THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
289-TTg
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 06 năm 1958
|
THÔNG TƯ
VỀ KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
I. - MẤY NÉT
CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HIỆN NAY
Từ ngày hòa bình lập lại, chúng
ta đã chú ý tăng cường bộ máy chính quyền địa phương. Trong việc thành lập các
khu tự trị, trong công nghiệp sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh
đốn tổ chức, các cơ quan chính quyền địa phương đã được kiện toàn thêm một bước,
do đó, đã phục vụ có kết quả nhiệm vụ khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển
văn hóa. Nhưng trong thời gian qua, chúng ta mới kiện toàn bộ máy chính quyền địa
phương theo yêu cầu từng lúc, từng nơi và trong một chừng mực nhất định, chủ yếu
trong công nghiệp sửa sai; chúng ta chưa có một kế hoạch toàn diện, phù hợp với
nhiệm vụ của giai đoạn hiện tại.
Hiện nay, bộ máy chính quyền địa
phương còn có những nhược điểm và khuyết điểm về mấy mặt như sau:
1) Hội đồng nhân dân các
cấp do nhân dân bầu ra từ 1946, 1952 đến nay chưa được bầu lại (trừ Hội đồng
nhân dân khu tự trị, 2 thành phố Hà nội, Hải phòng và một số ít Hội đồng nhân
dân châu, xã); nhiều nơi Hội đồng nhân dân đã tan ra trong kháng chiến và cải
cách ruộng đất; nơi nào còn, thì số đại biểu còn lại không thể hiện được tính
chất Mặt trận rộng rãi trên cơ sở công nông liên minh, không đại biểu được các
tầng lớp nhân dân, các ngành hoạt động trong địa phương.
Ủy ban Hành chính trải qua nhiều
lần thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến, đến nay vẫn chưa được dân
chủ bầu cử và do cấp trên chỉ định (trừ các nơi nói trên đã bầu Hội đồng nhân
dân); vai trò của Ủy ban Hành chính bị lưu mờ trong cải cách ruộng đất và chỉnh
đốn tổ chức; sau sửa sai, Ủy ban Hành chính các cấp đã được sơ bộ chấn chỉnh và
hoạt động có kết quả, nhất là ở cấp tỉnh, nhưng về chất lượng, nói chung, trình
độ và khả năng của Ủy ban Hành chính còn yếu, nhất là ở cấp huyện và xã, chưa
đáp ứng được đòi hỏi của công tác; một số đông Ủy ban Hành chính các cấp còn có
những ủy viên thiếu uy tín.
Số lượng ủy viên trong Ủy ban
Hành chính các cấp quy định từ 5 đến 9, phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến, hiện
nay đã tỏ ra quá ít so với nhiệm vụ trước mắt. Trong nhiều Ủy ban Hành chính,
Chủ tịch, Phó chủ tịch không đủ năng lực lãnh đạo, có tỉnh thiếu cả Chủ tịch và
Phó chủ tịch, có tỉnh chỉ có 6 ủy viên, nhiều huyện chỉ có 3, 4 ủy viên. Do đó,
mỗi ủy viên thường chỉ phụ trách nhiều công tác hoặc phụ trách nhiều ngành lớn,
cho nên chỉ đủ thì giờ giải quyết những công việc sự vụ, không thể tập trung lực
lượng phụ trách những việc quan trọng, đảm bảo sự lãnh đạo của Ủy ban Hành
chính được tốt.
Chế độ phân công trong ủy ban
chưa thành nề nếp, việc phân công lại thường thay đổi luôn.
Các cơ quan quyền lực và cơ quan
hành chính các cấp chưa thể hiện được đầy đủ tính chất dân chủ nhân dân chuyên
chính; chưa phát huy được tích cực, trí sáng tạo của quần chúng lao động; có
nơi chưa thực sự tiêu biểu khối đoàn kết rộng rãi.
2) Quyền hạn, nhiệm vụ
các cấp chưa được quy định rõ ràng và thích đáng với tình hình và nhiệm vụ mới.
Việc tập trung quản lý theo hệ thống dọc của các bộ, phần nào cần thiết trước
đây nay không còn thích hợp nữa. Hiện nay, các Bộ thuộc các khối Kinh tế, Văn hóa,
quản lý quá nhiều đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp rải rác ở các địa phương,
không nắm được tình hình một cách đầy đủ, không lãnh đạo được sát đúng và kịp
thời. Trong khi đó chính quyền địa phương ở sát ngay cơ sở, có thể lãnh đạo và
kiểm soát có hiệu quả và kịp thời mọi công việc, thì không có trách nhiệm và
không phát huy được tính tích cực và khả năng sáng tạo của mình. Ý thức dân chủ
tập trung chưa thật quán triệt trong các cấp, nên các Bộ còn ôm đồm quá nhiều
và chưa tạo điều kiện giao dần quyền quản lý cho địa phương; còn địa phương thì
chưa thấy hết quyền hạn và trách nhiệm của mình. Tình hình nói trên đã ảnh hưởng
không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.
3) Chế độ công tác của
các cấp chính quyền chưa được quy định thành nề nếp, nguyên tắc dân chủ tập
trung, tập thể bàn bạc, phân công phụ trách chưa được áp dụng triệt để. Sinh hoạt
của Ủy ban Hành chính không đều đặn. Có nơi Ủy ban Hành chính ít họp để bàn bạc
chung. Công tác kiểm tra kém, không nắm được đầy đủ tình hình địa phương, làm
việc theo lối quan liêu giấy tờ, có xã hàng năm không thấy Ủy ban Hành chính
huyện về đến xã.
Do lề lối làm việc thiếu tập thể
và dân chủ, nên các ủy viên không bao quát được tình hình chung, ai làm việc nấy,
thiếu thống nhất, kết quả công tác bị hạn chế.
Quan hệ giữa Ủy ban Hành chính
và các ngành chuyên môn thiếu chặt chẽ, thiếu tập trung. Các ngành công tác
chuyên môn thường không trực tiếp làm việc với Ủy ban Hành chính cấp tương
đương mà nặng về ngành dọc làm cho việc lãnh đạo thống nhất và tập trung của chính
quyền địa phương không thực hiện đúng mức, cấp dưới sinh ra lúng túng, bị động.
Một số ngành lại có xu hướng trách rời hẳn sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính,
không báo cáo, thỉnh thị Ủy ban Hành chính.
4) Quan hệ giữa Ủy ban
Hành chính với các đoàn thể nhân dân còn lỏng lẻo. Nhận thức về sự quan hệ giữa
chính quyền và các đoàn thể nhân dân chưa đúng mức, chưa thấy đoàn thể nhân dân
là cơ sở quần chúng của chính quyền.
5) Cấp huyện có một vai trò trọng yếu
trong việc chỉ đạo cấp xã, nhưng chưa được tăng cường. Quyền hạn, nhiệm vụ chưa
được rõ ràng làm trở ngại cho việc chỉ đạo công tác của cấp huyện. Quan hệ công
tác giữa Ủy ban Hành chính huyện và các cơ quan chuyên môn tỉnh trong việc chỉ
đạo công tác xã chưa được quy định rõ ràng. Số lượng và nhất là chất lượng của
cán bộ phụ trách huyện chưa đủ đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay. Phương tiện
làm việc thiếu thốn.
6) Cấp xã còn non yếu và
chưa được củng cố đúng mức. Cấp xã là cấp trực tiếp thi hành các chủ trương,
chính sách, nhưng bản thân yếu, cán bộ non kém về mọi mặt, bộ máy cồng kềnh,
các cấp trên thiếu hướng dẫn, giúp đỡ; công tác từ trên đưa xuống quá nhiều, hội
họp, sinh hoạt quá nhiều (một tháng 28 cuộc họp ở xã Quảng-định, huyện Quảng-xương,
Thanh-hóa). Tư tưởng cán bộ chưa thật ổn định, trình độ chính trị, nghiệp vụ và
văn hóa chưa theo kịp yêu cầu mới, đời sống gặp nhiều khó khăn, chế độ trợ cấp
cho cán bộ xã chưa được giải quyết thỏa đáng.
7) Sự lãnh đạo của Đảng đối
với các cơ quan chính quyền chưa được tăng cường đúng mức, nhất là trong ngành
về kinh tế, tài chính, văn hóa, và quan hệ giữa Đảng và chính quyền chưa được
rành mạch.
II. - CHỦ
TRƯƠNG KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
A) Mục
đích, ý nghĩa.
Từ ngày hòa bình lập lại, miền Bắc
được hoàn toàn giải phóng đã chuyển sang giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã
hội. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là một cuộc đấu tranh gay go,
phức tạp. Nhiệm vụ phát triển kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa là một nhiệm
vụ nặng nề, khó khăn. Cho nên chúng ta phải kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương
để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới, đưa dần miền Bắc tiến lên chủ
nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho việc đấu tranh giành thống nhất nước nhà.
Việc kiện toàn chính quyền địa
phương nhằm làm cho chính quyền có đủ khả năng động viên đông đảo nhân dân tham
gia xây dựng chính quyền, quản lý công việc Nhà nước, giám đốc công tác và cán
bộ chính quyền, chống quan liêu xa rời thực tế, làm cho chính quyền của ta thực
sự là chính quyền của nhân dân dựa trên nền tảng công nông liên minh do Đảng
lãnh đạo.
Việc mở rộng nhiệm vụ cho chính
quyền địa phương, giao dần cho chính quyền địa phương quyền quản lý công tác
kinh tế và văn hóa càng làm cho việc kiện toàn chính quyền địa phương trở nên cấp
thiết.
B) Yêu cầu
của công tác kiện toàn chính quyền địa phương.
1) Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với
chính quyền, tăng cường nền chuyên chính dân chủ nhân dân, tăng cường hiệu lực
và tác dụng của chính quyền trong việc lãnh đạo mọi mặt công tác, trong việc
phát triển và cải tạo nền kinh tế theo chủ nghĩa xã hội.
2) Thực hiện đúng mức nguyên tắc dân chủ
tập trung, tập thể lãnh đạo, đi đúng đường lối quần chúng, nhằm phát huy tích cực
và tính sáng tạo của các ngành, các địa phương và nhân dân lao động.
C) Nội
dung kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương.
1) TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN HÀNH
CHÍNH:
- Hội đồng nhân dân:
Ở địa phương, Hội đồng nhân dân
là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của chế độ dân chủ nhân dân, có tác dụng
tập hợp và phát huy những tài năng, những lực lượng sáng tạo của quảng đại quần
chúng, của nhân dân lao động.
Hội đồng nhân dân là cơ quan trực
tiếp đại diện cho nhân dân địa phương, và thi hành quyền hạn về mọi lĩnh vực
trong phạm vi địa phương và trong phạm vi luật lệ quy định.
Thành phần của Hội đồng nhân dân
phải bao gồm những phần tử ưu tú trong nhân dân, thể hiện Mặt trận Tổ quốc và
đường lối nông thôn của Đảng. Nó phải thể hiện sự đoàn kết chặt chẽ quần chúng
nhân dân chung quanh Đảng và Nhà nước của mình, đoàn kết các tầng lớp nhân dân,
các dân tộc, các chính đảng, các tôn giáo trên cơ sở công nông liên minh dưới sự
lãnh đạo của Đảng. Hội đồng nhân dân cần phản ánh đầy đủ tình hình sinh hoạt xã
hội và tình hình giai cấp ở địa phương. Trong Hội đồng nhân dân thành phần công
nông, nền tảng của chính quyền dân chủ nhân dân phải chiếm đa số. Thành phần phụ
nữ phải được chiếu cố thích đáng (nói chung có thể trên dưới 1/5 tổng số hội
viên). Nơi có đồng bào tôn giáo, nói chung cần có đại biểu tôn giáo. Nơi có các
dân tộc, cần có đại biểu của các dân tộc, kể cả các dân tộc có ít người.
Tuy thành phần rộng rãi, Hội đồng
nhân dân phải bao gồm những phần tử ưu tú của nhân dân lao động, tất cả đều tán
thành chủ nghĩa xã hội, công nhân vai trò lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công
nhân.
- Ủy ban Hành chính:
Ủy ban Hành chính do Hội đồng
nhân dân bầu ra là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành
chính của Nhà nước ở địa phương.
Ủy ban Hành chính phải chấp hành
mọi công tác trong địa phương.
Ủy ban Hành chính cần có đủ người
để chỉ đạo chặt chẽ các mặt công tác và nắm tình hình của địa phương, kiểm tra
công tác cấp dưới.
Ủy ban Hành chính có một bộ phận
thường trực để thường xuyên phụ trách công tác, gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch,
hoặc một số phó Chủ tịch và Ủy viên, và một bộ phận không thường trực gồm các Ủy
viên khác.
Ủy ban Hành chính các cấp phải
bao gồm những người có năng lực có kinh nghiệm công tác ở các ngành hoạt động
và thể hiện được trí tuệ của nhân dân về các mặt sản xuất và công tác. Trong Ủy
ban Hành chính các khu tự trị, tỉnh miền núi, nên có những người thuộc tầng lớp
trên và có uy tín trong nhân dân. Trong Ủy ban Hành chính các tỉnh, thành phố,
nên có thành phần trí thức, nhân sĩ dân chủ, và tùy tình hình từng nơi, có thể
có thành phần tôn giáo. Ở các tỉnh trung đường, tùy tình hình từng nơi, có thể
có thành phần dân tộc. Ở xã, thành phần Ủy ban Hành chính phải thể hiện đường lối
nông thôn của Đảng. Những người thuộc các thành phần nói trên đều phải là những
người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, có năng lực, uy tín.
Tóm lại, Hội đồng nhân dân và Ủy
ban Hành chính phải tiêu biểu chính quyền dân chủ nhân dân chuyên chính dưới sự
lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân.
2) TĂNG CƯỜNG SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY
BAN HÀNH CHÍNH; QUY ĐỊNH SỰ PHÂN CÔNG TRONG ỦY BAN HÀNH CHÍNH:
- Hội đồng nhân dân:
Theo quy định cũ, số đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp quá ít. Sắc luật bầu cử mới quy định; Hội đồng nhân dân
xã và thị trấn ít nhất có 15 đại biểu và nhiều nhất là 35 đại biểu (đặc biệt
các xã có trên 6.000 nhân khẩu có thể có tới 40 đại biểu), Hội đồng nhân dân tỉnh
và thành phố có ít nhất 50 đại biểu và nhiều nhất là 100 đại biểu. Hội đồng
nhân dân khu tự trị có thể có tối đa đến 150 đại biểu.
Quy định mới tăng số đại biểu Hội
đồng nhân dân là để thể hiện tính chất và thành phần Hội đồng nhân dân như đã
trình bầy ở trên.
- Ủy ban Hành chính:
Số lượng ủy viên Ủy ban Hành
chính các cấp, tùy theo đơn vị to hay nhỏ, dân số nhiều hay ít, có thể như sau:
Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố
từ 11 đến 19 ủy viên gồm:
Bộ phận thường trực từ 5 đến 7 ủy
viên.
Bộ phận không thường trực từ 6 đến
12 ủy viên.
Ủy ban Hành chính huyện, thị xã
từ 7 đến 13 ủy viên, gồm:
Bộ phận thường trực từ 3 đến 5 ủy
viên.
Bộ phận không thường trực từ 4 đến
8 ủy viên.
Ủy ban Hành chính xã, thị trấn từ
5 đến 11 ủy viên.
Chủ tịch và phó Chủ tịch chịu
trách nhiệm thường trực.
Trường hợp xã nào phó Chủ tịch
không làm được nhiệm vụ thường trực, thì một ủy viên sẽ thay thế làm nhiệm vụ
thường trực.
Ở các khu tự trị, số lượng ủy
viên có thể tối đa đến 25.
Sự phân công trong Ủy ban Hành
chính các cấp có thể như sau:
a) Ủy ban Hành chính khu tự trị, tỉnh,
thành phố:
Bộ phận thường trực:
Trường hợp bộ phận thường trực
có 5 người, nên bố trí như sau:
Chủ tịch phụ trách chung và đặc
biệt chú ý đến công tác trung tâm từng thời gian.
2 Phó chủ tịch hoặc một phó chủ
tịch và một Ủy viên phụ trách khối kinh tế, tài chính.
1 Phó chủ tịch hoặc một ủy viên
phụ trách khối nội chính.
1 Phó chủ tịch hoặc một ủy viên
phụ trách khối văn hóa, xã hội.
Trong số Phó chủ tịch, một được ủy
nhiệm thay chủ tịch khi vắng mặt.
Trường hợp bộ phận thường trực
có 7 người thì tùy nhu cầu công tác mà bố trí thêm người vào các khối công tác.
Bộ phận không thường trực:
Một số ủy viên mỗi người trực tiếp
làm trưởng một ngành quan trọng như: kế hoạch Nhà nước, tài chính, công thương,
nông lâm, công an, dân quân, thủy lợi, kiến trúc, giao thông vận tải, văn hóa,
giáo dục, v.v… và một số ủy viên nên là những người có chân trong Ban chấp hành
các đoàn thể nhân dân quan trọng như: Liên hiệp Công đoàn, Nông hội (ở nơi có
Nông hội), Thanh niên, Phụ nữ.
b) Ủy ban Hành chính huyện, thị xã, thị
trấn: Bộ máy đơn giản hơn, sự phân công trong Ủy ban
Hành chính sẽ tùy theo lối lượng công tác, khả năng cán bộ mà phân công hợp lý;
nói chung những việc cần được coi trọng nhất là việc lãnh đạo sản xuất nông
nghiệp và công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở huyện, xã, và việc lãnh đạo sản
xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và công cuộc hợp tác hóa thủ công nghiệp
ở thị xã và thị trấn.
Trong việc phân công trong Ủy
ban, cần chú ý lựa chọn những cán bộ đã được rèn luyện, có năng lực để đảm nhiệm
những ngành quan trọng.
3) THỰC HIỆN DẦN DẦN VIỆC PHÂN QUYỀN QUẢN LÝ CHÍNH QUYỀN
ĐỊA PHƯƠNG DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO TẬP TRUNG VÀ THỐNG NHẤT CỦA TRUNG ƯƠNG:
Công tác kinh tế, văn hóa, ngày
càng phát triển, đòi hỏi sự lãnh đạo và kiểm soát có hiệu quả và kịp thời.
Chính quyền địa phương sát cơ sở sản xuất, nắm được tình hình thì cần phát huy
tính chủ động và sáng tạo của mình trong công tác lãnh đạo địa phương, theo
đúng nguyên tắc dân chủ tập trung. Việc phân quyền quản lý cho địa phương nhằm
mở rộng một cách thích đáng nhiệm vụ, quyền hạn cho địa phương, giao cho địa
phương quản lý một số công tác quan trọng trong phạm vi địa phương, theo các chủ
trương, chính sách và kế hoạch của trung ương. Việc phân quyền cho địa phương cần
phải:
1) Quán triệt nguyên tắc dân chủ tập
trung trong quan hệ lãnh đạo dọc và ngang giữa các cơ quan trung ương và địa
phương:
a) Trong lúc Trung ương phân quyền
quản lý cho địa phương, Trung ương phải hướng dẫn về đường lối phương châm
chung, về chủ trương, chính sách, giúp đỡ địa phương về các mặt quản lý chuyên
môn. kỹ thuật, đào tạo cán bộ chuyên môn và kỹ thuật.
b) Đối với những đơn vị sự nghiệp,
doanh nghiệp, công trình lớn đặt ở địa phương và do Trung ương trực tiếp quản
lý thì Trung ương phụ trách việc lãnh đạo chung và chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật,
còn địa phương có trách nhiệm bảo vệ về các mặt an toàn, kiểm tra, đôn đốc, hướng
dẫn việc thi hành các thể lệ của địa phương, các luật lệ có tính chất chung và
việc thi hành chính sách cán bộ, luật lệ lao động. Các đơn vị ấy có nhiệm vụ
báo cáo tình hình và công tác của mình với Ủy ban Hành chính và được Ủy ban
Hành chính tham gia ý kiến vào chương tình và kế hoạch công tác của mình.
2) Việc phân quyền quản lý cho địa phương
phải theo đúng phương châm tích cực và thận trọng, thực hiện dần dần tùy theo
khả năng của địa phương, không nóng vội, có kế hoạch thống nhất và từng bước.
Nói chung Trung ương trực tiếp quản lý những đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, và
công trình về các mặt kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội có tính chất quan trọng
toàn quốc hoặc đòi hỏi một trình độ quản lý và kỹ thuật cao; và tạo điều kiện
giao dần cho địa phương trực tiếp quản lý những đơn vị và công trình có tính chất
địa phương, hoặc không đòi hỏi một trình độ quản lý và kỹ thuật quá cao đối với
địa phương.
Sau đây sẽ có chỉ thị của Chính
phủ về việc phân cấp quản lý đối với từng ngành công tác và kế hoạch thực hiện
việc phân cấp ấy.
4) ĐẢM BẢO SINH HOẠT DÂNCHỦ VÀ CHẤN CHỈNH LỀ LỐI LÀM VIỆC
CỦA CÁC CƠ QUAN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG THEO ĐÚNG NGUYÊN TẮC
DÂN CHỦ TẬP TRUNG, TẬP THỂ LÃNH ĐẠO VÀ ĐƯỜNG LỐI QUẦN CHÚNG.
Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành
chính các cấp từng nhiệm kỳ đều thành lập bằng bầu cử dân chủ: Hội đồng nhân
dân và Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố 3 năm bầu lại một lần; Ủy ban Hành
chính huyện, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính thị xã, thị trấn, xã hai
năm bầu lại một lần. Hội đồng nhân dân nên thường ký báo cáo công tác với nhân
dân: Hội đồng nhân dân khu tự trị, thành phố, tỉnh ít nhất một năm một lần; Hội
đồng nhân dân thị xã, xã, thị trấn ít nhất hai năm một lần. Đại biểu Hội đồng
nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, thu thập và phản ánh ý kiến, nguyện
vọng của nhân dân với Hội đồng nhân dân thập báo cáo hoạt động của mình với
nhân dân và góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Cử tri có thể bãi miễn Hội đồng nhân dân do mình bầu ra; Hội đồng nhân dân có
thể bãi miễn Ủy ban Hành chính do mình bầu ra. Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành
chính cấp dưới phải phục tùng nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng nhân dân và Ủy
ban Hành chính cùng cấp. Các cấp, các ngành phải nghiêm chỉnh thi hành chế độ
báo cáo và xin chỉ thị.
Để đảm bảo nguyên tắc thực hiện
lãnh đạo tập thể, một nguyên tắc cao nhất trong công tác lãnh đạo của Đảng và
Nhà nước, chế độ hội nghị của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp được
quy định như sau:
Hội đồng nhân dân khu tự trị, tỉnh
sáu tháng họp một lần. Hội đồng nhân dân thành phố ba tháng họp một lần, Hội đồng
nhân dân thị xã, xã, thị trấn ít nhất ba tháng họp một lần. Ủy ban Hành chính từ
cấp huyện, thị xã trở lên thì ít nhất một tháng họp một lần. Ủy ban Hành chính
xã, thị trấn ít nhất nữa tháng họp một lần. Ủy ban Hành chính xã miền núi có thể
một tháng họp một lần. Ngoài những cuộc họp thường kỳ, Hội đồng nhân dân và Ủy
ban Hành chính các cấp, tùy nhu cầu công tác có thể họp bất thường. Ngoài ra
các cấp chính quyền cần nghiên cứu cải tiến lề lối làm việc nhằm tránh họp quá
nhiều hại cho sản xuất, cho công tác, gây khó khăn cho cán bộ, cho cấp dưới.
Trong công tác, Hội đồng nhân
dân và Ủy ban Hành chính các cấp phải đi đúng đường lối quần chúng. Đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đều xuất phát từ nguyện vọng và
quyền lợi của nhân dân, kết tinh những kinh nghiệm và lực lượng của quần chúng,
đồng thời đường lối, chủ trương và chính sách ấy phải thực hiện trên cơ sở tự
nguyện, tự giác của nhân dân. Cơ quan lãnh đạo các cấp phải liên hệ chặt chẽ với
cán bộ và nhân dân, khắc phục chủ nghĩa quan liêu giấy tờ, thường xuyên đi sát
từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị sản xuất và công tác, lắng nghe ý kiến
quần chúng, tiếp thu sự giám sát của quần chúng, học hỏi kinh nghiệm của nhân
dân… Đó là một trong những điều kiện cốt yếu nhất để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm
vụ công tác.
5) QUAN HỆ GIỮA HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH, GIỮA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN HÀNH CHÍNH VÀ CÁC CƠ
QUAN CHUYÊN MÔN, GIỮA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CẤP TRÊN VÀ CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CẤP
DƯỚI PHẢI THEO ĐÚNG NGUYÊN TẮC DÂN CHỦ TẬP TRUNG.
Hội đồng nhân dân có quyền xét
duyệt, sửa đổi hoặc hủy bỏ nghị quyết của Ủy ban Hành chính cấp tương đương, của
Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính cấp dưới.
Ủy ban Hành chính có quyền xét
duyệt, sửa đổi hoặc hủy bỏ nghị quyết của cơ quan chuyên môn cấp tương đương và
của Ủy ban Hành chính cấp dưới, đình chỉ thi hành những nghị quyết không thích
đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới và trình Hội đồng nhân dân cấp mình sửa đổi
hoặc hủy bỏ.
Các cơ quan chuyên môn đều đặt
dưới sự lãnh đạo thống nhất và tập trung của Ủy ban Hành chính cấp tương đương,
đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ và kỹ thuật của cơ quan chuyên môn cấp
trên.
Cơ quan chuyên môn mỗi cấp, căn
cứ nghị quyết, chỉ thị của Ủy ban Hành chính cấp tương đương và chỉ thị (về
nghiệp vụ, kỹ thuật) của cơ quan chuyên môn cấp trên, ra chỉ thị cho cơ quan
chuyên môn cấp dưới trong phạm vi chuyên môn, đồng thời sao cho Ủy ban Hành
chính cấp dưới biết để kiểm tra, đôn đốc. Cán bộ cơ quan chuyên môn cấp trên được
cử về cơ quan chuyên môn cấp dưới để tiến hành một công tác chuyên môn phải báo
cáo với Ủy ban Hành chính cấp dưới. Cơ quan chuyên môn cấp dưới thi hành chỉ thị
của cơ quan chuyên môn cấp trên phải thỉnh thị Ủy ban Hành chính cấp tương đương
về kế hoạch thi hành. Cơ quan chuyên môn cấp trên cử cán bộ về công tác ở xã hoặc
gửi chỉ thị công tàc cho xã phải qua Ủy ban Hành chính huyện.
6) QUAN HỆ GIỮA HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN, ỦY BAN HÀNH CHÍNH VÀ CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN:
Các đoàn thể nhân dân là cơ sở
quần chúng của chính quyền. Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính thông qua
các đoàn thể nhân dân như Công đoàn, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ mà nắm tình
hình sinh hoạt của nhân dân, thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để xây dựng
nghị quyết, chỉ thị của mình. Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính dựa vào
các đoàn thể nhân dân mà phổ biến nghị quyết, chỉ thị của mình và vận động nhân
dân thực hiện. Như vậy, qua Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính, các đoàn thể
nhân dân tham gia quản lý công việc Nhà nước, giám đốc chính quyền, làm chủ đất
nước, làm chủ vận mệnh của mình. Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Hành chính và các
đoàn thể nhân dân phối hợp hoạt động dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Thường
xuyên, trong công tác của mình, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính hỏi ý kiến
các đoàn thể nhân dân, mời đại biểu các đoàn thể nhân dân tham dự các hội nghị
của mình, thông báo, trình bầy các nghị quyết, chỉ thị của mình với các đoàn thể
nhân dân. Ngược lại các Ban Chấp hành các đoàn thể cần thường xuyên phản ánh
nguyện vọng, ý kiến của đoàn thể mình với Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành
chính, đồng thời giáo dục, động viên và các đoàn viên tích cực thực hiện nghị
quyết, chỉ thị của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính cùng cấp và của chính
quyền cấp trên.
7) TĂNG CƯỜNG CẤP HUYỆN
Chủ trương đối với cấp huyện hiện
nay là tăng cường cấp huyện. Căn cứ đạo luật về tổ chức chính quyền địa phương
đã được quốc hội khóa thứ 8 thông qua, Ủy ban Hành chính huyện sẽ do Hội đồng
Nhân dân xã bầu ra. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Hành chính huyện đã được quy
định rõ ràng trong điều 31 của đạo luật ấy. Tổ chức bộ máy, biên chế của cấp
huyện cần được tăng cường cho thích hợp với nhu cầu công tác, đồng thời phải
tăng cường phương tiện làm việc cho huyện.
8) CỦNG CỐ XÃ:
Để tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn
và khả năng kiến thiết nông thôn cho xã, đạo luật về tổ chức chính quyền địa
phương nói trên quy định trong điều 8 và điều 32 nhiệm vụ và quyền hạn của Hội
đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính xã, bảo đảm cả việc quản lý ngân sách xã. Những
điểm ấy cần được thực hiện đúng đắn. Cần nghiên cứu nhằm sắp xếp bộ máy về lề lối
làm việc ở xã một cách hợp lý hơn, thiết thực hơn, đồng thời giảm bớt số người
bán thoát ly sản xuất xuống mức tối thiểu cần thiết. Phải có kế hoạch bồi dưỡng
cán bộ về mặt chính trị, nghiệp vụ, văn hóa và phải có chế độ thích đáng về thù
lao, trợ cấp, khen thưởng (chính sách đối với cán bộ xã sẽ ban hành sau).
Trên đây là một số chủ trương lớn
về việc kiện toàn chính quyền địa phương để các cấp, các ngành nghiên cứu và
thi hành, kết hợp chặt chẽ với chủ trương kiện toàn bộ máy Nhà nước, chấn chỉnh
biên chế và điều chỉnh cán bộ.
|
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng
|