Thông tư 46/2016/TT-BLĐTBXH quy định về Điều lệ trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 46/2016/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 28/12/2016
Ngày có hiệu lực 15/02/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Đào Ngọc Dung
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2016/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU LỆ TRƯỜNG CAO ĐẲNG

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về Điều lệ trường cao đẳng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về Điều lệ trường cao đẳng công lập và trường cao đẳng tư thục (sau đây gọi chung là Điều lệ trường cao đẳng), bao gồm: Nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường cao đẳng; tổ chức hoạt động đào tạo; giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học trong trường cao đẳng; tài chính, tài sản của trường cao đẳng; quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp, gia đình và xã hội; tổ chức thực hiện Điều lệ trường cao đẳng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với trường cao đẳng và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ở trường cao đẳng;

b) Đối với trường cao đẳng là thành viên của trường đại học vùng, đại học quốc gia áp dụng quy định tại Thông tư này và quy chế tổ chức, hoạt động của trường đại học vùng, đại học quốc gia;

c) Trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các quy định về hoạt động của trường cao đẳng tư thục và quyền lợi của người học tại Thông tư này và các quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, riêng tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý không được thấp hơn tiêu chuẩn tương ứng quy định tại Thông tư này;

d) Thông tư này không áp dụng đối với trường cao đẳng sư phạm.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thành viên sáng lập là người tham gia, trực tiếp đề xuất, chuẩn bị thành lập trường cao đẳng, có tên trong danh sách thành viên sáng lập trong hồ sơ thành lập trường.

2. Trường cao đẳng cộng đồng là trường cao đẳng công lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và trình độ sơ cấp; tổ chức đào tạo thường xuyên theo quy định tại Mục 2 Chương III của Luật giáo dục nghề nghiệp với thời gian, phương pháp, hình thức đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng chương trình đào tạo, bảo đảm sự linh hoạt phù hợp với từng đối tượng người học, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương; hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chương trình chuyển tiếp lên trình độ đại học để sinh viên được liên thông theo đề án hợp tác và cam kết giữa hai trường trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 3. Địa vị pháp lý của trường cao đẳng

1. Trường cao đẳng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Trường cao đẳng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 4. Nguyên tắc đặt tên trường cao đẳng

1. Tên bằng tiếng Việt của trường cao đẳng gồm các thành tố sau đây:

a) Cụm từ xác định loại trường: Trường cao đẳng, trường cao đẳng cộng đồng;

b) Cụm từ xác định loại hình, lĩnh vực hoặc nhóm ngành, nghề đào tạo chính (nếu cần);

c) Cụm từ xác định tên riêng: Tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, tên danh nhân lịch sử, tên cá nhân, tên tổ chức;

d) Cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp (nếu cần).

[...]