Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 51/2018/TT-NHNN quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 51/2018/TT-NHNN
Ngày ban hành 31/12/2018
Ngày có hiệu lực 01/03/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đoàn Thái Sơn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2018/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CHẤP THUẬN VIỆC GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, gồm:

a) Ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần để: (i) Thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết ở trong nước hoạt động trong các lĩnh vực bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu; bảo hiểm; quản lý nợ và khai thác tài sản; kiều hối; kinh doanh ngoại hối, vàng; dịch vụ trung gian thanh toán; thông tin tín dụng; (ii) Mua lại công ty con, công ty liên kết ở trong nước hoạt động trong các lĩnh vực cho thuê tài chính; bao thanh toán; tín dụng tiêu dùng; phát hành thẻ tín dụng;

b) Ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần vào doanh nghiệp khác ở trong nước hoạt động ngoài lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng;

c) Công ty tài chính góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết ở trong nước hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản;

d) Chuyển nợ thành vốn góp để xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại tại doanh nghiệp trong nước hoạt động ngoài lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với việc ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần để thành lập tổ chức tín dụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng thương mại và công ty tài chính (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng).

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp của tổ chức tín dụng.

Điều 3. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ

1. Hồ sơ của tổ chức tín dụng phải được lập theo nguyên tắc sau:

a) Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt;

b) Các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật;

c) Các hồ sơ được nộp phải là bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu; trong trường hợp tổ chức tín dụng nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính;

d) Văn bản của tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) chấp thuận phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền (sau đây gọi là người đại diện hợp pháp) ký. Trường hợp ký theo ủy quyền, hồ sơ phải có văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ của tổ chức tín dụng gửi Ngân hàng Nhà nước bằng hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CHẤP THUẬN VIỆC GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN

[...]