày 20 tháng 07 năm 1957.

Công tác bầu cử lần này tiến hành trên một phạm vi rộng, chúng ta sẽ gặp những khó khăn sau đây:

1) Nước ta còn bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Bắc có nhiều vùng khác nhau về địa dư, dân số, dân tộc, tôn giáo. Trình độ tư tưởng, chính trị ở các vùng không đều nhau, các tổ chức quần chúng có nơi còn non yếu.

2) Địch lợi dụng những khó khăn của ta để âm mưu phá hoại, chia rẽ nhân dân ta.

3) Bộ máy chính quyền của ta ở nhiều nơi còn yếu, trong khi đó chúng ta lại có nhiều công tác lớn phải làm như phải lãnh đạo sản xuất Đông Xuân, kiện toàn tổ chức v.v…

Bên cạnh những khó khăn nói trên, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi căn bản:

1) Cải cách ruộng đất căn bản đã hoàn thành thắng lợi. Công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa đã có những kết quả tốt. Đời sống của nhân dân nhất là ở nông thôn tương đối đã được cải thiện hơn trước, hầu hết nhân dân đã thoát nạn mù chữ, làm cho nhân dân càng tin tưởng vào Đảng và Chính phủ.

2) Chủ trương bầu cử Hội đồng nhân dân phù hợp với nguyện vọng thiết tha của nhân dân là yêu cầu mở rộng sinh hoạt dân chủ trong nhân dân. Bầu cử Hội đồng nhân dân lại tiến hành sau một vụ mùa thắng lợi và trong không khí phấn khởi củng cố và phát triển tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã, thi đua sản xuất Đông – Xuân, nhân dân sẽ tích cực ủng hộ và hăng hái tham gia cuộc bầu cử.

3) Qua các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính ở hai Khu Tự trị Việt Bắc và Thái – Mèo, ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, ở các xã ngoại thành Hà Nội và ở một số xã làm thí điểm ở các khu tự trị cũng như qua sự hoạt động của các cơ quan dân cử ấy chúng ta đã rút được một số kinh nghiệm.

4) Việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính kỳ này kết hợp với toàn bộ công tác kiện toàn tổ chức, nhất là công tác kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp, sẽ làm cho thắng lợi cuộc bầu cử thêm đảm bảo.

5) Thắng lợi các phe xã hội chủ nghĩa và trực tiếp nhất là những bước tiến khổng lồ của Liên Xô và bước nhảy vọt của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất tốt đến tình hình nước ta, nhất là về các mặt tư tưởng, quan điểm lao động, sản xuất. Đó cũng là một điều rất thuận lợi cho cuộc bầu cử.

II. - MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VÀ YÊU CẦU CỦA CUỘC BẦU CỬ

Cuộc bầu cử của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp lần này là một cuộc vận động chính trị to lớn nhằm những mục đích, ý nghĩa sau đây:

1) Củng cố chế độ chuyên chính dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kiện toàn tổ chức chính quyền theo đúng nguyên tắc dân chủ tập trung, tăng cường quan hệ giữa nhân dân và chính quyền, củng cố đoàn kết nội bộ, để hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

2) Mở rộng sinh hoạt dân chủ, nâng cao nhận thức dân chủ, nâng cao ý thức chủ nhân ông Nhà nước, củng cố đoàn kết toàn dân, làm cho nhân dân thực sự tham gia quản lý Nhà nước, giám đốc chính quyền, phát huy tinh thần tích cực và sáng tạo lao động xã hội chủ nghĩa của toàn dân.

3) Ảnh hưởng tốt đến miền Nam, làm cho nhân dân miền Nam thêm phấn khởi, tin tưởng vào miền Bắc, ra sức đấu tranh đòi thống nhất nước nhà; ảnh hưởng tốt ra ngoài nước.

Để cuộc bầu cử làm được tốt, thể hiện được những ý nghĩa to lớn nói trên, cần đạt được những yêu cầu sau đây:

1) Làm cho nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc bầu cử, hiểu rõ ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử để nhiệt liệt tham gia bầu cử thật đông đủ.

2) Làm cho tất cả cử tri hiểu rõ quyền bầu cử của mình, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân trong việc quản lý Nhà nước, giám đốc chính quyền, nhận rõ trách nhiệm vinh quang bầu cử đại biểu của mình.

[...]