Thông tư 13-QC năm 1958 hướng dẫn việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ, giáo viên vào thang lương giáo dục 16 bậc do Bộ giáo dục ban hành.

Số hiệu 13-QC
Ngày ban hành 05/07/1958
Ngày có hiệu lực 20/07/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Huyên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-QC

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC SẮP XẾP CẤP BẬC CHO CÁN BỘ, GIÁO VIÊN VÀO THANG LƯƠNG GIÁO DỤC 16 BẬC

Căn cứ nghị quyết Hội đồng Chính phủ họp ngày 17, 18/3/1958 về việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1958, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 270-TTg ngày 30/5/1958 để thi hành đối với khu vực hành chính sự nghiệp từ 01/5/1958;
Bộ Nội vụ đã ra Thông tư số 46-NVCB ngày 03/7/1958 để hướng dẫn việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ, công nhân viên, viên chức các cơ quan hành chính, sự nghiệp;
Trong Thông tư này Bộ hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ chuyên môn ngành Giáo dục.

1) Thang lương giáo dục:

Để cho thích hợp với tình hình tổ chức hiện nay của ngành Giáo dục và trình độ  chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên trong ngành, thang lương giáo dục trước 11 bậc nay mở rộng ra 16 bậc.

Khung bậc các loại giáo viên và cán bộ được bố trí lại cho hợp lý hơn:

Khung giáo viên cấp I: từ bậc 1 đến bậc 9/16.

Khung giáo viên cấp II: từ bậc 5 đến bậc 11/16.

Khung giáo viên cấp III: từ bậc 12 đến bậc 13/16.

Tập sự trợ lý các trường:

Đại học : Bậc 6 và 7/16

Trợ lý và phụ giảng : từ bậc 8 đến bậc 13/16

Giảng viên và giáo sư : từ bậc 12 đến bậc 16/16. 

Cán bộ Bình dân học vụ huyện, ty: từ bậc 2 đến bậc 9/16.

Cán bộ Bình dân học vụ khu, nha: từ bậc 3 đến bậc 11/16.

2) Khởi điểm của mỗi cấp:

Cấp 1 - Bậc 2: Khởi điểm của giáo viên đào tạo ra để dạy lớp 1, 2.

Bậc 3: Tốt nghiệp sư phạm sơ cấp ra dạy toàn cấp 1.

Cấp 2 - Bậc 5: Tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp ra dạy toàn cấp 2.

Cấp 3 - Bậc 7: Trình độ văn hóa lớp 10, học Đại học sư phạm ba năm và tốt nghiệp đại học, ra dạy toàn cấp 3.

Ở cấp 1 khi xếp vào bậc khởi điểm phải qua thời gian tập sự một năm, cấp 2 và 3 thời gian tập sự là hai năm. Sau thời gian tập sự sẽ xét để đưa lên bậc khởi điểm.

Trong thời gian tập sự giáo viên được hưởng mức lương tương đương với bậc dưới khởi điểm một bậc.

3) Tiêu chuẩn để xếp bậc:

Tiêu chuẩn chung để sắp xếp cho giáo viên và cán bộ BDHV vẫn là “căn cứ vào chức vụ hiện tại xét đức tài mà xếp”.

Chức vụ hiện tại là cương vị công tác, nhiệm vụ mà người giáo viên hiện đang đảm nhận.

Tài của người giáo viên thể hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay tức là trong phương pháp, kinh nghiệm, kết quả giảng dạy, khả năng giảng dạy, khả năng tổ chức và lãnh đạo việc học tập của học sinh, thành tích cống hiến cho việc xây dựng nhà trường, xây dựng ngành.

Đức là phẩm chất chính trị của người giáo viên, là lập trường tư tưởng thể hiện trong việc giảng dạy, “thực hiện đúng đường lối, mục đích, phương châm giáo dục của Đảng và Chính phủ”, trong thái độ công tác, trong tinh thần phục vụ, trong tinh thần chấp hành chính sách, ý thức tổ chức và kỷ luật, trong tác phong liên hệ với quần chúng nhân dân và học sinh, trong tinh thần tham gia vào các đoàn thể như công đoàn, Đoàn thanh niên lao động.

Đức, tài của người giáo viên thể hiện trên một quá trình công tác nhất định. Ngành giáo dục là một ngành chuyên môn, sự tích lũy kinh nghiệm, quá trình được rèn luyện trong ngành là một yếu tố cần phải tính đến khi xét đức, tài của thầy giáo. Cho nên giáo viên mới ra trường 5, 3 năm chưa nên xếp vào những bậc trên của khung giáo viên cấp ấy vì lập trường tư tưởng chưa được thử thách lâu dài, thành tích công lao với ngành, kinh nghiệm tích lũy chưa được là bao nhiêu.

[...]