Thông tư 48/1998/TT-BTC sửa đổi TT 75A-TC/TCT-1993 hướng dẫn thi hành Nghị định 57/CP-1993 thi hành Luật Thuế lợi tức và Luật Thuế lợi tức sửa đổi do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 48/1998/TT-BTC
Ngày ban hành 11/04/1998
Ngày có hiệu lực 26/04/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 48/1998/TT-BTC NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 1998 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 75A TC/TCT NGÀY 31/8/1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 57/CP NGÀY 28/8/1993 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ LỢI TỨC VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ LỢI TỨC

Căn cứ Luật thuế lợi tức được Quốc hội khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 6 tháng 7 năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 57/CP ngày 28 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế lợi tức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức;
Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 3 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Căn cứ Nghị định số 114/1997/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 1997 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/CP ngày 28/8/1993.
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, sửa đổi Thông tư số 75A TC/TCT ngày 31/8/1993 như sau:

1. Sửa đổi phần căn cứ tính thuế của Thông tư như sau:

- Mục II.2 - Về doanh thu để tính lợi tức chịu thuế.

Doanh thu để tính lợi tức chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ (kể cả phụ thu, trợ giá mà doanh nghiệp được hưởng nếu có) và các khoản thu khác chưa trừ một khoản phí tổn nào của cơ sở kinh doanh phát sinh trong kỳ tính thuế. Đối với hoạt động giao khoán trong sản xuất nông nghiệp doanh thu là tiền thu về trong các hình thức giao khoán cho CBCNV (kể cả thu bằng sản phẩm) ở các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp.

Doanh thu đối với sản phẩm hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để tính lợi tức chịu thuế là doanh thu bán hàng có cả thuế tiêu thụ đặc biệt.

Doanh thu đối với hình thức trả trước một số năm của hoạt động cho thuê nhà, cho thuê tài sản cố định là số tiền thu trước một số năm.

Mục II.3.a - Chi phí khấu hao tài sản cố định

Các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký với cơ quan thuế trực tiếp quản lý danh mục tài sản cố định, thời gian sử dụng và thời gian khấu hao của từng loại tài sản cố định để trích khấu hao.

Nguyên giá TSCĐ, thời gian sử dụng TSCĐ, phương pháp trích khấu hao TSCĐ được thực hiện theo Quyết định số 1062 TC/QĐ/CSTC ngày 14/11/1996 của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và khấu hao TSCĐ.

- Tài sản cố định thuộc tất cả các nguồn vốn đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng thì không được trích khấu hao TSCĐ vào giá thành sản xuất kinh doanh.

- Các chi phí doanh nghiệp chi ra để nâng cấp tài sản cố định được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

- Các chi phí sửa chữa TSCĐ được tính hoặc phân bổ dần vào chi phí hợp lý là số thực chi hợp lý về sửa chữa TSCĐ trong kỳ:

+ Sửa chữa TSCĐ thuê ngoài tính theo số tiền thực tế thanh toán theo hợp đồng với người nhận thầu.

+ Sửa chữa TSCĐ tự làm tính theo chi phí thực tế hợp lý phát sinh.

Đối với một số ngành đặc thù mà chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh không đều giữa các kỳ, các năm, nếu doanh nghiệp muốn trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ vào chi phí kinh doanh thì phải lập kế hoạch trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ và trình Bộ Tài chính xem xét quyết định, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý biết sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp phải quyết toán chi phí sửa chữa thực tế phát sinh với chi phí sửa chữa đã trích trước, nếu chi phí sửa chữa lớn hơn số chi phí đã trích trước thì phần chênh lệch được hạch toán hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nếu chi phí sửa chữa thực tế nhỏ hơn số chi phí đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ.

Các doanh nghiệp thuộc các ngành đặc thù nếu áp dụng phương pháp phân bổ chi phí sửa chữa TSCĐ vào các kỳ kinh doanh tiếp theo, doanh nghiệp cũng phải lập kế hoạch phân bổ chi phí sửa chữa TSCĐ và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp biết.

- Mục II.3.c - Chi phí tiền lương, tiền công

Chi phí tiền lương, tiền công được tính trên cơ sở số lượng lao động của cơ sở và lương cấp bậc, phụ cấp lương (nếu có) theo chế độ hiện hành gắn với kết quả sản xuất kinh doanh của cơ sở, cụ thể là:

- Đối với doanh nghiệp Nhà nước căn cứ Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các DNNN, Thông tư số 13/LĐ-TBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện phương pháp xây dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương, thu nhập trong DNNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

- Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải đăng ký đơn giá tiền lương với cơ quan trực tiếp quản lý thuế như đã quy định tại Thông tư số 20/LB-TT ngày 2/6/1993 của Liên Bộ Lao động Thương binh và xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp, cụ thể phải có các tài liệu sau:

+ Đơn giá tiền lương (theo mẫu quy định tại Thông tư số 20/LB-TT ngày 2/6/1993 của Liên Bộ Lao động Thương binh và xã hội - Tài chính) và thuyết minh phương pháp tính toán cụ thể.

+ Tổng số lao động đang sử dụng, trong đó số đã ký hợp đồng lao động; Báo cáo quỹ tiền lương, quỹ tiền thưởng và thu nhập khác có tính chất lương (theo mẫu quy định tạo Thông tư Liên bộ số 20/LB-TT ngày 2/6/1993).

Trường hợp doanh nghiệp không đăng ký đơn giá tiền lương, cơ quan thuế được phép ấn định chi phí tiền lương theo quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ để làm căn cứ xác định lợi tức chịu thuế.

- Đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh (hợp tác xã, tổ sản xuất, xí nghiệp tư nhân, hộ cá thể, công ty cổ phần) tiền lương, tiền công của lao động được tính vào chi phí theo đơn giá tiền công, tiền lương sản phẩm và theo hợp đồng thoả thuận giữa người lao động với các doanh nghiệp.

Để bảo đảm sự công bằng, hợp lý, Cục thuế tỉnh, thành phố có thể căn cứ vào chế độ tiền lương áp dụng đối với xí nghiệp quốc doanh, tình hình giá cả để tính định mức tiền lương, tiền công cho từng ngành, nghề trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định trong từng thời kỳ cụ thể.

[...]