Thông tư 43/2010/TT-BTC sửa đổi Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán kèm theo Quyết định 87/2007/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 43/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 25/03/2010
Ngày có hiệu lực 09/05/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Chứng khoán

BỘ TÀI CHÍNH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 43/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2010

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ, BÙ TRỪ VÀ THANH TOÁN CHỨNG KHOÁN BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 87/2007/QĐ-BTC NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2007 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/06/2006;
Căn cứ Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau đây gọi là Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC) như sau:

Điều 1. Sửa đổi tên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (viết tắt là TTLKCK) thành Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (viết tắt là VSD).

Điều 2. Sửa đổi điểm d, bổ sung Điểm e Khoản 1 Điều 7 Chương III Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC như sau:

“d. Có quy trình nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán đáp ứng được yêu cầu của VSD.

e. Hệ thống có khả năng kết nối với cổng giao tiếp điện tử của VSD và phần mềm quản lý hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán đáp ứng được yêu cầu của VSD.”

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 12 Chương III Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC như sau:

“8. Bị UBCKNN rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật chứng khoán (đối với thành viên lưu ký).”

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 18 Chương IV Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC như sau:

“1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với chứng khoán niêm yết/đăng ký giao dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a. Người sở hữu chứng khoán muốn thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán phải lưu ký chứng khoán vào VSD thông qua các thành viên lưu ký để giao dịch mua bán chứng khoán qua SGDCK hoặc chuyển quyền sở hữu theo quy định tại Khoản b Điều này (trừ trường hợp chuyển quyền sở hữu do thừa kế hoặc do tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu của cán bộ, nhân viên khi chấm dứt hợp đồng lao động).

b. VSD chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch tại SGDCK, trong các trường hợp sau:

- Biếu, tặng, cho, thừa kế chứng khoán theo quy định của Luật dân sự.

- Giao dịch chứng khoán lô lẻ theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

- Tổ chức phát hành/Công đoàn của tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu ưu đãi của cán bộ, công nhân viên khi chấm dứt hợp đồng lao động làm cổ phiếu quỹ, cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên.

- Tổ chức phát hành dùng cổ phiếu quỹ để thưởng/Công đoàn của tổ chức phát hành phân phối cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên.

- Giao dịch của cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng.

- Tổ chức phát hành thay đổi cổ đông chiến lược trong thời gian hạn chế chuyển nhượng.

- Các trường hợp giao dịch đối với chứng khoán đã đăng ký tại VSD và được SGDCK chấp thuận nguyên tắc nhưng chua được chấp thuận niêm yết chính thức.

- Nhà đầu tư ủy thác chuyển quyền sở hữu chứng khoán của mình sang công ty quản lý quỹ trong trường hợp công ty quản lý quỹ nhận quản lý danh mục đầu tư ủy thác bằng tài sản.

- Công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác hoặc công ty quản lý quỹ khác trong trường hợp chấm dứt hợp đồng quản lý danh mục đầu tư hoặc công ty quản lý quỹ giải thể, phá sản, phải hoàn trả nhà đầu tư ủy thác tài sản hoặc chuyển danh mục tài sản sang công ty quản lý quỹ khác quản lý.

- Các trường hợp chuyển quyền sở hữu theo quyết định của Tòa án.

- Chia tách, sáp nhập, hợp nhất, góp vốn bằng cổ phiếu thành lập doanh nghiệp hoặc phân định lại cơ chế quản lý tài chính của doanh nghiệp theo quy định của Luật dân sự, Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán.

- Các trường hợp chuyển quyền sở hữu không mang tính chất giao dịch mua bán khác phải được UBCKNN chấp thuận.”

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 21 Chương V Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC như sau:

“1. Việc lưu ký chứng khoán của khách hàng tại VSD được thực hiện theo nguyên tắc: khách hàng lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký và thành viên lưu ký tái lưu ký chứng khoán của khách hàng tại VSD.”

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, 5 Điều 24 Chương V Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC như sau:

[...]