Thông tư 48/2005/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 196/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 48/2005/TT-BTC
Ngày ban hành 09/06/2005
Ngày có hiệu lực 08/07/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 48/2005/TT-BTC NGÀY 09 THÁNG 6 NĂM 2005  HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 196/2004/NĐ-CP NGÀY 02/12/2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH DỰ TRỮ QUỐC GIA

Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia số 17/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

1. Thông tư này hướng dẫn về kế hoạch và dự toán ngân sách dự trữ quốc gia; nhập xuất hàng dự trữ quốc gia; xử lý hàng dự trữ quốc gia hao hụt, thiệt hại do bị hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc bị mất; xây dựng, ban hành, thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy phạm bảo quản hàng dự trữ quốc gia; ký hợp đồng nguyên tắc, bảo quản hàng, kho chứa hàng, quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia; quản lý tài chính và ngân sách chi cho dự trữ quốc gia; thủ tục, trình tự xuất dự trữ quốc gia bằng tiền; trích lập, quản lý, sử dụng quỹ phúc lợi, khen thưởng; bảo vệ bí mật nhà nước, kiểm tra, thanh tra dự trữ quốc gia.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Kế hoạch và dự toán ngân sách dự trữ quốc gia:

a. Kế hoạch dự trữ quốc gia:

- Kế hoạch tổng hợp nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia (Biểu số 1-KH):

Nội dung kế hoạch tổng hợp nhập, xuất hàng dự trữ gồm mức dự trữ đối với từng mặt hàng, diễn biến nhập, xuất và tồn kho cuối kỳ (kể cả số lượng và giá trị).

- Kế hoạch tăng, giảm hàng dự trữ quốc gia (Biểu số 2-KH):

Nội dung kế hoạch tăng hàng dự trữ quốc gia là xác định rõ những mặt hàng cần nhập bổ sung đưa vào dự trữ; nội dung kế hoạch giảm hàng dự trữ quốc gia là xác định những mặt hàng cần xuất trong những trường hợp cấp bách để ứng cứu khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện cứu trợ, viện trợ hoặc do không cần tiếp tục dự trữ, thay đổi yêu cầu dự trữ về số lượng, danh mục hàng dự trữ quốc gia. Kế hoạch tăng, giảm hàng dự trữ phải thể hiện rõ số lượng và giá trị của các mặt hàng tăng, giảm theo năm kế hoạch, từng mặt hàng phải được chi tiết theo quy cách, ký mã hiệu.

- Kế hoạch luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia (Biểu số 3-KH):

Nội dung kế hoạch luân phiên đổi hàng dự trữ được thực hiện như đối với kế hoạch tăng, giảm hàng dự trữ quốc gia. Trường hợp thay đổi danh mục chi tiết, chủng loại, quy cách mặt hàng nhập so với mặt hàng đến hạn xuất luân phiên đổi hàng thì phải nêu rõ lý do khi báo cáo kế hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần thay đổi mặt hàng cụ thể so với kế hoạch, Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải thuyết minh rõ lý do, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật:

Căn cứ quy hoạch hệ thống kho đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới kho chứa hàng dự trữ bảo đảm yêu cầu thiết kế, xây dựng với công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại phù hợp với từng loại hàng. Thanh lý những kho không nằm trong quy hoạch, kho cũ, lạc hậu kỹ thuật, không bảo đảm việc bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật được thực hiện theo quy định hiện hành.

- Cục Dự trữ quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch, lập dự toán ngân sách về dự trữ quốc gia, dự kiến phân bổ vốn tăng dự trữ quốc gia cho năm sau để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10 tháng 7 hàng năm.

b. Biểu mẫu lập dự toán ngân sách cho dự trữ quốc gia:

Căn cứ vào nội dung kế hoạch dự trữ quốc gia được quy định tại khoản a điểm 1 mục II Thông tư này, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập các biểu tổng hợp dự toán các khoản thu, chi ngân sách cho dự trữ quốc gia theo hướng dẫn tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính về việc thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.

Hệ thống biểu mẫu lập dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2. Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia:

- Nhập, xuất luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Nghị định 196/2004/NĐ-CP).

- Các trường hợp xuất sử dụng hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 10 Nghị định 196/2004/NĐ-CP; sau khi thực hiện việc xuất kho, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bù lại quỹ dự trữ quốc gia ngay trong năm.

- Trường hợp tạm xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Nghị định 196/2004/NĐ-CP: Khi nhận được lệnh xuất (công điện hoả tốc hoặc Fax), Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia tổ chức làm đầy đủ các thủ tục theo quy định và xuất hàng ngay. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị nhận hàng có trách nhiệm phải thu hồi để bảo dưỡng kỹ thuật, nhập lại kho dự trữ quốc gia theo nguyên tắc xuất hàng ở nơi nào thì nhập lại ở nơi ấy; các đơn vị dự trữ quốc gia phải tổ chức bảo quản hàng nhập kho dự trữ quốc gia theo quy định hiện hành. Trước khi nhập lại kho, đơn vị dự trữ quốc gia phối hợp với các đơn vị có liên quan và cơ quan đăng kiểm thành lập Hội đồng kiểm tra, đánh giá chất lượng và báo cáo kết quả thực hiện cho Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.

Trường hợp máy móc, thiết bị, phương tiện tạm xuất sau khi thu hồi không đảm bảo chất lượng tiếp tục dự trữ, thì đơn vị dự trữ quốc gia tổ chức xử lý theo quy định tại điểm 3 phần II Thông tư này.

- Báo cáo nhập, xuất và tồn kho hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 196/2004/NĐ-CP, gồm biểu số 1/BC “Báo cáo chi tiết nhập, xuất kho hàng dự trữ quốc gia” (về số lượng); và biểu số 2/BC “Báo cáo nhập, xuất, tồn kho hàng dự trữ quốc gia” (cả số lượng và giá trị).

3. Xử lý hàng dự trữ quốc gia hao hụt, thiệt hại do bị hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc bị mất:

[...]