Thông tư 197-TTg năm 1958 hướng dẫn thi hành việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương thuộc khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 197-TTg
Ngày ban hành 17/04/1958
Ngày có hiệu lực 02/05/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 197-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG VÀ TĂNG LƯƠNG THUỘC KHU VỰC SẢN XUẤT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

 

- Các vị Bộ trưởng,
- Các ủy ban hành chính liên khu 3, 4,
- Khu tự trị Thái Mèo, khu tự trị Việt Bắc, khu Hồng Quảng, khu Tả Ngạn,
- Các thành phố Hà Nội, Hải Phòng,
- Các tỉnh trực thuộc trung ương và khu vực Lĩnh Linh
- Ban cán sự Lào – Hà – Yên.

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 17 và 18 tháng 03 năm 1958 đã quyết nghị về đường lối, yêu cầu và phương châm cải tiến chế độ lương và tăng lương cho công nhân, cán bộ và viên chức các xí nghiệp và cơ quan Nhà nước.

Căn cứ vào nghị quyết này, Thủ tướng phủ đã ban hành Nghị định số 182-TTg ngày 07 tháng 04 năm 1958 cải tiến thêm một bước chế độ lương và tăng lương cho công nhân và nhân viên kỹ thuật thuộc khu vực sản xuất.

Thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và nghị định nói trên.

I. - MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA VIỆC CẢI TIẾN THÊM MỘT BƯỚC CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG VÀ TĂNG LƯƠNG LẦN NÀY

Từ ngày hòa bình lập lại, mặc dầu công cuộc khôi phục kinh tế gặp nhiều khó khăn, mỗi năm Đảng và Chính phủ đều có nhiều cố gắng cải thiện đời sống cho nhân dân, công nhân, cán bộ, viên chức, bộ đội.

Trong ba năm qua Chính phủ đã ba lần tăng lương : sau ngày tiếp quản tăng 50% cho công nhân, viên chức công tác ở Hà nội và 40% cho những người công tác ở các địa phương; cuối 1955 bước đầu cải tiến tiền lương và tăng lương: tháng 10-1956 tăng 12% cho những người công tác ở Hà nội và Hòn gay, 8% cho những người công tác ở Hải phòng, Lào kay, Khu Tự trị Thái Mèo và 5% cho những người công tác ở các địa phương; đã thi hành ba lần việc trợ cấp gạo cho những công nhân, cán bộ và viên chức ở trong hoàn cảnh túng thiếu và thi hành nhiều khoản phụ cấp khác.

Ngoài ra Chính phủ đã xây dựng một số nhà ở, nhà ăn, nhà giữ trẻ, câu lạc bộ, nhà đọc sách, tổ chức các đội văn công, chiếu bóng lưu động. Mậu dịch quốc doanh đã bán một số hàng cần thiết cho đời sống với giá hạ hơn giá thị trường. Chính phủ đã sắp xếp việc làm cho hơn 10 vạn đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết, gần 2 vạn chiến sĩ quân đội chuyển ngành. Đồng thời đã giải quyết công ăn việc làm cho 10 vạn người thất nghiệp ở các thành phố.

Các việc trên đã có tác dụng nhất định làm giảm bớt khó khăn trong đời sống của công nhân, cán bộ, viên chức, bộ đội.

Nhưng vì sản xuất còn thấp, tình hình kinh tế tài chính còn nhiều khó khăn, giá cả chưa thật bình ổn, nên đã ảnh hưởng đến sức mua của tiền lương.

Chế độ tiền lương qua lần sửa đổi năm 1955 đã có những tiến độ rõ rệt so với chế độ cung cấp trong thời kỳ kháng chiến. Nhưng vì điều kiện kinh tế còn eo hẹp, vì cần chiếu cố đến tình hình thực tế của chế độ tiền lương cũ, cho nên chế độ lương năm 1955 vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý; chế độ tiền lương chưa thống nhất, tính chất bình quân trong chế độ lương vẫn còn nhiều, cho nên chưa có nhiều tác dụng khuyến khích sản xuất.

Căn cứ những thắng lợi sau ba năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa và căn cứ nhiệm vụ trọng yếu hiện nay là phát triển nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch dài hạn, xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, Hội đồng Chính phủ đã quyết định: năm 1958 một bước cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương nhằm cải thiện một phần đời sống của công nhân, viên chức, khuyến khích mọi người ra sức đẩy mạnh sản xuất và công tác, thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Việc một bước cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương lần này có ý nghĩa quan trọng: trong mấy năm kiến thiết hòa bình cũng như trong những năm kháng chiến, công nhân, cán bộ, viên chức, quân đội cũng như toàn dân ta vì lòng thiết tha yêu nước, đã quyết tâm vượt khó khăn, căn bản hoàn thành thắng lợi việc khôi phục kinh tế ở miền Bắc. Đó là một thắng lợi lớn của toàn dân ta. Nay trước nhiệm vụ mới về kinh tế và chính trị, việc một bước cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương sẽ làm cho mọi người thêm phấn khởi, phát huy nhiệt tình lao động, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước để xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân, tạo thêm điều kiện cải thiện không ngừng sinh hoạt vật chất và văn hóa cho nhân dân. Nền kinh tế ngày được phát triển, miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đời sống nhân dân được ấm no, đó là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước.

II. – CHÍNH SÁCH VÀ PHƯƠNG CHÂM CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG

Miền Bắc nước ta đang tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Tiến lên chủ nghĩa xã hội là không ngừng khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống của người lao động ngày càng khá lớn, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động.

Tiền lương của mỗi người phải căn cứ vào sức lao động và chất lượng lao động của mỗi người. Lợi ích cá nhân trước mắt của người lao động phải kết hợp một cách đúng đắn với lợi ích chung và lâu dài của toàn thể nhân dân. Đồng thời chính sách tiền lương phải xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta.

Mục đích của chúng ta là không ngừng phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Nhưng vì tình hình kinh tế nước ta sau ba năm khôi phục, căn bản là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp còn nhỏ bé; trong thời gian qua năng suất lao động công nghiệp và nông nghiệp có tăng nhưng vẫn còn chậm và thấp nên việc giải quyết vấn đề tiền lương của công nhân, viên chức không thể tách rời tình hình cơ bản nói trên.

Việc tăng lương phải dựa “trên cơ sở phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động xã hội” chứ không thể chỉ căn cứ ở năng suất lao động công nghiệp hoặc sự cống hiến của một ngành nào. Năng suất lao động bình quân xã hội năm 1958 so với năm 1957 dự kiến tăng 11,7% thì tiền lương trước mắt chưa thể tăng quá nhanh và quá nhiều trong một lúc, mà phải tăng dần từng bước, có kế hoạch, dựa trên cơ sở phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động xã hội,

Việc cải tiến chế độ tiền lương cũng phải tiến hành dần từng bước trên cơ sở tiền lương dần dần được nâng cao.

Việc tăng lương phải chú trọng giữ quan hệ hợp lý giữa các ngành, cố gắng tránh sự chênh lệch không hợp lý giữa mức sinh hoạt của công nhân với nông dân và nhân dân lao động khác, giữa lao động chân tay và trí óc, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa quân và dân. Nếu không giữ chênh lệch đúng, hợp lý, sẽ gây thêm khó khăn giữa thành thị và nông thôn, ảnh hưởng đến đoàn kết, ảnh hưởng đến việc sắp xếp sức lao động và tổ chức sản xuất.

Việc tăng lương phải dựa trên tỷ lệ đúng giữa tích lũy và tiêu dùng. Nếu không có tích lũy xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể có cơ sở vật chất để tái sản xuất, không thể có cơ sở vật chất để nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân. Ngược lại, nếu chỉ chú ý đến tích lũy mà thu hẹp tỷ lệ dành cho tiêu dùng, để ảnh hưởng không tốt đến việc cải thiện đời sống nhân dân cũng là không đúng và có hại.

Việc tăng lương có quan hệ mật thiết tới mọi mặt hoạt động kinh tế trong xã hội: sản xuất hàng hóa, vật giá, tài chính, tiền tệ. Việc tăng lương sẽ đưa đến tăng sức mua của công nhân, cán bộ, viên chức và tăng sức mua của những người lao động khác. Khi tăng lương phải tính toán đảm bảo thăng bằng giữa tiêu thụ và cung cấp hàng hóa, thăng bằng thu chi tài chính, thăng bằng tiền mặt; phải đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ thị trường, chống đầu cơ tích trữ, đề phòng và ngăn chặn việc tăng giá hàng trong khi tăng lương để đảm bảo tiền lương thực tế được tăng.

Căn cứ những chủ trương trình bầy trên về chế độ tiền lương và tình hình thực tế nước ta, nay kết hợp tăng cường với cải tiến chế độ tiền lương. Vì cải tiến tiền lương mà không tăng lương thì không cải tiến được, ngược lại chỉ tăng lương mà không cải tiến sẽ gây thêm bất hợp lý. Do đó cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương là hai vấn đề không thể tách rời nhau, nhưng lần này cải tiến chế độ tiền lương là chủ yếu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chế độ tiền lương của ta còn nhiều điểm chưa hợp lý mà khả năng tăng lương có hạn nên việc cải tiến chế độ tiền lương cũng chỉ đặt đến chừng mực nhất định, chưa phải đã giải quyết được tất cả các vấn đề bất hợp lý hiện nay.

Do đó yêu cầu và phương châm cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương trong năm 1958 là:

YÊU CẦU:

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ