Thông tư 53/2001/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 53/2001/TT-BTC
Ngày ban hành 03/07/2001
Ngày có hiệu lực 18/07/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Thể thao - Y tế

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 53/2001/TT- BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 53/2001/TT-BTC NGÀY 03 THÁNG 7 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ TRONG CÔNG TÁC THÚ Y

Căn cứ Pháp lệnh thú y và Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thú y;
Căn cứ Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước;
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh nhằm bảo vệ và phát triển động vật, cung cấp động vật và sản phẩm động vật có chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và môi trường sinh thái. Sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí quản lý nhà nước về thú y như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ  MỨC THU:

1. Phạm vi áp dụng:

a) Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh thú y ngày 4 tháng 2 năm 1993 thì đối tượng thu phí, lệ phí quản lý nhà nước về thú y (dưới đây gọi chung là phí, lệ phí thú y) theo quy định tại Thông tư này là động vật, sản phẩm động vật, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thuốc và giống vi sinh vật dùng trong thú y quy định phải được cơ quan quản lý nhà nước về thú y thực hiện phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh và kiểm soát hoạt động.

b) Đối tượng nộp phí, lệ phí thú y là các tổ chức, cá nhân (trong nước và nước ngoài) có động vật, sản phẩm động vật, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thuốc và giống vi sinh vật dùng trong thú y thuộc đối tượng thu phí, lệ phí thú y quy định tại điểm 1 mục này.

c) Không thu phí, lệ phí thú y đối với các trường hợp sau đây:

c1. Sản phẩm động vật xách tay nhập khẩu để sử dụng trong thời gian đi đường.

c2. Kiểm dịch động vật theo nghi thức ngoại giao khi xuất cảnh, nhập cảnh (nếu có).

d) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia hoặc thoả thuận về phí, lệ phí thú y có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Mức thu:

Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu mức thu phí, lệ phí thú y áp dụng thống nhất trong cả nước.

Phí, lệ phí thú y thu bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp mức thu quy định bằng Đô la Mỹ (USD) thì quy đổi từ USD ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điển thu tiền; Nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu nộp phí, lệ phí bằng ngoại tệ thì thu bằng USD theo mức thu quy định.

II- QUẢN LÝ THU, NỘP VÀ SỬ DỤNG:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về thú y có trách nhiệm tổ chức thu phí, lệ phí thú y (gọi chung là cơ quan thu). Cơ quan thu phí, lệ phí thú y phải thực hiện:

a) Tổ chức thu phí, lệ phí thú ý theo đúng mức thu quy định tại Thông tư này. Khi thu tiền phải cấp biên lai thu phí, lệ phí (loại biên lai do Bộ Tài chính phát hành) cho người nộp tiền.

b) Thực hiện mở tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí thú y tại Kho bạc nhà nước nơi đóng trụ sở chính. Căn cứ số lượng tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, mà hàng ngày hoặc tối đa 5 ngày một lần phải lập bảng kê, gửi toàn bộ tiền phí, lệ phí đã thu được vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và phải quản lý chặt chẽ các khoản phí, lệ phí đã thu, nộp và sử dụng theo đúng chế độ tài chính hiện hành. Mọi khoản thu - chi tiền phí, lệ phí phải được phản ảnh đầy đủ trong dự toán và quyết toán tài chính của đơn vị hàng năm.

c) Thực hiện thanh toán, quyết toán biên lai thu phí, lệ phí và quyết toán thu, nộp tiền thu phí, lệ phí với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý theo Thông tư số 54/1999/TT-BTC ngày 10/5/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên.

2. Cơ quan thu phí, lệ phí thú y được trích 90% trên số tiền phí, lệ phí thực thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng vào các nội dung trực tiếp phục vụ công tác quản lý nhà nước về thú y và công tác thu phí, lệ phí sau đây:

a) Các khoản chi theo định mức chi quản lý nhà nước hiện hành đối với biên chế cơ quan quản lý nhà nước về thú y thực hiện thu phí, lệ phí, gồm: các khoản chi tiền lương, tiền công, các khoản có tính chất tiền lương tiền công; Trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Chi công tác phí; Chi thông tin liên lạc; Chi dịch vụ công cộng (điện, nước); Chi hội họp; Chi sửa chữa nhỏ tài sản; Chi bảo hộ lao động và đồng phục theo chế độ quy định; Chi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ,.v.v.

Biên chế cơ quan quản lý nhà nước về thú y trực tiếp thu phí, lệ phí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao (đối với đơn vị do trung ương  quản lý) hoặc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao (đối với đơn vị do địa phương quản lý).

b) Các khoản chi ngoài định mức chi quản lý nhà nước hiện hành trực tiếp phục vụ công tác quản lý nhà nước về thú y và công tác thu phí, lệ phí, gồm:

- Chi in (mua) ấn chỉ văn phòng phẩm.

- Chi mua thiết bị kỹ thuật chuyên dùng.

- Chi sửa chữa lớn tài sản và thiết bị kỹ thuật chuyên dùng.

- Chi mua hoá chất, nguyên nhiên vật liệu.

- Chi khác có liên quan đến công tác tổ chức thu phí, lệ phí (nếu có).

[...]