Pháp lệnh Thú y năm 1993

Số hiệu 7-L/CTN
Ngày ban hành 04/02/1993
Ngày có hiệu lực 15/02/1993
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-L/CTN

Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1993

 

 LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 7-L/CTN NGÀY 15 THÁNG 02 NĂM 1993 VỀ THÚ Y 

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 78 của Luật Tổ chức Quốc hội,

NAY CÔNG BỐ:

Pháp lệnh Thú y đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá IX) thông qua ngày 4 tháng 2 năm 1993.

PHÁP LỆNH THÚ Y

Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhằm bảo vệ và phát triển động vật, cung cấp động vật và sản phẩm động vật có chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và môi trường sinh thái;
Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định về công tác thú y.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Công tác thú y quy định trong Pháp lệnh này gồm các biện pháp phòng và chống dịch bệnh cho động vật, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, quản lý thuốc và giống vi sinh vật dùng trong thú y.

Điều 2

Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Động vật bao gồm các loại thú, cầm; loài bò sát; loài thân giáp; ngành thân mềm và các loài cá, ong, tằm; trứng giống, tinh dịch; phôi động vật.

2- Sản phẩm động vật là thịt, các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật.

3- Thuốc thú y là chế phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật, hoá chất; vắc-xin và các chế phẩm sinh học khác dùng trong thú y.

4- Giống vi sinh vật dùng trong thú y gồm giống vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng, nấm mốc và một số loài vi sinh vật khác dùng để chẩn đoán, phòng bệnh và chữa bệnh cho động vật; thử nghiệm, sản xuất và kiểm nghiệm các loại thuốc phòng và chữa bệnh cho động vật.

5- Đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y là đủ các điều kiện để bảo vệ và phát triển động vật, không gây hại cho sức khoẻ con người và không gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

6- Kiểm soát giết mổ động vật bao gồm việc kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với động vật trước và sau khi giết mổ, các điều kiện chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm động vật.

Điều 3

Nhà nước thống nhất quản lý về công tác thú y; kết hợp giữa khoa học hiện đại với kinh nghiệm cổ truyền, bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội.

Nhà nước bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế về thú y mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 4

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài đầu tư dưới nhiều hình thức vào công tác thú y ở Việt Nam.

Điều 5

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân đều phải tuân theo pháp luật về thú y.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài chăn nuôi, sản xuất kinh doanh động vật, sản phẩm động vật hoặc có hoạt động khác liên quan đến công tác thú y trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật về thú y của Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

[...]