Thông tư 46-NV-CB năm 1958 hướng dẫn việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ, nhân viên, công nhân cơ quan thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 46-NV-CB
Ngày ban hành 03/07/1958
Ngày có hiệu lực 18/07/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
*******

Số : 46-NV_CB

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 03  tháng 07 năm 1958

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC SẮP XẾP CẤP BẬC CHO CÁN BỘ, NHÂN VIÊN, CÔNG NHÂN CƠ QUAN THUỘC KHU VỰC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP

Căn cứ nghị quyết Hội đồng Chính phủ họp ngày 17, 18 tháng 3 năm 1958 ấn định các nguyên tắc, yêu cầu và phương châm cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương trong năm 1958 cho cán bộ, công nhân và viên chức các cơ quan, xí nghiệp, Nhà nước Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định số 182-TTg ngày 7-4-1958, Thông tư số 197-TTg ngày 17-4-1958 để thi hành trước đối với khu vực sản xuất.
Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định số 270-TTg ngày 31-5-1958 để thi hành đối với khu vực hành chính và sự nghiệp.
Trong thông tư này, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ, nhân viên công tác ở các cơ quan hành chính và sự nghiệp.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA VIỆC SẮP XẾP CẤP BẬC

Thi hành chủ trương cải tiến chế độ tiền lương tháng 7-1955 của Đảng và Chính phủ, tất cả cán bộ, nhân viên, công nhân công tác ở các cơ quan hành chính và sự nghiệp – trừ công chức nguyên lương – đã được sắp xếp vào các thang lương thích hợp nên bước đầu đã thống nhất chế độ đãi ngộ ở các cấp, các ngành và đã cải thiện một phần đời sống cán bộ, công nhân và viên chức. Nhưng việc sắp xếp cấp bậc lần đầu làm trong một phạm vi rộng, lại chưa có kinh nghiệm nên đã phạm phải nhiều khuyết điểm, thiếu sót; lần điều chỉnh lương tháng 7-1956 đã giảm bớt những bất hợp lý.

Hiện nay, quan hệ cấp bậc ở mỗi cơ quan, ở mỗi địa phương đã tương đối hợp lý tuy còn một số cán bộ, nhân viên trình độ khác nhau nhưng cùng xếp một bậc nên có người cao, người thấp; quan hệ cấp bậc giữa cơ quan này với cơ quan khác, giữa địa phương này với địa phương khác, giữa cấp này với cấp khác cũng còn có những trường hợp chênh lệch nhau, chưa được tốt.

Sở dĩ có những khuyết điểm trên vì các thang lương có những chỗ chưa hợp lý, tiêu chuẩn để xếp bậc chưa thật sát và áp dụng chưa thống nhất, việc chỉ đạo sắp xếp cấp bậc có thiếu sót.

Xuất phát từ tình hình thực tế ấy, trong toàn bộ chủ trương cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương lần này có giải quyết vấn đề cải tiến chế độ cấp bậc lương nhằm giảm bớt tinh thần bình quân, giảm bớt những điểm bất hợp lý còn tồn tại trong việc sắp xếp lương vừa qua.

Vì vậy cần nhận thức chu đáo nội dung của việc cải tiến chế độ cấp bậc lương để xác định yêu cầu của việc sắp xếp cấp bậc lần này.

1. NỘI DUNG CỦA VIỆC CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ CẤP BẬC

Căn cứ vào tình hình tổ chức và cán bộ hiện nay, chế độ lương ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp vẫn là chế độ lương chức vụ có nhiều bậc và nội dung cải tiến gồm các vấn đề sau đây:

a) Các thang lương:

Các thang lương áp dụng trong các cơ quan hành chính và sự nghiệp đều thêm một bậc và một số khung bậc được quy định lại cho thích hợp với tình hình tổ chức bộ máy, sự phân công, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chất công tác của các loại cán bộ, nhân viên.

Thang lương cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước trước 17 bậc nay mở ra 21 bậc và khung bậc của một số chức vụ được sửa đổi:

Ủy ban hành chính khu, tỉnh, huyện trước đây mỗi cấp 3 bậc kế tiếp nhau thì nay có 4 hoặc 5 bậc gối lên nhau; Ủy ban hành chính thành phố Nam-định, khu vực Vĩnh-linh trước cùng một khung bậc với Ủy ban hành chính tỉnh thì nay quy định riêng;

Chánh Phó giám đốc ở trung ương trước bốn bậc, nay năm bậc;

Trưởng, Phó phòng ở trung ương trước một khung nay chia ra hai khung: nghiên cứu, nghiệp vụ riêng và hành chính, quản trị kế toán, văn thư riêng v.v…

Thang lương cán bộ, nhân viên chuyên môn ngành Y tế, Giáo dục trước đây dựa theo thang lương nhân viên kỹ thuật 11 bậc thì nay mở ra 16 bậc, bậc khởi điểm của các khung bậc cũng được quy định lại: hộ lý, giáo viên cấp 1 trước cùng bậc khởi điểm là bậc 11 thì nay khởi điểm khác nhau: giáo viên cấp 1 khởi điểm bậc 2, hộ lý khởi điểm bậc 1.

Ngoài ra có hai thang lương mới:

- Công nhân cơ quan trước xếp theo thang lương công nhân tiêu biểu loại sản nghiệp 5, nay tách riêng và xếp theo thang lương công nhân cơ quan 8 bậc;

- Cán bộ và nhân viên phiên dịch trước xếp theo thang lương 17 bậc, nay xếp theo thang lương riêng 12 bậc.

b) Mức lương:

Mức lương thấp nhất là 27.300đ một tháng như trước nhưng mức lương cao nhất của mỗi thang lương được nâng lên.

- Mức lương cao nhất của thang lương cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước trước gấp 6,15 lần lương thấp nhất nay gấp 7,3 lần;

- Mức lương cao nhất của thang lương cán bộ, nhân viên chuyên môn ngành Giáo dục trước gấp 2,95 lần lương thấp nhất nay gấp 5,2 lần;

- Mức lương cao nhất của thang lương cán bộ, nhân viên chuyên môn ngành Y tế trước gấp 2,92 lần lương thấp nhất, nay gấp 5,1 lần;

- Mức lương cao nhất của thang lương công nhân cơ quan trước gấp 1,95 lần mức lương thấp nhất, nay gấp 2,49 lần;

- Mức lương cao nhất của thang lương cán bộ, nhân viên phiên dịch gấp 4 lần lương thấp nhất.

[...]