Thông tư 54-TC/TCĐN-1989 hướng dẫn chế độ bán ngoại tệ nghĩa vụ cho quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 54-TC/TCĐN
Ngày ban hành 22/11/1989
Ngày có hiệu lực 01/01/1989
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu,Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54-TC/TCĐN

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1989

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 54-CT/TCĐN NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 1989 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ BÁN NGOẠI TỆ NGHĨA VỤ CHO QUỸ NGOẠI TỆ TẬP TRUNG CỦA NHÀ NƯỚC

Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ bán ngoại tệ nghĩa vụ đối với các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu, dịch vụ thu ngoại tệ thuộc các Bộ ngành, các thành phần kinh tế của Trung ương và địa phương theo Quyết định số 218-CT ngày 18-8-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như sau:

I- NGHĨA VỤ BÁN NGOẠI TỆ CỦA CÁC ĐƠN VỊ CHO NHÀ NƯỚC ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ SAU

1. Đối với ngoại tệ tự do chuyển đổi:

Tất cả các đơn vị có thu ngoại tệ đều có nghĩa vụ bán ngoại tệ cho Nhà nước theo các mức quy định cho từng nhóm hàng xuất khẩu và nhóm dịch vụ như sau:

Hàng xuất khẩu

Mức bán nghĩa vụ (tỷ lệ %)

- Nhóm khoáng sản và rau quả tươi:

10% trên doanh thu theo giá FOB

- Nhóm lương thực (gạo, ngô, sắn lát..):

20% "

- Nhóm nông sản nguyên dạng và lâm sản:

40% "

- Nhóm nông sản chế biến:

30% "

- Nhóm công nghiệp nhẹ và thuỷ sản:

40% "

- Nhóm rau quả khô:

50% "

- Nhóm thủ công mỹ nghệ:

40% "

- Nhóm mây tre:

60% "

- Nhóm gia công:

30% trên tiền công

Nhóm dịch vụ thu ngoại tệ

- Các nhóm: vận tải đường biển, hàng không, cung ứng tàu biển:

20% trên doanh thu

- Du lịch:

30% trên doanh thu

- Ngân hàng ngoại thương:

5% trên doanh thu

- Bưu điện, bảo hiểm:

10% trên doanh thu

- Cục phục vụ ngoại giao đoàn và các dịch vụ khác của kinh tế đối ngoại (như kho vận, phòng thương mại, giám định v.v...):

50% trên doanh thu

- Bán hàng trong nước thu ngoại tệ:

5% trên doanh thu

Ghi chú: Nếu đơn vị thực hiện việc nộp thuế, nộp thu quốc doanh, nộp lợi nhuận v v... bằng ngoại tệ thì sau khi đã trừ đi các khoản nộp nói trên bằng ngoại tệ, số doanh thu còn lại sẽ là cơ sở để tính mức bán nghĩa vụ cho Nhà nước.

Tỷ giá để mua ngoại tệ tự do chuyển đổi nói trên là tỷ giá do Ngân hàng ngoại thương quy định.

Trường hợp xuất khẩu hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ cho các nước ngoài khu vực xã hội chủ nghĩa để trả nợ chính phủ thì căn cứ vào số ngoại tệ thực tế trừ nợ chính phủ, Bộ Tài chính sẽ trả lại cho đơn vị trực tiếp giao hàng xuất khẩu tiền Việt Nam tương ứng theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng ngoại thương. Đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ tiền hàng, phí bảo hiểm, phí vận tải... bằng số tiền Việt Nam do Bộ Tài chính đã trả.

Nếu có trường hợp chi phí của đơn vị lớn hơn số tiền mà Bộ Tài chính trả thì đơn vị phải tự trang trải bằng các nguồn khác, Bộ Tài chính không bù lỗ các trường hợp này.

2. Đối với ngoại tệ là Rúp chuyển nhượng:

Theo chế độ quản lý tài chính về xuất nhập khẩu theo Nghị định thư hiện nay và do tính chất hạn chế trong phương thức thanh toán qua đồng Rúp chuyển nhượng, việc bán nghĩa vụ Rúp chuyển nhượng được quy định như sau:

a) Đối với doanh thu Rúp chuyển nhượng của các đơn vị được Nhà nước giao chỉ tiêu hàng xuất khẩu theo Nghị định thư đã ký hàng năm thì không áp dụng phương thức bán nghĩa vụ như đối với doanh thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Toàn bộ số Rúp thu được do xuất khẩu được Nhà nước thanh toán lại bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá nhóm hàng, nhóm dịch vụ mà Bộ Kinh tế đối ngoại xác định.

b) Đối với Rúp chuyển nhượng của các đơn vị kinh doanh dịch vụ, kinh doanh xuất khẩu không nằm trong diện được Bộ Kinh tế đối ngoại mua lại toàn bộ doanh thu:

- Nhà nước khuyến khích các đơn vị kinh doanh đối ngoại có doanh thu RCN mở rộng quan hệ trực tiếp với bên được nhận hàng hoá xuất khẩu (hoặc được nhận cung cấp dịch vụ) để họ thanh toán trả lại bằng hàng hoá vật tư tương ứng với doanh thu ngoại tệ của đơn vị mình.

Trường hợp vì bên nhận hàng hoá xuất khẩu (hoặc nhận cung cấp dịch vụ) không thanh toán bằng hàng hoá tương ứng nên doanh thu ngoại tệ phải đưa vào thanh toán qua ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế (MBES) thì Nhà nước mới mua số RCN này.

Số Rúp mà Nhà nước mua sẽ do đơn vị tự nguyện bán một phần hay toàn bộ sau khi trừ đủ những khoản tiền bằng Rúp mà đơn vị phải giữ lại để thanh toán với các đơn vị khác như các chi phí về bảo hiểm và vận tải, chi mua hàng nhập khẩu, chi phí bồi thường thiệt hại do người mua hàng xuất khẩu (hoặc người được cung cấp dịch vụ) khiếu nại.

Như vậy, Nhà nước không quy định mức bán nghĩa vụ bắt buộc đối với số ngoại tệ RCN này. Số Rúp chuyển nhượng dự kiến bán cần được đưa vào kế hoạch thu chi ngoại tệ của đơn vị gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính chủ động bố trí vào kế hoạch ngoại tệ chung của Nhà nước và kế hoạch chi ngân sách Nhà nước.

- Thủ tục bán RCN qui định như sau:

Đơn vị có phát sinh nguồn thu RCN được Nhà nước mua cần thông báo cho Bộ Tài chính biết:

+ Xuất xứ của nguồn thu RCN mà đơn vị dự kiến bán cho Bộ Tài chính.

+ Xác nhận của Ngân hàng Ngoại thương Trung ương về việc số RCN đó đã đưa vào tài khoản thanh toán tại Ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế (MBES).

+ Quyết toán giá thành hoặc chi phí làm ra đồng RCN đó (bản quyết toán này phải có xác nhận của cơ quan tài chính cùng cấp).

Sau khi nghiên cứu các tài liệu trên. Bộ Tài Chính sẽ thoả thuận với đơn vị về mức tỷ giá để mua số RCN mà đơn vị dự kiến bán. Mức tỷ giá thoả thuận này đảm bảo nguyên tắc bù đắp đủ những chi phí hợp lý mà đơn vị đã bỏ ra.

3. Tổ chức việc mua bán ngoại tệ cho qui ngoại tệ tập trung của Nhà nước, mối quan hệ giữa tài chính và ngân hàng trong việc này.

[...]